Nghiên cứu mới: Không phải do thực phẩm bẩn hay môi trường ô nhiễm, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư là do lỗi sao chép DNA

27/06/2017 09:26 AM | Sống

Ngay cả khi thực hiện lối sống lành mạnh trong môi trường hoàn hảo, con người vẫn có thể mắc ung thư do lỗi sao chép DNA.

Rất nhiều bệnh nhân ung thư tự hỏi "Tại sao tôi lại là nạn nhân?" bởi họ tuân thủ những quy tắc sống rất khoa học, như không uống rượu hay hút thuốc, ngủ sớm, tránh thịt đỏ và thịt nướng, đoạn tuyệt với thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Hàng loạt nghiên cứu về nguyên nhân ung thư chỉ tập trung vào môi trường và lối sống nên nhiều người nghĩ chúng là thủ phạm chính gây bệnh.

"Mọi người đều biết chúng ta phải tránh những yếu tố môi trường, như hút thuốc lá, để giảm nguy cơ mắc ung thư. Nhưng rất ít người biết rằng, mỗi lần một tế bào bình thường phân chia và sao chép DNA của nó để tạo ra 2 tế bào mới, trục trặc có thể xảy ra”, giáo sư Cristian Tomasetti, bộ môn thống kê sinh học của Trung tâm Johns Hopkins Kimmel và Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg tại Mỹ, phát biểu.

Vị giáo sư khẳng định những lỗi sao chép DNA là nguyên nhân tạo nên những đột biến ung thư mà trước đây giới khoa học đánh giá thấp.

Ông và các đồng nghiệp phân tích những đột biến gây nên sự phát triển bất thường của tế bào trong 32 loại ung thư trong cơ thể 423 người. Họ phát triển một mô hình toán học mới dựa trên dữ liệu về trình tự DNA và ung thư.

Theo nhóm nghiên cứu, ung thư chỉ xuất hiện khi ít nhất 2 đột biến gene xảy ra. Ở một cá nhân, những đột biến gene có thể là kết quả của lỗi sao chép DNA, môi trường hay gene di truyền.

Mô hình toán học chứng minh lỗi sao chép DNA là thủ phạm lớn nhất. Chẳng hạn, 77% trường hợp ung thư tuyến tụy xảy ra do lỗi sao chép DNA, 18% do những yếu tố môi trường (như hút thuốc lá) và chỉ 5% do di truyền.

Với những dạng ung thư ở vị trí khác, như tuyến tiền liệt, não, xương, hơn 95% đột biến gene là hậu quả của lỗi sao chép DNA.

Ung thư phổi lại có quy luật khác. 65% đột biến gene xuất hiện do những yếu tố môi trường, chủ yếu là khói thuốc lá. Lỗi sao chép DNA chỉ gây nên 35% đột biến, trong khi di truyền hầu như không đóng vai trò nào đối với ung thư phổi.

Sau khi tổng kết 32 dạng ung thư, nhóm nghiên cứu ước tính 66% đột biến gene gây ung thư hình thành từ lỗi sao chép DNA, 29% ca ung thư phát sinh do lối sống và môi trường, 5% do di truyền.

"Chúng ta vẫn cần tiếp tục khuyến khích người dân tránh những tác nhân môi trường và lối sống có thể làm tăng nguy cơ đột biến gây ung thư. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn mắc ung thư do lỗi sao chép DNA ngẫu nhiên.

Vì thế, chúng ta rất cần những biện pháp hiệu quả hơn để phát hiện sớm mọi dạng ung thư”, Bert Vogelstein, Giám đốc Trung tâm Ludwig của Trung tâm Ung thư Johns Hopkins Kimmel, phát biểu.

Vogelstein và Tomasetti nói kết luận của họ trùng khớp với kết quả nhiều nghiên cứu dịch tễ học, theo đó chúng ta có thể ngăn chặn xấp xỉ 40% ca ung thư bằng cách tránh những tác nhân môi trường và lối sống nguy hại.

Tuy nhiên, "ung thư vẫn xuất hiện dù con người sống trong môi trường hoàn hảo và lành mạnh”, Vogelstein nhận định.

Trong một nghiên cứu được Tomasetti và Vogelstein công bố trên tạp chí Science vào năm 2015, họ tuyên bố lỗi sao chép DNA có thể giúp giới khoa học giải thích hiện tượng một số dạng ung thư tại Mỹ, như ung thư thực quản, lại xuất hiện thường xuyên hơn so với nhiều dạng khác, chẳng hạn như ung thư não.

Nghiên cứu năm 2015 của Tomasetti và Vogelstein từng gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Nhiều người chỉ trích 2 ông không xem xét ung thư vú hay ung thư tuyến tiền liêt, đồng thời chỉ tập trung vào bệnh nhân ung thư ở Mỹ.

Với nghiên cứu mới, Tomasetti và Vogelstein tiếp tục chứng minh lỗi sao chép DNA vẫn là thủ phạm lớn nhất đối với nguy cơ ung thư. Họ nhận định rằng, tế bào phân chia càng nhiều thì lỗi sao chép DNA càng tăng.

Để đảm bảo tính khách quan và chính xác của nghiên cứu mới, Tomasetti và Vogelstein so sánh tổng số tế bào gốc phân chia với dữ liệu ung thư của 423 bệnh nhân do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thu thập. 423 người đó sống tại 68 nước với tổng dân số 4,8 tỷ người, tương đương hơn một nửa nhân loại đang sống.

Lần này nhóm nghiên cứu có dữ liệu về ung thư vú và ung thư tiền liệt. Họ nhận thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa nguy cơ ung thư và sự phân chia tế bào trong 17 dạng ung thư. Mối quan hệ ấy đúng với mọi môi trường và trình độ phát triển kinh tế của các nước.

Tomasetti cho rằng lỗi sao chép DNA chỉ có vai trò quan trọng trong những xã hội đối mặt tình trạng già hóa dân số, bởi tuổi thọ càng tăng thì số lần tế bào phân chia càng lớn và nguy cơ lỗi xảy ra càng cao. Do lỗi sao chép DNA gây nên phần lớn ca ung thư, Vogelstein khuyên những người mắc ung thư dù sống lành mạnh nên tự an ủi bản thân. "Mọi việc bạn từng làm hoặc không thực hiện đều chẳng có vai trò gì đối với ung thư”, ông nói.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM