Ngoài dự án 4 tỷ USD ở Thủ Thiêm, Steelman Partners còn làm những gì ở Việt Nam?
Nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư dự án tại Thủ Thiêm lần này đều là những tập đoàn có tiềm lực kinh tế và nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các khu giải trí trên thế giới.
Theo đó, dự án khu phức hợp được triển khai trong khoảng thời gian 3 năm, 2 tháng với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD trên khu đất rộng hơn 11ha tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và đây sẽ là đầu tư tư nhân lớn nhất của các công ty Mỹ tại Việt Nam.
Theo ông William Weidner, Chủ tịch-Giám đốc Điều hành Tập đoàn Global Gaming Asset Management, việc triển khai dự án tại đây sẽ góp phần thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, qua đó giúp TP.HCM trở thành một trung tâm tài chính của khu vực.
Nhóm các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, mà do ông ông Johnathan Hạnh Nguyễn "chấp nối" cùng với 3 nhà đầu tư Mỹ khác là Cantor Fitzgerald, Weider Resorts, Steelman Partners, đều là những tên tuổi "kỳ cựu" trên thị trường đầu tư toàn cầu.
Trong đó Dự án 4 tỷ USD tại Thủ Thiêm sẽ do Steelman Partners thiết kế toàn bộ. Đến nay, thông tin và hình ảnh dự án có vốn đầu tư lớn nhất vào Thủ Thiêm (nếu mọi việc thành sự thật) vẫn chưa được tiết lộ.
Có hoạt động trải dài trên cả châu Mỹ, châu Âu và châu Á, Steelman Partners được tạp chí Engineering News-Record xếp hạng 268/500 hãng thiết kế lớn nhất thế giới năm 2016.
Tính đến tháng 4/2016, Steelman Partners đã hoàn thành hơn 4.000 dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng tích hợp ở nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Nga, Thụy Sĩ, Úc, Ý... Công ty này cũng có văn phòng tại Việt Nam, Trung Quốc và Hà Lan, ngoài trụ sở chính ở vùng đất casino Las Vegas.
Một số dự án tiêu biểu có sự tham gia của Steelman Partner là chuỗi khách sạn Hyatt, Sheraton, Wynn, Las Vegas Sands, Bloomberry Resorts, Naga Corp, MGM, Harrahs, Royal Time Group, Genting...
Tại Việt Nam, tên tuổi của Steelman Partners gắn liền với dự án Hồ Tràm Strip và Happy Land, Suối Tiên Masterplan... Đặc biệt, theo tìm hiểu của chúng tôi chính tập đoàn này cũng là đơn vị chính đảm nhiệm toàn bộ thiết kế cho dự án Khu công viên giải trí tại quận 7, do tập đoàn Gaw Capital Partners đầu tư.
Thông tin trên trang web của Steelman Partners còn cho biết, hiện tập đoàn này cũng là "chủ" thiết kế một số dự án lớn khác đang tồn tại hoặc chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam. Trong đó có dự án khu phức hợp cao cấp Da Nang Masterplan; Dự án Dragon Hill tại Hải Phòng; Dự án Lavenue Complex tại TP.HCM, thuộc khu đất vàng ngay trung tâm quận 1...
Trong đó đáng chú ý là một dự có tên là Nhà hát Thủ Thiêm Thu Thiem Opera House được thiết kế khá "đồ sộ", chuẩn bị được thành phố đầu tư xây dựng sau hơn 10 năm trì hoãn. Đây sẽ là nơi quảng bá, giới thiệu và diễn ra trực tiếp các hoạt động văn hóa lớn của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng sau khi hoàn thành. Song song đó, dự án còn là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố.
Mô hình ban đầu của dự án Nhà hát Opera tại Thủ Thiêm.
Được biết, từ năm 1999 TP.HCM đã có kế hoạch đầu tư một dự án nhà hát đa năng, kết hợp mọi hoạt động kinh doanh hiện đại, mang lại điếm nhấn cho thành phố thời hội nhập. Địa điểm đầu tiên được lảnh đạo thành phố chọn xây dự án là ngay Công viên 23/9, trải dài từ chợ Bến Thành đến gần chợ Cống Quỳnh, quận 1.
Năm 2011, khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Quận 2 là nơi được “chọn mặt gửi vàng” để khởi công xây dựng nhà hát. Chỉ 1 năm sau, năm 2012 thì thành phố lại muốn “trở lại chốn cũ” là công viên 23/9 như đã chọn từ năm 2009.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia quy hoạch, trên cơ sở tính toán của Công ty Tư vấn Nikken Sekkei (Nhật Bản) – nhà thầu lập quy hoạch phát triển Công viên 23/9, thì hiện nay toàn bộ mặt bằng và phần ngầm của Công viên không còn vị trí nào thích hợp để xây dựng Nhà hát.
Trong tương lai, công viên, quảng trường trên mặt đất, các tầng ngầm đều được đầu tư làm bãi đậu xe buýt, xe 2 bánh, 4 bánh và trung tâm thương mại dịch vụ, phục vụ cho hệ thống metro của Thành phố sau này. Một khi Thành phố đầu tư xây dựng dự án Nhà hát đa năng quy mô hiện đại như đề xuất thì đồng nghĩa với việc phải phá vỡ mảng xanh hiện có, phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt trước đây.
Do vậy, từ cuối năm 2013, lãnh đạo TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch về việc chọn Thủ Thiêm là nơi sẽ đầu tư xây dựng dự án hoành tráng này. Thành phố cũng giao các đơn vị liên quan tiến hành kế hoạch xúc tiến, kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực để "rót vốn" làm dự án.
Một hạng mục khách hạn cũng do Steelman Partners thiết kế tại Việt Nam
Khu công viên hiện đại này nằm trong hồ sơ các dự án thiết kế tại Việt Nam do Steelman Partners thực hiện.
Dự án Dragon Hills - Hải Phòng
Dự án Khu phức hợp Lavenue Complex tại TP.HCM
Đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý vận hành của dự án Happy Land là những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Tiêu biểu như Steelman Partners thiết kế ý tưởng, Tập đoàn PriceWaterhouse Coopers lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho toàn dự án, Công ty Hill International cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý, đơn vị Internatinal Creative Services Co đảm nhiệm vận hành...