Tha hồ nợ bảo hiểm thất nghiệp?
Luật cũ hết hiệu lực, luật mới lại không quy định về truy thu, tính lãi với tiền chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Do vậy, từ đầu năm tới nay, cơ quan chức năng “bó tay” trước những đơn vị chậm nộp BHTN.
Ngân sách nhà nước nợ có tính lãi?
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tình trạng (BHXH), BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT) diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng tăng cả về số đơn vị và số tiền nợ. Tuy nhiên, các trường hợp nợ BHXH, BHYT đều bị xử lý theo Luật BHXH. Riêng với BHTN, tới nay chưa có quy định xử lý vi phạm và tính lãi với số tiền chậm đóng. Trong khi, đây là những công cụ quan trọng, nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHTN, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Trước đây, BHTN được quy định trong Luật BHXH và việc xử phạt, tính lãi chậm đóng BHTN được tính như với BHXH. Khi Luật Việc làm ra đời, quy định về BHTN được chuyển sang Luật Việc làm (có hiệu lực từ 1/1/2015). Tuy nhiên, luật này lại không quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử lý vi phạm và tính lãi chậm đóng với BHTN.
Ngoài ra, theo Luật Việc làm, Quỹ BHTN được hình thành từ đóng góp của người lao động, chủ sử dụng lao động và ngân sách nhà nước hỗ trợ (tối đa 1% tiền lương tháng của người lao động). Tuy nhiên, thực tế ngân sách nhà nước chiếm gần 50% số nợ của BHTN.
Cụ thể, theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính hết năm 2014, số tiền nợ BHTN là hơn 336 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước nợ hơn 151,9 tỷ đồng, thu tiền lãi chậm đóng được 25 tỷ đồng. Tương tự, năm 2013, nợ BHTN là hơn 572,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước nợ hơn 359,6 tỷ đồng, thu lãi chậm đóng được hơn 18,8 tỷ đồng.
Chiều 18/6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Điều Bá Được- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, theo quy định, việc xử phạt và tính lãi chậm đóng BHTN được thực hiện đồng bộ, không phân biệt nguồn đóng (doanh nghiệp và ngân sách nhà nước nợ đều được tính như nhau). “Còn thực tế có thu lãi với ngân sách nhà nước nợ BHTN hay không, tôi cũng chưa nắm được”, ông Được nói.
Theo ông Được, từ đầu năm 2015, Luật Việc làm có hiệu lực không có quy định xử lý vi phạm, tính lãi chậm đóng với BHTN, nên đơn vị bảo hiểm cũng chưa biết tính thế nào. “Vì vậy, việc tính lãi với hành vi chậm nộp BHTN đang phải tạm dừng”, ông Được nói.
Từ thực tế này, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH ban hành văn bản quy định về các hành vi và hình thức xử lý vi phạm đóng BHTN. Đồng thời, tính lãi chậm đóng BHTN như tính lãi với BHXH.
Đợi các bộ, ngành cho ý kiến
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc thu BHTN đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Tình trạng nợ BHTN chưa được ngăn chặn hiệu quả, do không có quy định về truy thu tiền và tính lãi tiền chậm đóng BHTN. Ngoài ra, việc xác định đối tượng thu BHTN tại các đơn vị nhà nước gặp vướng mắc vì quy định chưa cụ thể.
Về quy định các hành vi và xử lý vi phạm với BHTN, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đang xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động), trong đó có nội dụng về BHTN. Khi nghị định mới ra đời, các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm về BHTN sẽ được thực hiện theo nghị định này.
Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, khuôn khổ pháp lý hiện tại chưa có quy định việc truy nộp và tính lãi chậm đóng BHTN. Do đó, bộ này đề xuất, trước mắt cho phép tính lãi chậm đóng BHTN như tính với BHXH, được quy định trong Luật BHXH 2006 (có hiệu lực hết tháng 12/2015).
Đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH đang được lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ những nội dung này. Một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đang đợi phản hồi của các bộ ngành, nên chưa bình luận được gì.