Lao động trình độ cao ngành ICT Việt Nam thu nhập cao hơn tại Mỹ, Anh...?
Báo cáo của JobStreet.com cùng Pikom – Hiệp hội ngành công nghệ thông tin truyền thông (ICT) Malaysia.
Đà Nẵng - Việt Nam nằm trong top thu nhập hấp dẫn của ngành ICT
JobStreet.com cùng Pikom – Hiệp hội ngành công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) Malaysia vừa công bố báo cáo thị trường việc làm ngành ICT năm 2014, trong đó Đà Nẵng – Việt Nam nằm trong số những thành phố lao động ngành ICT trình độ cao có thu nhập hấp dẫn nhất.
Báo cáo được JobStreet.com và Pikom thực hiện dựa trên mức thu nhập thực tế của lao động ngành ICT đồng thời sử dụng phép đo lường “sức mua tương đương” (Purchasing Power Parity - PPP) nhằm giảm thiểu tối đa sai lệch do lạm phát cũng như biến động tỉ giá hối đoái. Trong đó, thu nhập tại Malaysia được coi là 1 trong so sánh với thu nhập của các nước trong khu vực và một số nước nói tiếng Anh.
Theo đó, các nước Đông Á như Việt Nam và HongKong là những nước mà lao động ngành ICT có mức thu nhập cao gấp 2,19 và 2,12 lần so với Malaysia.
Các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, và Thái Lan cũng chỉ đạt mức thu nhập cao gấp 1,54 đến 1,93 so với Malaysia, trong khi mức thu nhập của lao động ngành này tại các nước phương Tây như Mỹ, Canada, Anh, Úc, và New Zealand chỉ cao gấp 1,40 đến 1,90 so với Malaysia.
Các nước Indonesia, Ấn Độ, Philippines có mức thu nhập dành cho lao động ngành ICT thấp hơn so với Malaysia và các nước khác.
Chảy máu chất xám
Theo Pikom, số liệu trên có thể cho thấy nhu cầu về lao động ICT chất lượng cao là rất lớn trong khu vực cũng như toàn cầu, phần nào tác động đến tình trạng chảy máu chất xám trong ngành tại một số quốc gia có chỉ số thấp, trong đó có Malaysia.
Ông Woon Tai Hai, Chủ tịch hội đồng nghiên cứu của Pikom cũng thừa nhận rằng tình trạng chảy máu nguồn nhân lực chất lượng cao do mức thu nhập chênh lệch giữa các nước trong khu vực và trên thế giới là một vấn đề nan giải.
Bên cạnh đó, việc thu nhập dành cho lao động ICT tại Việt Nam cao gấp 2,19 lần so với Malaysia sẽ trở thành thách thức lớn đối với các công ty Malaysia.
Khảo sát của JobStreet.com trên 3.347 lao động Malaysia cho thấy 55% sẵn sàng cho những cơ hội làm việc tại nước ngoài, trong đó 29% mong muốn có cuộc sống và mức lương tốt hơn khi làm việc tại nước ngoài.
Một khảo sát tương tự tại Việt Nam cũng cho thấy nhu cầu làm việc tại nước ngoài của Việt Nam do muốn có mức lương cao hơn và điều kiện sống tốt hơn là 32,37%.
Có thể thấy, tình trạng chảy máu chất xám là do người lao động mong muốn có mức thu nhập tốt hơn khi làm việc ở nước ngoài; tuy nhiên, Pikom cũng khuyến cáo người lao động nên cân nhắc những số liệu so sánh qua việc áp dụng cách tính PPP trước khi quyết định phát triển sự nghiệp tại các quốc gia khác.
Cung – cầu ngành ICT ở Việt Nam
Mặc dù Việt Nam là một trong những nước được xếp hạng cao về thu nhập của lao động ICT, vẫn còn tồn tại sự thiếu cân bằng cung-cầu trong ngành, đặc biệt vào thời điểm gần đây khi thị trường mua bán và sáp nhập các công ty ICT đang diễn ra sôi động.
Khảo sát của JobStreet.com trên 668 doanh nghiệp trong nước cho thấy ICT là một trong 3 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong 6 tháng cuối năm; tuy nhiên, đầu ra cho ngành máy tính – ICT chỉ chiếm 8,64% trên tổng số 1.955 người mới ra trường được khảo sát.
Khảo sát tại chỗ trên 100 doanh nghiệp tham dự sự kiện Café Nhân sự của JobStreet.com gần đây về chất lượng lao động ngành ICT tại Việt Nam cho thấy 54,36% doanh nghiệp đánh giá lao động ICT Việt Nam chỉ đạt chất lượng trung bình, 44,66% chất lượng tốt, 0,97% đạt chất lượng xuất sắc.
Cũng trong khảo sát này, 38,26% doanh nghiệp cho rằng thị trường trong nước đang thiếu lao động ICT trình độ cao, 32,17% nghĩ rằng lao động chuyên ngành ICT thiếu kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, 9,57% lao động ICT thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 20% lao động IT không có kinh nghiệm thực hành.
Báo cáo lương của JobStreet.com cũng chỉ ra rằng 5 lĩnh vực trả lương cao nhất cho lao động ICT tại Việt Nam là ngành sản xuất thuốc lá, kế toán/kiểm toán/thuế, tư vấn/quản lý nguồn nhân lực, sản xuất chất bán dẫn/vật liệu bán dẫn, lĩnh vực năng lượng với mức lương từ 23 triệu trở lên.
>> Chuyên gia người Việt kể chuyện làm UX ở ngân hàng Tây
Kỳ Anh