Ngộ nghĩnh và đáng yêu với những bức tranh được vẽ lên các hộp điện cũ kỹ ở phố cổ Hà Nội, tác giả là một gương mặt "lạ mà quen"
Không biết từ bao giờ, Scott (25 tuổi) xem Hà Nội là quê hương thứ 2 của mình. Với dự án "thổi hồn" vào những hộp điện cũ kỹ, Scott hy vọng truyền cảm hứng tới nhiều người hơn nữa so với dự án đầu tiên. Khi người Việt nhìn vào, họ sẽ thấy người trẻ Việt đang tạo nên những điều tuyệt vời.
Cách đây 2 năm, Scott Matt - "Ông Tây râu xồm" quốc tịch Mỹ đến Việt Nam và quyết định biến một con ngõ nhỏ trong phố cổ trở nên lung linh và sặc sỡ. Khi ấy, Scott mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp cử nhân ngành kỹ thuật kinh doanh, Đại học Drexel (Mỹ). Anh chọn Việt Nam là điểm đến du lịch đơn giản vì quốc gia này có chi phí sinh hoạt vừa phải. Nhưng rồi, khi đã là "công dân tạm thời" nơi đây, anh quyết định phải làm một điều gì đó vì cảm mến con người và những nơi đã từng đi qua.
Scott tự bỏ tiền túi, mua sơn và trang thiết bị, quyết sơn lại toàn bộ các bức tường nơi con ngõ nhỏ 50 Hàng Bạc. Trước thì nhiều người phản đối, tỏ ra ngạc nhiên khi một anh Tây to con lại "bao đồng" sơn sơn quét quét. Sau, vào một ngày, họ tỉnh dậy và nhìn xung quanh nơi mình sinh sống, mọi thứ trở nên đẹp đẽ và dễ chịu. Họ cảm ơn Scott bằng thứ ngôn ngữ anh chẳng hiểu gì, nhưng anh vui vì điều đó.
Năm 2017, Scott Matt nổi tiếng khắp phố cổ Hà Nội sau dự án sơn lại hộp điện trong con ngõ 50 Hàng Bạc.
Chân dung "ông Tây râu xồm" Scott Matt. Ảnh: Phương Thảo.
Đầu năm 2018, Scott quyết định quay lại Việt Nam và luôn tự hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo. Và dự án "Throwing Soul" đã ra đời, quy tụ 30 hoạ sĩ tài năng, đủ lứa tuổi, cùng tham gia "thổi hồn" vào những chiếc hộp điện.
Ban đầu, anh dự định sẽ sơn 100 hộp, nếu thừa kinh phí, nhóm sẽ tiếp tục sơn ở khắp các con đường phố cổ. Và thực tế, con số này đã lên tới gần 350 hộp điện và có thể lớn hơn nữa trong tương lai.
"Tôi đã làm việc với chính quyền và nhận được sự cho phép. Dù tôi có làm gì thì phố cổ vẫn là phố cổ, tôi không phá hủy hay dỡ bỏ bất cứ thứ gì mà chỉ sơn thêm một chút màu với mong muốn làm nơi này thêm sinh động hơn.
Tôi mong dự án lần này sẽ truyền cảm hứng tới nhiều người hơn nữa so với dự án đầu tiên. Khi người Việt nhìn vào nó họ sẽ thấy người trẻ Việt Nam đang tạo nên những điều tuyệt vời cho đất nước. Và các bạn trẻ khác sẽ nhận ra "Không phải chỉ một ông Tây điên rồ mới dám làm điều đó. Mình cũng có thể làm được những điều lớn lao"" - Scott nói.
Với cá nhân Scott và những hoạ sĩ tham gia, đây là một dự án lớn. Lần này, anh lại tiếp tục tự bỏ tiền túi và thật may, một công ty sơn đã nhận lời ủng hộ một lượng sơn thân thiện với môi trường trị giá 100 triệu đồng.
Ngộ nghĩnh và đáng yêu với những bức tranh được vẽ lên các hộp điện cũ kỹ ở phố cổ Hà Nội. Thực hiện: Minh Nhân.
Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Buồm được lựa chọn để tiến hành dự án "Throwing Soul".
Những hình ảnh dễ thương, mang văn hoá phố cổ xuất hiện trên các hộp điện, biến chúng từ những thứ vô tri vô giác trở nên vô cùng sinh động.
Trước khi dự án, nhóm hoạ sĩ trẻ Việt Nam cùng Scott nghiên cứu kĩ thông số từng hộp điện rồi phác hoạ thiết kế.
Các hộp điện "made in Việt Nam" mang đậm bản sắc, văn hoá con người phố cổ.
Hộp công tơ điên, gọi tắt là hộp điện là một trong số hình ảnh đặc trưng và quen thuộc ở Việt Nam. Chúng không quá cũ kỹ và xuất hiện khắp mọi nơi, từ phố lớn tới ngõ nhỏ. Một điều lạ lùng, là những công tơ điện này luôn bị bôi bẩn bằng đủ thứ rao vặt, quảng cáo. Thay vì vẻ ngoài đơn điệu đến nhàm chán, chúng được khoác lên mình những thiết kế mang hơi hướng văn hoá, nghệ thuật, đặc trưng về một Hà Nội thân thiện, văn minh và hiếu khách.
Phố cổ là địa điểm du lịch sầm uất nhất Hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây mỗi ngày. Với dự án nghệ thuật này, Scott hy vọng, du khách sẽ phải thay đổi cách nhìn cũ kĩ về con người Việt Nam và thay vào đó, nhìn nhận Việt Nam như một quốc gia của những con người sáng tạo và yêu nghệ thuật.
"Sau dự án đầu tiên, nhiều người đã nói "Cảm ơn bạn đã yêu Việt Nam như thế. Tôi rất ngại vì tôi đã sống ở đây cả cuộc đời nhưng chưa làm được điều gì như vậy để nơi đây đẹp hơn". Vì vậy, lần này tôi muốn tất cả đều góp sức. Tôi không đơn độc mà có sự chung tay của các bạn trẻ Việt Nam.
Tôi cho rằng những hộp công tơ điện là lựa chọn tuyệt vời để truyền tải những đặc sắc văn hóa của phố cổ nói riêng và Việt Nam nói chung. Chúng tôi đã phải nghiên cứu các thông số về hộp điện và phác hoạ trước các hình ảnh thật kỹ. Tôi yêu Việt Nam, các bạn cũng thế, chúng ta có thể làm những điều lớn lao cùng nhau" - Scott chia sẻ.
Bên cạnh những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Là những tác phẩm mang hơi hướng nghệ thuật, bản sắc Việt Nam.
Và tất nhiên không thể thiếu những thiết kế "hoa lá cành".
Một bức tranh hí hoạ giữa chằng chịt dây điện.
"Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài cũng xuất hiện trong loạt tác phẩm đường phố này.
Những hộp điện dễ thương khiến đường phố Hà Nội thêm đáng yêu.
Scott đến Hà Nội lần đầu tiên vỏn vẹn 2 năm về trước. Vì tình yêu mảnh đất và con người nơi đây, anh quay lại, rồi dần dần cảm giác như không muốn rời xa. Hà Nội, bằng một cách nào đó, trở thành ngôi nhà thứ 2 của anh. Scott hy vọng không chỉ với dự án "Throwing Soul" lần này, mà còn những dự án sau nữa, Hà Nội sẽ trở nên thật đẹp và phấn khởi.
"Với bản thân tôi, tôi đã nhận được sự chào đón vô cùng ấm áp từ những con người Việt Nam mà tôi gặp, nên "Throwing Soul" giống như một món quà cảm ơn mà tôi dành tặng cho tất cả những người đã yêu quý tôi.
Vậy còn các bạn, các bạn đã từng thể hiện tình yêu với Việt Nam như thế nào?".
Những hộp điện dần đi vào đời sống của người dân phố cổ. Chỉ cần nhìn thôi, họ cũng biết là do "anh Tây nào đó" tới đây vẽ vẽ sơn sơn.
Các bạn đã từng thể hiện tình yêu với Việt Nam như thế nào?