Ngày Tết, quây quần đánh bài "vui" ăn thua 1-2 nghìn có bị đi tù không?
Ngày Tết, sau những chầu liên hoan tưng bừng, "chén chú, chén anh", rất nhiều anh em có thú vui như đánh bài "ăn tiền". Nhiều tiền thì không nói, nhưng liệu đánh bài vui 1-2000 đồng thì có vi phạm pháp luật không?
Dịp năm mới đang đến gần, cùng với đó là những ngày nghỉ lễ kéo dài, người người, nhà nhà được "xả hơi" sau chuỗi ngày lao động vất vả.
Sau những bữa cỗ no say, những câu chuyện rôm rả thì cũng sẽ là lúc những thú vui tiêu khiển "lên ngôi". Nếu anh em, bạn bè rủ bạn đánh bài vui ngày Tết thì hãy cẩn thận, bởi theo pháp luật, hành động này có thể bị khép vào tội Hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.
Lý giải rõ hơn về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng: "Trên thực tế, vào dịp Tết cổ truyền, nhiều gia đình hay tụ tập chơi bài ăn tiền. Mọi người đều nghĩ rằng đó là việc vui vẻ trong gia đình với nhau mà không tính toán, bởi nhiều khi số tiền thắng lại được sử dụng để ăn uống chi tiêu chung. Tuy nhiên, với quy định của TAND Tối cao, việc làm này cũng là hành vi đánh bạc trái phép".
Nhiều người đặt câu hỏi rằng nếu trong ngày Tết, anh em, bạn bè rủ nhau đánh bài vui thì có bị coi là vi phạm pháp luật không. Nếu có thì hình thức xử phạt sẽ như thế nào?
"Theo quy định của pháp luật thì tất cả những hành vi đánh bạc trái phép đều là hành vi vi phạm vào sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu số tiền đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên thì người đánh bạc và tổ chức đánh bạc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường cho biết.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Cường cũng cho biết, pháp luật quy định đánh bạc là hành vi của hai người hay nhiều người có tính chất cá cược, ăn thua bằng tiền hoặc bằng tài sản. Bởi vậy bất cứ hành vi cá cược, thỏa thuận ăn thua bằng tiền hoặc tài sản mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì đây là hành vi đánh bạc trái phép.
Hành vi đánh bạc trái phép với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự, với mức hình phạt có thể lên tới 7 năm tù theo Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định.
Còn hành vi đánh bạc với số tiền dưới 5 triệu đồng thì người đánh bạc, tổ chức đánh bạc sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, cụ thể như sau:
"Điều 26. Hành vi đánh bạc trái phép
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;
d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b) Che giấu việc đánh bạc trái phép.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc;
c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:
a) Làm chủ lô, đề;
b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;
c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;
d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
6. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có đối với hành vi quy định tại Khoản 1; Khoản 2; Điểm a Khoản 3; Điểm b, c, d Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.
7. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Luật sư Cường nhấn mạnh, một số người thì giết thời gian hoặc có thói quen chơi bài vui, tuy nhiên do rủ rê lôi kéo mà có thể thỏa thuận ăn thua bằng tiền... dù là số tiền nhỏ. Đây là những hành vi đánh bạc dưới mọi hình thức trái phép như vậy đều là vi phạm pháp luật.
Thời điểm hiện nay dịch bệnh Covid-19 cũng đang diễn biến phức tạp nên việc tập trung đông người, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phải tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh. Hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh cũng như hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc trái phép sẽ bị xử lý theo pháp luật.