Nghiên cứu: Những người từng bị cảm lạnh có thể tạo phản ứng miễn dịch với COVID-19 nhanh hơn
Khi các tế bào T được phát triển để phản ứng với một chủng virus cụ thể, nó sẽ phản ứng với cả các mầm bệnh tương tự.
Những người từng bị cảm lạnh trong một vài năm gần đây có thể có lợi thế khi chiến đấu với COVID-19. Đó là giả thuyết được rút ra từ một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science. Trong đó, các nhà khoa học tìm thấy những người chưa từng tiếp xúc với SARS-CoV-2 nhưng vẫn có các tế bào miễn dịch T phản ứng được với virus này.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng những tế bào T của họ đã học được cách chống lại họ virus corona nói chung, bắt đầu từ các virus gây cảm lạnh thông thường mà họ mắc phải trước đây.
Nghiên cứu: Những người từng bị cảm lạnh sẽ có lợi thế khi chiến đấu với COVID-19
Tế bào bạch cầu T là một phần quan trọng của hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi virus. Nhiệm vụ của chúng là xác định và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh, đồng thời thông báo cho các tế bào B giúp chúng tạo ra kháng thể mới chống lại căn bệnh.
Khi bị nhiễm một mầm bệnh bất kỳ, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tạo ra cả kháng thể và các tế bào bạch cầu T này. Sau khi đã khỏi bệnh, nồng độ kháng thể trong máu của bạn sẽ suy giảm theo thời gian, nhưng các tế bào T vẫn ghi nhớ được mầm bệnh trong nhiều năm, giúp kích hoạt hệ thống phòng thủ nếu bạn gặp phải virus tương tự.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy việc các tế bào T ghi nhớ virus corona (những chủng gây cảm lạnh) có thể giúp những người mắc COVID-19 có lợi thế hơn trong việc chống lại virus corona mới, cụ thể là SARS-CoV-2.
"Điều này có thể giúp giải thích tại sao một số người mắc COVID-19 có các triệu chứng bệnh nhẹ hơn, trong khi những người khác bị bệnh nặng", Alessandro Sette, một trong số các tác giả của nghiên cứu mới cho biết.
Một số tế bào T nhận ra SARS-CoV-2 dù chưa từng thấy nó
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Science, nhóm của Sette đã phân tích máu của 25 tình nguyện viên được thu thập từ năm 2015 đến 2018. Mặc dù đó là khoảng thời gian COVID-19 chưa xuất hiện, nhưng các tế bào T trong các mẫu máu này vẫn có thể nhận diện được virus SARS-CoV-2 và 4 chủng virus corona gây cảm lạnh thông thường.
Trước đó vào tháng 5, Sette cũng công bố một nghiên cứu trong đó ông kiểm tra máu của 10 người chưa từng tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 nhưng lại có các tế bào T có khả năng nhận diện và tạo phản ứng miễn dịch khi gặp nó.
Khi các tế bào T được phát triển để phản ứng với một chủng virus cụ thể, nó sẽ phản ứng với cả các mầm bệnh tương tự.
Mở rộng phân tích này sang các nhóm thuần tập ở Mỹ, Hà Lan, Đức, Singapore và Anh, Sette cũng thấy khoảng 20-50% số người trong các nhóm này đã có các tế bào bạch cầu phản ứng được với virus SARS-CoV-2, mặc dù sự thật là họ chưa từng phơi nhiễm hay mắc COVID-19.
"Phản ứng miễn dịch chống lại COVID-19 đã tồn tại ở một mức độ nào đó trong dân số nói chung", Sette viết trong báo cáo. Hai nghiên cứu khác gần đây cũng cung cấp nhiều bằng chứng hơn cho kết luận này của ông.
Nghiên cứu đầu tiên được công bố vào tháng trước cho thấy hơn một phần ba trong số 68 người Đức khỏe mạnh chưa bao giờ phơi nhiễm COVID-19 nhưng có tế bào T phản ứng với virus. Nghiên cứu thứ hai được công bố trên tạp chí Nature chỉ ra hơn 50% trong số 37 người khỏe mạnh có các tế bào T nhận ra virus SARS-CoV-2. Dĩ nhiên, họ cũng là những người chưa từng tiếp xúc hay mắc COVID-19.
Nghiên cứu trên tạp chí Nature cũng đã kiểm tra 23 người sống sót sau bệnh SARS năm 2003 - cũng là một chủng virus corona. Kết quả cho thấy các tế bào T của họ vẫn có bộ nhớ đặc hiệu cho virus sau 17 năm hồi phục. Chính những tế bào T đó cũng có thể nhận ra virus SARS-CoV-2 mới.
Những người có tế bào T phản ứng chéo có thể đáp ứng miễn dịch nhanh hơn
Lời giải thích dễ hiểu nhất cho những quan sát này là một hiện tượng được gọi là phản ứng chéo: Khi các tế bào T được phát triển để phản ứng với một chủng virus cụ thể, nó sẽ phản ứng với cả các mầm bệnh tương tự.
Điều đó có thể cung cấp cho hệ thống miễn dịch một cơ chế sẵn sàng để đối phó với các virus mới, dù chúng chưa từng được sinh ra hoặc chưa từng được biết đến.
Hiện còn quá sớm để nói liệu trí nhớ miễn dịch của tế bào T có ảnh hưởng thế nào đến kết quả điều trị cuối cùng trên bệnh nhân COVID-19.
Sette ví phản ứng chéo của tế bào T giống như một vận động viên điền kinh đã nhổm chân dậy trên vạch xuất phát. "Bạn đang bắt đầu với một chút lợi thế - một sự khởi đầu trong cuộc chạy đua vũ trang giữa virus muốn sinh sôi và hệ thống miễn dịch muốn loại bỏ nó", ông nói với Business Insider.
Trong trường hợp không có các tế bào T phản ứng chéo, cơ thể bạn phải tăng cường khả năng phòng thủ từ con số 0. Điều này có thể ảnh hưởng đến tốc độ mà hệ thống miễn dịch của bạn có thể phản ứng với virus xâm nhập.
Sette cho biết mức độ phản ứng chéo của tế bào miễn dịch T có thể giúp cơ thể "chuyển sang các mức độ bảo vệ khác nhau". "Có phản ứng tế bào T mạnh hoặc phản ứng tế bào T tốt hơn sẽ cho bạn một cơ hội đạt được phản ứng nhanh hơn và mạnh hơn nhiều".
Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh hiện còn quá sớm để nói liệu trí nhớ miễn dịch của tế bào T có ảnh hưởng thế nào đến kết quả điều trị cuối cùng trên bệnh nhân COVID-19.
Một mặt, các phản ứng miễn dịch có thể giúp cơ thể chống lại mầm bệnh. Đôi khi, nó tạo ra một hiệu ứng gọi là bão cytokine (phản ứng miễn dịch thái quá tấn công cả tế bào khỏe mạnh trong cơ thể) và khiến căn bệnh trở nên trầm trọng hơn.