Lạc lối thời @

06/04/2015 15:29 PM | Nghề nghiệp

Tôi cứ đắn đo mãi về việc lựa chọn chủ đề gì để nói khi đứng trên bục giảng...

Có lẽ sẽ là thừa khi phải nhắc lại cuộc sống khó khăn mà rất nhiều bậc anh chị đã được sinh ra khi đất nước còn chưa mở cửa. Đương nhiên, thế hệ các bạn trẻ bây giờ có cuộc sống vật chất thuận lợi hơn nhiều so với thời ngày xưa của chúng tôi.

Tuy vậy, các bạn đã biết tận dụng những sự thuận lợi đó hay chưa? Hoặc khi nền kinh tế của đất nước có những thay đổi mang chiều hướng xấu, chúng ta sẽ làm gì ngoài việc bi quan chán nản và chờ đợi?

Thời điểm mà các bạn 9X  lớn lên thì internet đã bùng nổ, wifi được kết nối khắp nơi, các bạn dễ dàng tiếp xúc với thế giới và những thông tin kiến thức thì luôn được cập nhật. Nhưng liệu với những thông tin mà chỉ cần một cú click chuột mà bạn có hàng vạn trang web hay diễn đàn thì bạn đã biết cách chọn lọc thông tin để đọc, để tin dùng hay chưa?

Vì thế, bản thân tôi cho rằng các bạn cần biết chắt lọc, biết phân tích và nếu cần thiết thì hãy tự xác định con đường đúng đắn cho bản thân. Tôi biết cái này khó vì làm sao chúng ta biết được đâu là đúng, là sai để đọc hay không đọc.

Phương pháp đơn giản đầu tiên mà ai cũng có thể áp dụng được đó là suy nghĩ theo tự nhiên và logic. Xã hội nào cũng có mặt tốt - mặt xấu và không có chế độ nào là hoàn hảo, thế nên nếu chúng ta cứ chỉ chăm chăm đọc những tin tiêu cực thì chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hạn chế của xã hội đó mà thôi.

Có nhiều bạn nói với tôi rằng khi đọc những thông tin về những vụ giàn cảnh cướp xe thì các em rất sợ và nghĩ chỉ có cách hạn chế đi ra ngoài. Đây là cách để hạn chế, nhưng theo tôi nó chỉ là 'hạ sách' vì ở nhà cũng sẽ không làm giảm tình trạng này xuống, trong khi chúng ta còn biết bao nhiêu thứ cần đi ra đường, cần làm ngoài xã hội.

Tôi không đề cập đến việc lúc đó chính quyền hay nhà nước cần làm gì để ngăn chặn những vấn đề này nhưng tôi cho rằng ít nhất chúng ta cần có kiến thức để bảo vệ mình trong những tình huống đó.

Phương pháp thứ hai đó là hãy tìm cho mình những người hướng dẫn, có thể đó là anh chị của bạn hay là người thân của bạn – người có kiến thức và sẵn lòng giúp đỡ hay hướng dẫn bạn. Một khi đã quen với việc phân tích và chọn lọc thông tin thì tự các bạn đã có thể học được rất nhiều điều từ Internet.

Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng không ít các bạn trẻ (cho dù đã ra trường hay sắp ra trường) đều rất lo lắng cho con đường sự nghiệp của mình. Khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái thì cơ hội việc làm của các bạn cũng bị ảnh hưởng theo. Các bạn chọn học một ngành nhưng khi ra trường, các bạn phải rất vất vả mới xin vào làm đúng ngành mình học, thậm chí có nhiều bạn dù đã ra trường một vài năm vẫn bị thất nghiệp hoặc phải làm những công việc trái ngành.

Sự khởi đầu này quá nhiều truân chuyên. Tuy nhiên, như câu chuyện “Tái ông mất ngựa”, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào chúng ta cũng sẽ có rất nhiều cơ hội và điều quan trọng lúc đó là các bạn đã biết nắm bắt nó hay chưa? Tôi cho rằng làm công việc trái ngành đôi khi cũng không phải là ngõ hẹp, thậm chí tôi đã gặp khá nhiều bạn trẻ dù phải rẽ ngang nhưng vẫn rất thành công.

Câu hỏi cần đặt ra là bạn đã làm gì ở thời điểm đó? Thái độ của các bạn lúc đó là gì? Tiếp nhận nó miễn cưỡng hay coi đó là cơ hội để tìm hiểu một lĩnh vực khác? Một thái độ tích cực theo tôi là các bạn hãy tận dụng sức trẻ, sự nhạy bén, can đảm dấn thân vào những công việc mới lạ hay dám đi những con đường mà ít hoặc chưa ai dám đi.

Một số bạn trẻ tôi biết nói rằng “em sẽ kiên trì chờ đợi công việc trong mơ của em” nhưng liệu các bạn có biết việc các bạn chỉ ngồi đó chờ đợi đã khiến bạn mất đi rất nhiều cơ hội khác hay không.

Tôi thấy thứ đáng sợ nhất, đặc biệt đối với các bạn trẻ, không phải là thiếu tiền hay thiếu kinh nghiệm mà là thiếu khát khao thay đổi mình hay chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn (comfort zone). Bất kể việc đó có thể đem đến thất bại, thì các bạn cũng đã có được những bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Cuối cùng, điều tôi muốn chia sẻ cùng các bạn là hãy can đảm dấn thân, hãy tự kiến tạo cho mình con đường đi, đừng chỉ ngồi đó và chờ đợi “cuộc sống nở hoa” nếu bạn không gieo trồng và vun xới.

>> Muốn thành công thì học ít thôi

Hà Phạm

CTV Thu Hà

Cùng chuyên mục
XEM