Muốn thành công thì học ít thôi
Mỗi người chúng ta ai cũng có một mục tiêu trong cuộc sống, đó có thể là việc học một ngôn ngữ mới, ăn uống lành mạnh và giảm cân, trở thành những bậc làm cha làm mẹ tốt, hoặc tiết kiệm được nhiều tiền…
Không khó để nhận ra việc hổng kiến thức thông qua việc bạn đang ở đâu và nơi bạn muốn đến trong tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta bỏ tiền mua các khóa học như: làm thế nào để bắt đầu công việc kinh doanh, hoặc làm thế nào để giảm cân nhanh chóng, hay làm thế nào để học một ngôn ngữ mới trong vòng 3 tháng. Chúng ta tin tưởng rằng một kết quả mới đòi hỏi kiến thức mới.
Nhưng, tôi bắt đầu nhận ra rằng kiến thức mới không hẳn là sẽ mang tới kết quả mới. Vì trong thực tế, việc học điều mới chỉ gây mất thời gian nếu mục tiêu của bạn chỉ là muốn tiến bộ chứ không phải là học để bổ sung kiến thức.
Bởi vì việc học luôn khác với thực hành.
Vậy sự khác biệt giữa học và hành như thế nào?
Cuốn sách có tự đề “Practicing Mind” của Thomas Sterner có giải thích khá rõ sự khác biệt giữa thực hành và học tập (một cách thụ động), ông viết:
“Khi chúng ta thực hành cái gì đó, chúng ta đã cố ý lập lại một quá trình với mục đích và mục tiêu cụ thể. Mục đích và mục tiêu là chìa khóa để xác định sự khác biệt giữa việc thực hành và học tập một cách thụ động”
Việc học một cái mới và thực hành một điều mới nghe có vẻ rất giống nhau nhưng thật ra hai phương pháp này lại cho kết quả hoàn toàn khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ chỉ ra sự khác biệt:
- Nếu muốn khỏe hơn, bạn có thể tìm kiếm những lời chỉ dẫn tốt nhất cho sức khỏe như việc tập thể dục, nhưng cách duy nhất để "cơ bắp" hơn đó là tập tạ.
- Nếu muốn bắt tay vào công việc kinh doanh, bạn có thể học cách làm thế nào để bán hàng thật tốt nhưng cách duy nhất để mang khách hàng đến là bạn phải biết cách chào hàng.
- Nếu muốn viết một cuốn sách, bạn có thể hỏi kinh nghiệm viết lách từ những tác giả có những cuốn sách bán chạy nhất, nhưng chỉ có cách duy nhất để trở thành nhà văn đó là hãy bắt tay vào việc sáng tác.
Hãy tham khảo thêm 3 lý do để ưu tiên cho việc thực hành hơn là học tập một cách thụ động:
1. Học nhiều khiến ta ngộ nhận về bản thân
Trong nhiều trường hợp, học tập thật sự là một cách để mang đến mục tiêu và mục đích cho chúng ta. Ví dụ nếu muốn học tiếng nước ngoài thì việc đọc một cuốn sách dạy làm thế nào để học tiếng nước ngoài nhanh nhất chỉ là cách để bản thân cảm thấy mình đang tiến bộ.
Tất nhiên, bạn không thực sự thực hành việc nói tiếng nước ngoài thì bạn không có được kết quả mong muốn đó là việc nói lưu loát tiếng nước ngoài.
Trong những tình huống như thế này, chúng ta thường cho rằng mình đang chuẩn bị hoặc đang nghiên cứu các phương pháp tốt nhất. Nói một cách duy lý thì chúng ta đang ngộ nhận mình tiến lên phía trước nhưng thực chất chỉ quay quanh một vòng tròn luẩn quẩn. Chúng ta đã phạm phải sai lầm là chỉ chuyển động chứ không hành động.
2. Thực hành là học, nhưng học không có nghĩa là thực hành.
Học tập một cách thụ động không phải là hình thức thực hành mặc dù bạn có được những kiến thức mới, nhưng bạn không tìm ra cách để ứng dụng nó vào cuộc sống. Tích cực thực hành là một trong những hình thức cao nhất của việc học bởi vì những sai lầm mà bạn mắc phải khi thực hành sẽ đem đến cho bạn những nhận thức sâu sắc.
Quan trọng hơn nữa, thực hành là cách duy nhất đem đến cho bạn kiến thức. Bạn có thể xem một khóa học trực tuyến để khởi nghiệp kinh doanh hay đọc một bài báo về một thảm họa khủng khiếp của một quốc gia đang phát triển, nhưng kiến thức là vô ích trừ khi bạn thực sự dấn thân vào kinh doanh hay quyên góp những thứ họ cần. Việc tự học có thể đem lại giá trị cho bạn nhưng để đem lại giá trị cho người khác thì bạn phải thể hiện nó theo cách nào đó.
3. Trăm hay không bằng tay quen
Thomas Sterner nói “Tiến bộ là kết quả tự nhiên của việc tập trung làm một điều gì đó”.
Địa vị xã hội của bạn là kết quả của thói quen và niềm tin mà bạn đang thực hành mỗi ngày. Khi bạn nhận ra điều này và bắt đầu tập trung vào việc thực hành nhiều hơn, tiến bộ sẽ tới như một tất yếu. Nó không chỉ là những thứ chúng ta học hay những giấc mơ để mường tượng về kết quả, mà đúng hơn là thói quen mà chúng ta thực hành mỗi ngày.
Hãy tập trung hết năng lượng của bạn chứ đừng quan tâm đến kết quả.
Lời kết
Nói vậy thì học thụ động là vô ích ư? Tất nhiên là không.
Trong nhiều trường hợp, học tập đem lại nhiều lợi ích và nhiều điều tốt đẹp. Chưa kể rằng việc bạn miệt mài học tập để tiếp thu thông tin mới sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt khi bạn hành động.
Tuy nhiên, chúng ta thường sử dụng việc học như một cái cớ để trì hoãn những quyết định khó khăn khi làm bất cứ việc gì. Hãy bớt thời gian cho việc học thụ động và dành nhiều thời gian hơn cho việc thực hành.
Đừng nghĩ nữa, bắt tay vào làm thôi.
>> 'Kệ nó, cứ bắt tay vào làm thôi'
Hồ Hằng