Ngày càng nhiều người già thích đọc tiểu thuyết ngôn tình trên mạng, đam mê tổng tài, chủ tịch 'bá đạo': Con cái đau đầu không biết nên ngăn cản hay ủng hộ?

01/11/2022 13:45 PM | Sống

Nhiều người trẻ lo lắng rằng cha mẹ của họ đang bị ám ảnh bởi những bài văn, truyện ngôn tình trên mạng. Chủ đề "Nên làm gì nếu cha mẹ nghiện đọc tiểu thuyết trực tuyến" đã dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên Weibo.

Những số liệu liên quan cho thấy trong nhóm những người tiếp xúc với phương pháp đọc sách online, tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên đạt 23,2%. Những người trung niên và cao tuổi này tìm kiếm niềm an ủi qua những tiểu thuyết ngôn tình mạng, khi bị con cái phát hiện thì họ giống như những đứa trẻ đã làm điều gì sai trái, chấp nhận nghe những lời “giảng đạo” của con mình.

Người trẻ lo lắng việc người già nghiện tiểu thuyết trên mạng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có người còn đề xuất nên học theo mô hình bảo vệ thanh niên, thành lập mô hình chống nghiện cho người cao tuổi.

Người già đam mê mô tuýp tổng tài bá đạo

Thời đại thay đổi, hình ảnh về những người cha mẹ "cổ hủ" ngày xưa cũng đã được thay đổi. Điều này không chỉ được phản ánh trong sở thích và phong cách giải trí của họ, mà còn trong quan điểm tinh thần của họ. Giờ đây, họ cũng đã bắt đầu thích những thứ mà con họ từng thích.

Đối với nhiều bậc cha mẹ, tuổi trẻ của họ không quá giàu có so với trẻ em ngày nay, nhất là trong hoàn cảnh gia đình “con nhà nghèo, con hiếu thảo sớm”, họ thường phải gánh vác nhiều ngay từ khi còn nhỏ và cống hiến nhiều hơn. Tuổi trẻ của họ chỉ để làm việc và chăm lo cho gia đình. Giờ đây, khi tuổi đã già, hầu hết họ không còn vướng bận về cơm ăn áo mặc, một số bậc cha mẹ đã nghỉ hưu có nhiều thời gian, và lướt Internet đã trở thành thú tiêu khiển của họ.

Chú thích ảnh

Người già Trung Quốc đam mê đọc truyện trên mạng - Ảnh: Sixth Tone

Sau thời gian "nằm vùng" tại công viên, phóng viên phát hiện ra rằng những người cao tuổi dường như đang phát cuồng vì những câu chuyện theo mô tuýp tổng tài bá đạo hay những câu chuyện ngôn tình với chủ đề đa dạng từ đô thị lãng mạn đến thanh xuân vườn trường,...

Một số người trung niên và cao tuổi đã kể lại những câu chuyện "dở khóc dở cười" khi họ nghiện đọc tiểu thuyết ngôn tình mạng. Một bà cụ xém làm cháy đáy nồi vì mải mê đọc truyện ngôn tình về nữ chính "Marry Sue"; một ông chú từng là giám đốc điều hành công ty nghiện đọc những câu chuyện về "nữ tổng tài lạnh lùng"; một người là thẩm phán về hưu cũng nghiện đọc tiểu thuyết ngôn tình, họ cảm thấy những vụ án trong chuyện rất li kỳ, gay cấn.

Hoan Nhan - một cụ bà 82 tuổi đã nghỉ hưu trong một cuộc phỏng vấn cho biết, tuy tóc đã bạc nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, tâm hồn cũng còn "rất trẻ". Nửa năm trước, một người bạn trên WeChat đã gửi cho bà những câu chuyện ngôn tình mạng và bà hoàn toàn bị thu hút.

"Tôi thường không có thói quen đọc sách hay thích xem những bộ phim truyền hình lãng mạn. Nhưng trên mạng có rất nhiều đoạn miêu tả tâm lý nhân vật sống động như thật. Chẳng hạn như sự rộn ràng của mối tình đầu, điều này khiến tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả những người già như tôi đều bị mê hoặc". Thậm chí, bà từng mải đọc đến mức quên mất con cua đang hấp trong nồi.

Song, bà Hoan cũng tỏ ra không vừa lòng khi phải trả tiền khi đọc tiểu thuyết trên mạng.

Chú thích ảnh

Từ truyện tình yêu đến phá án đều được người cao tuổi đón nhận nhiệt tình - Ảnh: huxiu

"Tôi là người sống tiết kiệm nhưng cuối mỗi chương truyện luôn xuất hiện tình tiết hồi hộp khiến tôi rất khó 'phanh xe' và thậm chí còn làm thay đổi thói quen tiết kiệm của tôi. Tôi đã từng bỏ ra một số tiền khá lớn để mở khóa các chương sau. Ngoài việc tiêu tốn tiền bạc, tôi còn trì hoãn rất nhiều việc. Điều khiến tôi ấn tượng nhất đó là là lần tôi luộc cua, sau khi tháo dây buộc tôi bỏ nó vào nồi và vặn lửa vừa để luộc sau đó đi đọc truyện, tôi tính là 20 phút sau sẽ tắt lửa. Tuy nhiên, tôi đã bị cuốn vào câu chuyện, chờ đợi đến đoạn nam chính tỏ tình với nữ chính, và hoàn toàn quên mất con cua trong nồi, cho đến khi cháu gái của tôi ngửi thấy mùi khét thì tôi mới nhớ ra. May mà đáy nổi không bị cháy thủng. Kể từ đó, tôi đã trở thành một người đọc có lý trí, thỉnh thoảng mới đọc truyện ngôn tình", bà Hoan cho hay.

Hãy cảm thông để hiểu hơn về thế giới của người già

Trên thực tế, tỷ lệ người cao tuổi Trung Quốc "nghiện" mạng Internet vẫn chưa phải là cao, và nhiều người già vẫn bị loại trừ khỏi cuộc sống kỹ thuật số. Theo "Báo cáo về việc sử dụng Internet và kiến thức Internet của người trung niên và lớn tuổi" do nhóm nghiên cứu của Đại học Phúc Đán tài trợ cho thấy: Khoảng 40,7% người trung niên và người già được phỏng vấn dành ít hơn 2 giờ trên Internet mỗi ngày; 28,4% lướt Internet 2-3 giờ mỗi ngày và chỉ 13,8% lướt Internet hơn 5 giờ mỗi ngày.

Chú thích ảnh

Con cái hãy đồng cảm với những sở thích tân tiến của bố mẹ - Ảnh: Sixth Tone

Đối với vấn đề được coi là phổ biến trước đây về việc người trung niên và cao tuổi nghiện video ngắn, báo cáo cũng đưa ra câu trả lời: gần 3/4 số người được hỏi (73,1%) sử dụng video ngắn không quá 2 giờ mỗi ngày, và hiếm khi thức khuya để xem mạng.

Vì vậy, dù là những người già nghiện video ngắn trước đây hay những người già nghiện văn bản trên mạng thì nhìn từ góc độ của người trẻ, họ đều “lo lắng quá mức”, và ít nhiều có sự chủ quan, phiến diện và thiếu sự thấu hiểu.

Giống như những người trẻ tuổi có thể đi câu cá, nhảy múa, chơi game hay online đến sáng thì người già cũng có thể xem phim truyền hình trực tuyến và đọc tiểu thuyết trực tuyến. Miễn là những cuốn tiểu thuyết họ đọc không có những nội dung sai trái, họ không nghiện ngập quá mức đến nỗi ảnh hưởng đến gia đình thì phong cách giải trí của thế hệ cha mẹ đáng được chúng ta tôn trọng và bao dung. Hơn nữa, so với thanh thiếu niên, họ cũng là những người trưởng thành, có khả năng phán đoán đúng sai nhất định và tin rằng mình có thể sắp xếp thời gian của mình một cách hợp lý.

Ngoài ra, từ việc nghiện xem phim truyền hình, nghiện video ngắn và việc một số phụ huynh nghiện đọc tiểu thuyết trực tuyến, tất cả những điều này phải được nhìn nhận trong bối cảnh phát triển sâu rộng của Internet và ăn sâu vào cuộc sống cộng đồng.

Chúng ta vẫn luôn than phiền rằng hồi đó bố mẹ không hiểu mình, vậy tại sao bây giờ chúng ta không cố gắng hiểu cho bố mẹ?

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM