Nghiên cứu cho thấy nghe nhạc Mozart nhiều có thể chống đột quỵ

27/06/2016 20:08 PM | Sống

Nghiên cứu mới đây cho thấy nghe những bản nhạc giao hưởng của Mozart hay Johann Strauss có tác dụng làm giảm huyết áp tương đương với tập thể dục hay giảm muối trong khẩu phần ăn.

Các nhà khoa học ở Đức đã thử phát bản giao hưởng số 40 cung Sol thứ của Mozart, một điệu Waltz của Johann Strauss và các bài hát của ABBA cho 60 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, rồi theo dõi huyết áp của họ trước và sau thực nghiệm.

Họ nhận thấy nghe nhạc Mozart làm giảm huyết áp tâm thu (áp lực trong mạch máu khi tim đập) đến 4,7 mm thủy ngân, nhạc của Strauss là 3,7 mm thủy ngân còn nhóm nhạc huyền thoại của Thụy Điển không tạo ra sự khác biệt nào.

Huyết áp tâm trương (khi trái tim nghỉ giữa các lần đập) cũng giảm 2,1 mm thủy ngân với nhạc Mozart và 2,9 mm thủy ngân với nhạc của Strauss.

Các nghiên cứu trước đây cũng nhận thấy các hoạt động aerobic như đạp xe, chạy bộ hoặc đi bộ nhanh cũng có tác dụng tương tự đối với việc giảm huyết áp. Giảm bớt 6 gram muối mỗi ngày cũng khiến huyết áp tâm thu giảm từ 7 đến 4 mm thủy ngân.

Tác giả chính của nghiên cứu, Hans-Joachim Trappe, thuộc Đại học Ruhr (Đức), cho biết: “Từ hàng thế kỷ nay người ta đã biết rằng âm nhạc có tác động rất lớn lên con người. Thời xưa, âm nhạc đã được sử dụng để nâng cao thành tích của các vận động viên khi tham dự Thế vận hội Olympic”.

“Trong nghiên cứu của chúng tôi, nghe nhạc cổ điển khiến huyết áp và nhịp tim giảm xuống. Biểu hiện giảm rõ rệt nhất được thể hiện ở nhạc của Mozart và Strauss”.

“Nhạc của ABBA không cho thấy sự thay đổi nào dù chỉ là một chút tác động nhỏ đối với huyết áp và nhịp tim. Hiện tượng này có thể là do các yếu tố cảm xúc, nhưng mặt khác việc sử dụng lời trong các bài hát cũng có thể đóng vai trò tiêu cực”.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng để có được tác động như mong muốn, bản nhạc phải có kết cấu khéo léo, thời lượng và nhịp điệu nhất quán, không có các chuỗi âm thanh gây kích động, không có lời và phải được biết đến hoặc phổ biến ở một mức độ nào đó.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng để có được tác động như mong muốn, bản nhạc phải có kết cấu khéo léo, thời lượng và nhịp điệu nhất quán, không có các chuỗi âm thanh gây kích động, không có lời và phải được biết đến hoặc phổ biến ở một mức độ nào đó.

Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Deutsches Arzteblatt International.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM