Dân công nghệ vs. Dân điền kinh
Chẳng chiến thắng nào không có nước mắt và mồ hôi.
Nội dung nổi bật: Dân công nghệ giống dân điền kinh ở chỗ:
- Tốc độ: Ai nhanh hơn, người đó thắng.
- Chuyển dịch: Ai nhạy bén hơn, người đó thắng.
- Khổ luyện: Không chiến thắng nào không có nước mắt và mồ hôi.
Bài viết không nói về hai nghề nghiệp nhưng sẽ là đề cập thú vị về các yếu tố tương đồng xoay quanh hai nghề này.
Một nghề gần như ngồi yên tại chỗ, làm bạn với máy tính, trong khi nghề kia phải khổ luyện cả năm, thậm chí chục năm để tìm lấy vinh quang trong mươi giây đồng hồ. Chúng có gì liên quan đến nhau?
Tốc độ
Tốc độ có lẽ là từ mà dân công nghệ cảm thấy chóng mặt nhất. Định luật Moore nói rằng “Số lượng chất bán dẫn trên mỗi đơn vị inch vuông sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi năm". Và thậm chí công ty sản xuất chip AMD còn phát biểu tốc độ sẽ nhanh hơn thế.
Cũng với “tốc độ”, nó đã đào thải, giết chết hoặc làm hấp hối không biết bao nhiêu công ty công nghệ.
Minh chứng là với Skype, cái tên đình đám trong làng VoIP. Mục tiêu cuối cùng trong kinh doanh là lợi nhuận, thế nhưng cái tên này đã trao tay qua các ông chủ khét tiếng là eBay rồi Microsoft. Tính đến nay đã có hơn 25 triệu thành viên, chiếm 3% lưu lượng băng thông truyền tải của toàn cầu và có thể làm ngay thống kê nhỏ để thấy rằng dân văn phòng tại Việt Nam hiện tại đã chuộng Skype hơn Yahoo! Messenger bởi những tính năng vượt trội của nó, thế nhưng lỗ vẫn hoàn lỗ.
Khi Skype chưa được tìm lối ra cho bài toán doanh thu thì vấp ngay cơn bão “mẹ” là mobile* kéo theo cơn bão con là OTT Apps**, càng như khiến Skype khó khăn hơn trên con đường tìm lời giải. Không chỉ Skype mà đối thủ Yahoo! Messenger cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Chuyển dịch
Trong một cuộc chạy điền kinh và đặc biệt là marathon, đòi hỏi sức bền, chiến thuật và khả năng nhận biết thời điểm nhạy bén để bứt phá. Trong khi đó, ở lĩnh vực công nghệ thì dường như bất cứ hãng danh tiếng nào cũng chậm chân trước cái tên “mobile”.
Có đến 60% người dùng sử dụng Facebook trên mobile và thi thoảng mới xuất hiện vài mẫu quảng cáo trong khi diện tích nhỏ, tần suất click cực kỳ thấp so với phiên bản web.
Google không khá hơn mấy khi hiện tại có khoảng 37% người dùng tìm kiếm trên mobile và dường như không có kết quả quảng cáo trả tiền Google Adwords xuất hiện trên môi trường mobile. Google cũng chỉ có thể tăng trưởng vỏn vẹn 3% trên mobile từ năm 2012 – 2013 theo thống kê của eMarketer.
Cũng anh chàng khó tính mang tên "mobile" đã gieo sầu lên công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới là Intel, khi mà Qualcomm đã nhanh chân đi trước soán ngôi vương ở phân khúc chip cho di động (smartphone) với thương hiệu chip SnapDragon. Intel mới chỉ tung ra vài mẫu smartphone thử nghiệm chip cho mobile và chưa được đón nhận rộng rãi do chỉ hợp tác với những nhà sản xuất tầm trung.
Đó là những ví dụ điển hình mà hầu như công ty công nghệ lừng danh nào cũng loay hoay khi cơn bão mobile ập đến.
Ông Lâm Thái Trung Hiếu, đại điện bộ phận phát triển mobile của Yahoo! Việt Nam chia sẻ “Năm nay chiến lược của Yahoo! sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực hiện có cũng như mua thêm các công ty khởi nghiệp trẻ trong ngành để bổ sung lực lượng, cải tổ bộ máy nhằm tạo ra thế lực mới trong lĩnh vực mobile”.
Khổ luyện
Mọi người đều biết, các vận động viên dành tuổi thanh xuân của mình, có khi là cả đời để khổ luyện. Các công ty công nghệ cũng không khá hơn là mấy. Sự thật hơi phũ phàng là mọi người chỉ nhìn vào ánh hào quang mà quên đi hoặc không biết họ đã vất vả như thế nào.
Ví như công ty Rovio, đơn vị chủ quản game cực đắt khách Angry Birds. Rovio là công ty gia công ngoài cho các ông lớn như EA, Realnetworks, Namco. Nhưng đến 2006, Rovio phải cắt giảm từ 50 xuống 12 nhân sự và đối mặt nguy cơ phá sản.
Nỗ lực cuối cùng của họ là tốn 3 năm và 100.000 USD để cho ra đời “Những chú chim giận dữ” vào 2009. Đến 2/2010, Angry Birds “lên kệ” Apple Store và trở thành hiện tượng. Trước khi có Angry Birds, “thợ” của Rovio đã mài dũa hơn 50 game vô danh khác để đón lấy vinh quang ngày nay.
Hay như mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Pinterest. Sau 4 tháng ra mắt chỉ có 200 thành viên, chưa có dịch vụ nào khởi đầu tệ hại như vậy. Trong năm đầu tiên, gần như Pinterest chỉ biết lặng lẽ giữa Silicon Valley.
Ben Silbermann, CEO Pinterest, cựu nhân viên Google, chia sẻ anh tưởng chừng như phải xin quay lại Google làm việc trước khung cảnh ảm đạm này. Nhưng với nỗ lực không ngừng, đội ngũ của anh đã trải qua khoảng 50 lần thay đổi giao diện và cuối cùng gây được tiếng vang với giao diện kiểu pinboard, điều mang đến cho Pinterest ngày nay.
Không có thành công nào mà không cần nỗ lực, thậm chí phải nỗ lực rất nhiều. Kinh doanh ví như một cuộc đua, hay chỉ một cuộc chơi. Đòi hỏi sự rèn luyện, khôn khéo và đôi khi cần một chút may mắn để ra quyết định hợp thời điểm.
* Mobile, ý muốn đề cập đến xu hướng chuyển dịch từ PC và laptop sang các thiết bị di động như là máy tính bảng và ĐTDĐ, gọi chung là mobile.
** OTT Apps là viết tắt của Over The Top Application, được hiểu là những ứng dụng cho mobile dùng để giao tiếp (chat) với nhau như là Viber, Zalo, WhatsApp, Line, KakaoTalk...
>> [Infographic] Khởi nghiệp - Cuộc đua marathon khốc liệt
Vũ Hoàng Tâm