Năm 2014, ngành nghề nào sẽ 'hot' tại Việt Nam?
Nhu cầu tuyển dụng của ngành Du lịch - Khách sạn năm nay tăng khoảng 50% so với năm 2013.
Ngày 20/02/2014, Mạng Việc làm & Tuyển dụng CareerBuilder.vn đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Chat với Chuyên gia” với chủ đề “Những ngành bứt phá trong năm 2014”.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực & Thông tin thị trường TP.HCM đã có những phân tích giá trị về xu hướng thị trường lao động và nhu cầu tuyển dụng trong năm 2014.
Dự báo xu hướng thị trường lao động năm 2014
Theo ông Trần Anh Tuấn, thị trường lao động năm 2014 sẽ phát triển theo hướng nâng cao yêu cầu về kỹ năng, trình độ chuyên môn thay vì số lượng. Nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện quá trình tái cơ cấu bộ máy nhân sự, chú trọng vào chất lượng lao động.
| Quý I | Quý II | Quý III | Quý IV |
SỐ LƯỢNG VIỆC LÀM TRỐNG | 55.000 | 75.000 | 75.000 | 60.000 |
CÁC NGÀNH CÓ NHU CẦU LỚN | Dịch vụ - Bán hàng | Cơ khí | Kinh doanh – Dịch vụ |
Các ngành nghề đáng chú ý năm 2014
Trong năm 2014, có 4 nhóm ngành đáng chú ý và có khả năng bứt phá, xét về nhu cầu tuyển dụng, nguồn cung nhân lực và cả mức độ quan tâm của người tìm việc.
1. Nhóm ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm khoảng 40.000 lao động nhưng số lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ đáp ứng 60% nhu cầu, trong đó chỉ có 12% đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, nhất là trình độ ngoại ngữ.
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực, vẫn còn khoảng 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ.
Dựa trên yêu cầu phát triển trong năm 2014, nhu cầu tuyển dụng của ngành này tăng khoảng 50% so với năm 2013.
Như vậy, để phát triển sự nghiệp trong ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn năm 2014 và những năm tới, những người dự định hoặc đang làm việc trong lĩnh vực này cần đặc biệt chú ý đến trình độ ngoại ngữ của bản thân.
2. Nhóm ngành Công nghệ Thông tin (CNTT)
Ngành CNTT đang tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng mạnh mẽ. Chỉ riêng ở TP.HCM, nhu cầu nhân sự CNTT đã là 8.000 người/năm, tập trung vào các vị trí như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, kỹ thuật viên – chuyên viên thiết kế lập trình web, lập trình điện thoại di động, game, an ninh mạng, IT.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, chênh lệch đào tạo so với thực tế nhu cầu sử dụng nhân lực trong ngành CNTT đang cách nhau quá xa.
Chỉ khoảng 15% số lượng sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại từ 3 – 5 tháng, có những doanh nghiệp phải mất tới 2 năm để đào tạo lại các nhân viên.
Do đó, các công ty phần mềm trong nước đang phải chật vật tìm kiếm nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Có thể kể đến các vị trí hiện đang khát nguồn nhân lực giỏi trầm trọng như: lập trình di động, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng…
3. Nhóm ngành Cơ khí – Điện – Điện tử
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện nay hàng loạt các ngành về cơ khí – kỹ thuật như: Điện tử viễn thông, Cơ điện tử, Luyện kim, Ôtô, Chế tạo máy... đang rất thiếu nhân lực.
Tỷ lệ nguồn cung nhân lực đáp ứng cho nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng chỉ khoảng 54,87%.
Song, đây lại là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung lao động thấp nhất (chiếm khoảng 1,5% thị trường lao động).
Hiện các khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ kỹ sư ngành động lực, chế tạo máy, tiện, phay... dù liên tục đăng tin tuyển dụng.
4. Nhóm ngành Kinh tế – Quản trị – Marketing – Xuất Nhập khẩu – Logistics
Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu tuyển dụng, trong đó nhu cầu lao động thời vụ chiếm khoảng 25%.
Tính riêng tại TP.HCM, giai đoạn 2014-2020, nhu cầu nhân lực các nhóm ngành Kinh tế – Quản trị – Marketing – Xuất-Nhập khẩu – Logistics sẽ chiếm tỷ trọng 10% tổng nhu cầu nhân lực, khoảng 25.000 việc làm/năm.
Riêng ngành Logistics là lĩnh vực đang phát triển, cần nhiều nhân lực trong những năm tới. Người học ngành này có thể làm việc tại các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiệm vụ quản trị chiến lược kinh doanh, hoạch định chính sách vận tải, thiết kế chuỗi vận tải hiệu quả, thực hiện nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
>> 8 ngành tiềm năng để khởi nghiệp năm 2014
Kỳ Anh