Nghịch lý quốc gia Bắc Âu thuộc top đáng sống nhất thế giới: Người dân phàn nàn vì sưu cao thuế nặng, dịch vụ tệ!
Cuộc khảo sát của Demoskop vào tháng 2/2018 cho thấy tỷ lệ cử tri Thụy Điển cho rằng mức thuế đóng hiện nay là quá cao và không tương xứng với chất lượng dịch vụ công đạt đến 45%, cao hơn mức 27% vào năm 2014.
Thụy Điển là quốc gia có tăng trưởng dài hơn 40 năm qua và là một trong số ít các nền kinh tế ở Châu Âu không chịu nhiều ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, quốc gia được xếp trong top những nước đáng sống nhất thế giới này lại đang nhận được nhiều sự phàn nàn của người dân từ chế độ an sinh xã hội.
Cái giá của lối sống chậm
Thụy Điển là một quốc gia giàu có. Nền kinh tế này tăng trưởng 3,3% trong quý I/2018, thuộc hàng nhanh nhất Châu Âu. Ngân sách của Thụy Điển liên tục thặng dư. Tính đến năm 2017, Thụy Điển thặng dư tới 61,8 tỷ Kronor (7,5 tỷ USD), cao hơn rất nhiều mức nợ công 28,3 tỷ Kronor.
Bởi vậy chính phủ Thụy Điển liên tục tăng thuế, nhiều khoản lên tới 60% nhưng người dân vẫn chẳng than phiền mấy bởi những chính sách hỗ trợ công mà họ nhận lại được là rất nhiều. Tổng mức thuế bình quân tại Thụy Điển đã tăng từ 42,6% GDP năm 2014 lên 44,1% GDP năm 2016, cao thứ 5 trong số 35 nước phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tuy nhiên điều này đang dần thay đổi.
Tăng trưởng GDP và ngân sách theo %GDP của Thụy Điển
Người Thụy Điển nổi tiếng với lối sống chậm, tận hưởng cuộc sống cùng một chính phủ minh bạch. Quốc gia này ít tham những thứ 4 trong danh sách xếp hạng của Tổ chức minh bạch thế giới năm 2016. Dẫu vậy, chính sự yên bình, tận hưởng này lại đang khiến quốc gia này chậm thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh và đẩy người dân vào tình huống tự giải quyết vấn đề hơn là chờ chính phủ.
Một ví dụ điển hình là ở vùng Solleftea, khi phòng hộ sinh của bệnh viện trong vùng đóng cửa thì lựa chọn duy nhất của người dân là lái đến bệnh viện nơi khác cách 100km. Dẫu vậy, chính phủ không thể làm gì hơn khi số lượng bác sĩ hộ sinh của nước này cũng không đủ để trải rộng toàn đất nước, nhất là khi người Thụy Điển có thói quen sống tách biệt với nhau trong những khu rừng.
"Đất nước chúng tôi giàu có. Mặc dù chúng tôi có thể không đủ tiềm lực để có phòng khám chuyên khoa khắp cả nước nhưng ít nhất chính phủ cũng nên bố trí những dịch vụ y tế cơ bản nhất cho chúng tôi", Chị Hanna Hedvall, 45 tuổi, sống tại Solleftea bức xúc.
Con đường hoang vu từ Solleftea đến bệnh viện nơi khác
Lối sống yên bình, không đòi hỏi nhiều của người dân cùng một chính sách trợ cấp tốt khiến một thế hệ người Thụy Điển dần sống cô đơn, dựa dẫm và ít liên hệ với cộng đồng.
Hãy tưởng tượng một công dân Thụy Điển sinh ra, chính phủ sẽ nuôi anh/cô ấy ăn học đến 18 tuổi. Ra trường nếu không tìm được việc làm thì chính phủ sẽ hỗ trợ tìm việc làm hoặc chi trả mức trợ cấp thất nghiệp kha khá. Đến khi đi làm, chính phủ sẽ cho phép làm 6 tiếng thay vì 8 tiếng mỗi ngày. Về hưu, Chính phủ sẽ nuôi bằng mức lương hưu cao hàng đầu thế giới.
Hệ quả là mọi người chẳng quan tâm nhiều đến tình hình thế giới mà cứ sống chậm như vậy, không chịu cạnh tranh để phát triển đi lên. Đến khi hệ thống an sinh xã hội gặp vấn đề, người dân mới nhận ra xã hội của họ không đẹp như mơ và bắt đầu bất mãn với số tiền thuế họ phải đóng so với những gì họ nhận được.
Thụy Điển là một trong những quốc gia thu thuế cao nhất thế giới với quan điểm tiết kiệm khi giàu có để phòng hoạn nạn. Số tiền này được đầu tư cho an sinh xã hội nhằm đem lại chất lượng sống tốt nhất cho người dân. Tuy nhiên, những chính trị gia cực hữu lại đang nổi lên tại đây khi hệ thống an sinh xã hội này dần không đáp ứng được nhu cầu của người dân dù tiền thuế ngày một cao.
Chị Hanna Hedvall (trái) và Cô Ellen Hedman (phải)
Vấn nạn nhập cư
Một yếu tố nữa khiến người dân Thụy Điển ngày càng bất mãn với chính phủ là vấn đề nhập cư. Trong 5 năm qua, hơn 600.000 người nhập cư đã tràn vào quốc gia chỉ có 10 triệu dân này. Sự khác biệt về văn hóa đã làm nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn cũng như gia tăng tỷ lệ tội phạm.
Việc tiếp nhận lượng lớn người nhập cư khiến hệ thống an sinh xã hội của Thụy Điển bị quá tải. Số cư dân phải chờ tới hơn 3 tháng cho phẫu thuật hoặc điều trị đã tăng gấp 3 lần trong suốt 4 năm qua.
"Hệ thống an sinh xã hội của Thụy Điển cần được cải cách. Mặc dù thuế cao nhưng các chính trị gia không chuyển phần lợi ích đó được sang những mảng quan trọng của đất nước. Chúng tôi nhận được chất lượng không tương xứng với số thuế phải đóng", Chủ tịch Bjorn Wahlroos của ngân hàng Nordea Bank AB nói.
Số bệnh nhân chờ hơn 90 ngày cho phẫu thuật hoặc đặc trị tăng mạnh tại Thụy Điển
Sự bất bình của người dân Thụy Điển cũng tương tự như những người Anh khi có quá nhiều dân nhập cư làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, qua đó khiến cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU) và gây ra Brexit.
Tình hình cũng tương tự tại Thụy Điển khi cuộc bỏ phiếu tháng 9/2017 cho thấy sự ủng hộ của Đảng cầm quyền đang suy giảm. Thậm chí theo một số thăm dò với cử tri, Đảng Dân chủ Thụy Điển (Sweden Democrats), một đảng cực hữu dân tộc, đã vượt chính đảng Dân chủ Xã hội (Social Democrats) về độ nổi tiếng khi có 25% số cử tri bầu cho Đảng này.
Khi đồng thuế không xứng với chất lượng dịch vụ công
Thụy Điển nổi tiếng là quốc gia có chính sách trợ giá tốt cho các dịch vụ y tế công cộng, miễn phí giáo dục cũng như trợ cấp cho bố mẹ khi phải nghỉ chăm con. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Demoskop vào tháng 2/2018 cho thấy tỷ lệ cử tri cho rằng mức thuế đóng hiện nay là quá cao và không tương xứng với chất lượng dịch vụ công đạt đến 45%, cao hơn mức 27% vào năm 2014.
Trong bài phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, 2 người đàn ông có gia đình là anh Carl Fredrik Bothen và Adam Sierakowiak sống tại thủ đô Stockholm nhận định mức thuế tăng liên tục trong những năm gần đây lên quá cao trong khi chất lượng dịch vụ công không tương xứng. Hậu quả là họ không còn tin vào hệ thống lương hưu của nhà nước nữa mà phải tự lo lấy kế hoạch tài chính khi nghỉ hưu.
Người dân ngày càng bức xúc với hệ thống an sinh xã hội tại Thụy Điển
"Tất nhiên chúng tôi nên giúp đỡ những người nhập cư và Thụy Điển có môi trường sống khá tốt cho họ, nhưng chúng tôi không thể giúp đỡ lượng lớn người nhập cư không dứt như vậy", anh Bothen phàn nàn.
Tương tự, chị Hedvall của Solleftea cho biết chính quyền địa phương đã tăng thuế mạnh ngay trước khi phòng hộ sinh trong vùng bị đóng cửa. Người mẹ 1 con này cho biết những nhà chính trị chẳng còn quan tâm đến người dân nữa khi họ đã thắng cử. Theo các báo cáo, việc đóng cửa phòng hộ sinh tại Solleftea giúp chính phủ tiết kiệm được 1,8 triệu USD mỗi năm nhưng chúng cũng khiến chất lượng dịch vụ công trong vùng suy giảm nghiêm trọng.
Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Lapland. Trước đây khu vực này chỉ cần 1 chiếc xe cảnh sát đi tuần là đủ do an ninh vô cùng tốt và người dân rất có ý thức. Hiện nay, sự xuất hiện của người nhập cư khiến mọi chuyện trở nên rắc rối hơn.
Cô Camilla Appelqvist sống tại đây cho biết đã có 3 vụ trộm kể từ tháng 2 đến nay. Khi cô thông báo một vụ trộm vào lúc 3h30 sáng, sở cảnh sát nói rằng cô nên chờ cho đến khi nhân viên công vụ ca sáng đến làm việc bởi thời điểm đó họ không đủ người.
Cảnh sát trưởng Michael Rystedt của Lapland giải thích rằng họ cần 15-20 chiếc xe cùng 40-50 cảnh sát cho một vụ bắt giữ trộm như vậy bởi khu vực này bao phủ toàn rừng nên cần lực lượng nhiều để truy đuổi. Tuy nhiên lời giải thích này không xoa dịu được những người dân đang phải đóng mức thuế cao ngất ngưởng.
"Thật đáng sợ khi biết rằng trẻ em không còn là vấn đề được ưu tiên của chính phủ. Tất nhiên khi không đủ nhân viên thì bạn không thể đòi hỏi phải có bệnh viện gần nhà được nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, ai còn dám sống xa thành phố nữa? Tôi cảm thấy giờ đây toàn bộ hệ thống dịch vụ công đang xuống cấp nghiêm trọng", Cô Ellen Hedman, đồng thời là một kỹ sư có 2 con sống tại Solleftea phàn nàn.
Dòng người nhập cư đổ về Thụy Điển đang khiến nước này gặp nhiều khó khăn