Ngày 18/11 Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội

09/11/2017 10:13 AM | Xã hội

Theo nghị trình của kỳ họp thứ tư, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn sau cùng, chiều 18/11...

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ vừa ký báo cáo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tổ chức hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tư.

Theo đó, đến 14 giờ ngày 7/11/2017, đã nhận được 443 văn bản ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Có 393/443 đại biểu đồng ý chọn nhóm vấn đề tài chính, 377 vị chọn thông tin và truyền thông, 345 chọn ngân hàng, 335 người chọn toà án và 315 chọn lao động - thương binh và xã hội.

Đại đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với cách đặt vấn đề, cách thức tổ chức, dự kiến thời gian tổ chức hoạt động chất vấn, số lượng người trả lời chất vấn, tiêu chí lựa chọn và nội dung các nhóm vấn đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.

Nhiều đề xuất khác

Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ cho biết, có một số ý kiến đề nghị chất vấn về công tác khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế; phòng, chống dịch bệnh, y tế dự phòng, quản lý giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh.

Đại biểu cũng muốn chất vấn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tổ chức mô hình hợp tác xã, nông thôn mới, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây đều là những vấn đề nổi lên trong đời sống xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những nội dung nêu trên đã được Quốc hội yêu cầu có những giải pháp cụ thể để khắc phục, tạo chuyển biến trong thời gian tới.

Do vậy, xin không đưa nội dung nêu trên vào nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị chất vấn về những vấn đề liên quan đến đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT, về định mức kinh tế-kỹ thuật, đơn giá xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn ODA.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đây đều là những vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm. Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT và ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Đồng thời, nội dung nêu trên cũng đã nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội khi thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp này, đang được các cơ quan có liên quan tiếp thu. Báo cáo nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ có báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội tại các kỳ họp tiếp theo.

Vấn đề định mức kinh tế-kỹ thuật, theo báo cáo thì đơn giá xây dựng cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại phiên họp thứ 13 (tháng 8/2017), đang trong quá trình triển khai các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Còn về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn ODA, năm 2018 Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016". Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016" đã bao gồm các nội dung liên quan đến vấn đề đại biểu quan tâm.

Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin không đưa các nội dung nêu trên vào nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4.

Ngoài những vấn đề trên, kết quả phiếu xin ý kiến còn ghi nhận một số ý kiến đề nghị bổ sung một số vấn đề về quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học; giải ngân vốn xây dựng cơ bản; về quản lý rừng; việc bán, cho thuê đất đai, tài sản công; về bảo hiểm xã hội…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn khẳng định đây đều là những vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm nhưng do thời lượng dành cho hoạt động chất vấn có hạn, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, đặc biệt là ưu tiên những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn (qua phiếu xin ý kiến) nên đề nghị xin được xem xét để tổ chức chất vấn các nội dung nêu trên tại kỳ họp Quốc hội hoặc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Chốt danh sách chính thức

Khẳng định đã cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo đến đại biểu Quốc hội 4 nhóm vấn đề chất vấn.

Trách nhiệm trả lời chính sẽ là bộ trưởng các bộ Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.

Và theo nghị trình, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn sau cùng, vào chiều 18/11.

Không giới hạn nhóm vấn đề, các vị đại biểu thường sẽ chất vấn Thủ tướng những vấn đề các vị thành viên Chính phủ trước đó chưa trả lời thoả đáng. Hoặc những chuyện đại sự quốc gia, câu trả lời cần có từ Thủ tướng.

Kết quả phiếu xin ý kiến cũng đã cho biết có 16 nhóm vấn đề đại biểu muốn chất vấn Thủ tướng, từ BOT cho đến 12 dự án "đắp chiếu" của ngành công thương...

Theo Nguyên Vũ

Cùng chuyên mục
XEM