Nghịch lý: Diện tích cây xanh trên toàn cầu tăng lên đấy nhưng thực tế lại là điều đáng buồn
Tại sao diện tích cây xanh tăng lên mà khoa học lại thấy buồn?
Rất nhiều người đang rất lo sợ khi thấy diện tích cây xanh trên Trái đất đã và đang giảm một cách nhanh chóng. Nếu một ngày, Hành tinh Xanh lại không còn màu xanh thì như thế nào? Cuộc sống của hơn 7 tỉ người sẽ ra sao?
Vậy mà gần đây, nhóm chuyên gia từ ĐH Maryland (Mỹ) đã tìm ra một kết quả khá bất ngờ. Họ tiến hành thu thập, phân tích dữ liệu từ các hình ảnh vệ tinh, theo dõi sự thay đổi về mật độ che phủ của thảm thực vật bậc cao (như cây cối), thảm thực vật bậc thấp và đất trống.
Và kết quả, mật độ cây xanh trên Trái đất đang tăng lên.
Cụ thể trong vòng 35 năm từ 1982-2016, mật độ che phủ cây xanh trên Trái đất tăng khá rõ rệt, cao hơn trước một khoảng diện tích bằng 2,24 triệu km2 - tương đương khoảng ba lần so với kích thước của bang Texas (Mỹ).
Cây xanh được che phủ nhiều hơn?
Nhưng bạn đừng quá vội mừng? Dù diện tích cây xanh được tăng lên, ẩn sau đó lại là một thực tế cực kỳ đáng buồn!
Bởi lẽ, càng được cây xanh che phủ bao nhiêu, diện tích cây rừng nhiệt đới lại giảm đi bấy nhiêu. Để dễ hiểu hơn thì tổng diện tích cây xanh trên Trái đất có thể tăng, nhưng việc mất đi thảm thực vật trong các khu rừng nhiệt đới lại là một mất mát khó lòng bù đắp được.
Giáo sư Matt Hansen, tác giả nghiên cứu cho biết: "Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu, diện tích thực vật tăng lên là có thật, nhưng lại không thuộc về rừng nhiệt đới. Năm 2017, con người đã tận mắt chứng kiến hơn 158.000 km2 cây nhiệt đới biến mất hoàn toàn trên hành tinh Xanh."
Nguyên nhân khiến các cánh rừng nhiệt đới ngày càng thu hẹp chủ yếu là do nạn phá rừng nhiệt đới vẫn rất "lộng hành". Chính những hành động phá hoại này đã làm tăng lượng CO2 lên mức báo động, khiến nhiệt độ Trái đất ngày càng tăng.
Bởi nhiệt độ tăng, các vùng núi bắt đầu xuất hiện nhiều loài thực vật hơn - chính là lý do vì sao diện tích cây xanh tăng lên.
"Những hành động của con người tác động đối với cảnh quan thiên nhiên được biểu hiện khắp các châu lục. Ví dụ như mở rộng diện tích đất làm nông nghiệp, hoặc tăng diện tích đất lâm nghiệp, cải tạo đất rừng xây dựng đô thị... Với mục đích duy nhất là duy trì các dịch vụ hệ sinh thái nhằm phục vụ cho lợi ích con người" – Giáo sư Hansen nói.
Thiết nghĩ, hành tinh Xanh tồn tại được thì con người chúng ta mới có cơ hội trải nghiệm các lợi ích. Vì thế nên hãy nhớ, những hành động dù nhỏ nhất của chúng ta đều có thể ảnh hưởng đến môi trường Trái đất!
Tham khảo: MNN