Tìm việc nghề nào, ở đâu tại Việt Nam 'khốc liệt' nhất đầu năm 2015?
Kế Toán và Hành Chính- Thư Ký tỷ lệ canh tranh vẫn rất gay gắt với tỷ lệ tương ứng 1/85 và 1/70.
Với sự hồi phục của nền kinh tế nửa đầu năm 2015, nhu cầu nguồn nhân trong cả nước cũng gia tăng theo. Theo báo cáo nhân lực trực tuyến HR Insider nửa đầu năm 2015 do Vietnam Works mới công bố nửa đầu năm 2015, nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng vượt bậc ở mức 34% so với cùng kỳ năm 2014.
Các ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất đều tăng trưởng khá mạnh trong nửa đầu năm 2015. “Người tìm việc đang có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết để tìm được công việc mơ ước cho mình”, CEO VietnamWorks Gaku Enchizennya cho biết.
Tuy nhiên về phía nguồn cung nhân lực lại tăng trưởng chậm ở mức 17% so với nửa đầu năm 2014. Trang tuyển dụng này cũng cho biết tuy tốc độ tăng chỉ bằng nửa so với nhu cầu nhưng nguồn cung nhân lực đã có sự phục hồi với mức giảm 5% của năm 2014 so với năm 2013.
Những ngành có đóng góp nhiều nhất vào sự hồi phục này bao gồm ngành Kế Toán, Hành Chính/Thư ký, Kiến Trúc/Thiết kế nội thất và Xuất nhập khẩu. Trong đó Kiến Trúc/Thiết kế nội thất cũng là ngành có nhu cầu nhân lực tăng trưởng ấn tượng nhất nửa đầu năm 2015 với mức 98% so với cùng kỳ năm 2014.
Cũng chính vì nhu cầu tăng nhanh hơn nguồn cung nên tỷ lệ cạnh tranh trung bình thấp nhất trong vòng 3 năm. Thực tế, tỷ lệ cạnh tranh trong nửa đầu năm 2015 là 1/46 nghĩa là trung bình 1 ứng viên phải cạnh tranh với 45 ứng viên khác trong một vị trí công việc ứng tuyển. Tỷ lệ này trong 3 năm 2012, 2013, 2014 lần lượt là 1/66, 1/69 và 1/53. Do đó có thể thấy 6 tháng đầu năm 2015 là thời điểm thuận lợi nhất để tìm được việc đối với một ứng viên trong 3 năm gần đây do số lượng đối thủ cạnh tranh giảm đi đáng kể so với trước.
Mặc dù tỷ lệ cạnh tranh trung bình giảm nhưng với những ngành có nguồn cung cao như Kế Toán và Hành Chính- Thư Ký tỷ lệ canh tranh vẫn rất gay gắt với tỷ lệ tương ứng 1/85 và 1/70. Với những ngành có cung nhân lực ít như Giáo dục đào tạo hay Dược- Công nghệ sinh học, tỷ lệ cạnh tranh lại khá thấp với mức 1/33 và 1/38.
Tỷ lệ cạnh tranh trong nửa đầu năm 2015. Nguồn: VietnamWorks.
Số liệu VietnamWorks cũng cho biết tỷ lệ cạnh tranh tại các thành phố lớn, địa phương có các khu công nghiệp phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương cao hơn so với các khu vực khác xét trong nửa đầu năm 2015. Tỷ lệ cạnh tranh của ứng viên tìm việc tại thành phố Hồ Chí Minh là 1/54 đồng nghĩa với việc một người tìm việc tại thành phố này phải cạnh tranh với trung bình 53 người khác để có một công việc mới.