Nỗi sợ muôn thuở của nữ giới ngày Tết: Bao giờ lấy chồng?

13/02/2021 11:30 AM | Xã hội

Tết là lễ sum vầy, làm ơn không hỏi: Bao giờ cưới?.

Đối với nhiều người, Tết Nguyên Đán là dịp để sum vầy với họ hàng, gia đình sau 1 năm làm việc vất vả. Tuy nhiên với nhiều phụ nữ chưa chồng chưa người yêu tại Trung Quốc, Tết lại là một cực hình mỗi khi phải về quê. Sức ép từ lời phàn nàn của họ hàng, người thân cũng như mang tiếng "gái ế" khiến rất nhiều nữ giới Trung Quốc tìm cách đối phó để vượt qua đợt Tết này.

Một số trường hợp đề nghị sếp của mình cho được làm thêm ngày tết, trong khi một số chị em tự tạo ra những bạn trai ảo để đối phó với gia đình. Dẫu vậy, áp lực lên những chị em chưa chồng vẫn rất lớn và các bệnh viện tại Trung Quốc đều báo cáo sự gia tăng đột biến về tư vấn trị liệu tâm lý do tình trạng lo lắng quá độ.

"Tết năm ngoái tôi đã quá sợ hãi tới mức chẳng dám về quê. Tôi cũng chẳng muốn về quê tết năm nay nhưng có vẻ không trốn được lần này vì đại dịch. Bố mẹ tôi thường nói bạn bè tôi đã có con cháu nhưng tôi thậm chí còn chẳng có bạn trai. Đây là chủ đề duy nhất họ nói khi tôi về quê. Họ thậm chí huy động cả họ hàng để nói và áp lực là quá lớn", Cô Emily Liu, một nhân viên 31 tuổi đang làm việc tại công ty quốc doanh đang xem xét có về quê ở Dalian hay không.

(Bài Tết) Nỗi sợ muôn thuở của nữ giới ngày Tết: Bao giờ lấy chồng? - Ảnh 1.

Phụ nữ Trung Quốc ngày nay coi trọng sự nghiệp hơn kết hôn

Theo văn hóa Châu Á, phụ nữ trong tầm tuổi 25 mà chưa có gia đình thường bị coi là "ế". Trớ trêu thay, sự bùng nổ kinh tế trong vài thập niên qua đã tạo ra lượng lớn tầng lớp trung lưu, đồng thời khiến nhiều phụ nữ theo đuổi sự nghiệp hơn là chăm chăm lấy chồng.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh tại Trung Quốc suy giảm mạnh. Số liệu mới nhất cho thấy khoảng 14,65 triệu trẻ sinh đã được sinh ra năm 2019 tại Trung Quốc, ít hơn 2,5 triệu trẻ so với 2 năm trước đó. Chính quyền Bắc Kinh thậm chí đã phải dỡ bỏ chính sách 1 con tồn tại nhiều thập niên do lo ngại sinh đẻ ít khiến dân số nước này lão hóa nhanh chóng, gây ra thiếu hụt lực lượng lao động.

Nỗi sợ "ế"

Mặc dù Trung Quốc có “thừa” 33 triệu nữ giới so với nam giới nhưng các gia đình vẫn lo lắng cho gái "ế" hơn là các chàng trai luống tuổi chưa vợ. Câu chuyện này liên quan đến văn hóa trọng nam khinh nữ, cùng với việc nhiều ông chú vẫn có thể lấy vợ dù đã luống tuổi.

Bất chấp việc chính quyền Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách kế hoạch hóa cũng như cha mẹ các gia đình hối thúc, giới trẻ Trung Quốc ngày nay vẫn không chịu kết hôn sớm. Số lượng đám cưới của Trung Quốc đã suy giảm 5 năm liên tiếp và số người độc thân hiện nay tại nền kinh tế này đã đạt 200 triệu người.

Thống kê của Zhenai.com, một trang hẹn hò cho thấy 85% số bạn trẻ độc thân trong độ tuổi 26-30 tại Trung Quốc bị bố mẹ thúc cưới.

(Bài Tết) Nỗi sợ muôn thuở của nữ giới ngày Tết: Bao giờ lấy chồng? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thậm chí nhiều doanh nghiệp đang cố gắng mai mối cho các lao động nữ. Năm 2019, hai công ty du lịch tại Hàng Châu đã cho những lao động trên 30 tuổi có thêm 8 ngày nghỉ tết để họ có thể xem mắt và hẹn hò. Nếu bất cứ nhân viên nào kết hôn trong năm đó, họ sẽ được nhân đôi tiền thưởng.

Tương tự, một trường trung học tại Hàng Châu cũng tổ chức 2 ngày rưỡi nghỉ mỗi tháng cho các giáo viên hẹn hò và xem mắt khi 40% nhân viên tại đây chưa kết hôn.

Áp lực cưới xin khiến nhiều bạn trẻ nảy sinh những cách thức đối phó khá buồn cười. Cô Shen, một phụ nữ 25 tuổi tại Ningbo đã tốn 1 tháng trời để chỉnh sửa 10 bức ảnh ghép của cô với diễn viên nổi tiếng Liu Haoran và gửi về cho cha mẹ, bảo đó là bạn trai cô.

Cha mẹ của Shen ở quê rất vui mừng và lan truyền thông tin cho làng xóm. Đến khi cô Shen đọc được một đoạn tin nhắn trên trang mạng xã hội WeChat về việc bố mẹ cô chuẩn bị cho lễ cưới trang trọng ra sao, cô mới cảm thấy tội lỗi và thú nhận sự thật.

Bất chấp điều đó, cha mẹ của Shen vẫn tha thứ cho cô và khuyên cô đi đến các buổi xem mắt. Sau khi video thú tội của Shen được đăng, hơn 200 triệu người đã xem và trở nên nổi tiếng trên mạng. Câu chuyện của cô phần nào cho thấy bức tranh xã hội ngày nay của những cô gái tầm quanh 25 tuổi chưa kết hôn phải gặp áp lực như thế nào.

(Bài Tết) Nỗi sợ muôn thuở của nữ giới ngày Tết: Bao giờ lấy chồng? - Ảnh 3.

Một trường hợp khác là tiến sĩ Dong, 35 tuổi. Cô được liệt vào danh sách "3 cao" tại Trung Quốc, gồm trình độ giáo dục cao, thu nhập cao và cao tuổi. Trường hợp của cô thường là trọng điểm chỉ trích của gia đình cũng như xã hội khi khó lấy chồng.

Nhận thức được vấn đề nên Dong thường xin sếp ở lại làm thêm chứ không về quê mỗi dịp tết. Trớ trêu thay sếp của cô cùng cùng lứa tuổi với cha mẹ cô và đều lo lắng cho chuyện hôn nhân của giới trẻ nên đã từ chối đề nghị này.

"Sếp nói với tôi rằng trốn tránh chẳng giải quyết được tình hình. Tôi chẳng thể giải quyết được vấn đề khi không nhìn chúng nữa. Ông ấy nói rằng những ngày lễ là cơ hội tốt để tôi mở rộng quan hệ, gặp gỡ thêm bạn bè và tìm ra người đàn ông của đời mình", cô Dong nói.

Tương tự, các nhà đài Trung Quốc thời nay cũng tăng cường những game show hẹn hò, qua đó cha mẹ của những bạn "ế" được mời đến chọn lựa con dâu, con rể tương lai và ghép cặp cho họ.

Quả thật, Tết giờ đây không còn là những ngày thoải mái để nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc vất vả, không còn chuyện đoàn tụ vui vẻ với người thân. Đối với giới trẻ, Tết chỉ còn là những áp lực kết hôn, những bữa nhậu, những lễ nghi đè nặng lên đôi vai.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM