Ngành học tưởng chừng khô khan nhưng thu nhập hậu hĩnh: Mức lương vài chục triệu đồng, muốn theo học nên có 5 TỐ CHẤT
Đây là ngành học mơ ước của nhiều học sinh.
Kinh tế quốc tế (International Economics) là ngành học thuộc lĩnh vực Kinh tế học. Ngành này nghiên cứu các hoạt động giao dịch, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ được thực hiện giữa các quốc gia. Nói một cách khác, Kinh tế quốc tế là lĩnh vực nghiên cứu về sự liên kết, tác động, phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia. Đây là một ngành năng động và mang tính toàn cầu.
Kinh tế học quốc tế nghiên cứu học thuyết thương mại quốc tế, chính sách thương mại quốc tế, thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán, kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế mở. Học thuyết thương mại quốc tế phân tích cơ sở và những thu nhập từ thương mại quốc tế.
Ngày nay, quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, bên cạnh đó là các chính sách mở cửa, đa dạng hoá, đa phương hoá các hoạt động kinh tế đối ngoại và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, UKVFTA... càng thúc đẩy thêm các hoạt động trao đổi hàng hoá, dịch vụ và đầu tư quốc tế ở Việt Nam với các quốc gia khác.
Chính vì vậy, nguồn nhân lực có các kiến thức, hiểu biết và chuyên môn cao về lĩnh vực Kinh tế quốc tế này là vô cùng cần thiết. Bởi vậy, ngành nghề này đang là một trong những ngành được nhiều các học viên lựa chọn trong hệ thống các ngành đào tạo về kinh tế.
Nếu bạn mong muốn đi du học ngành Kinh tế quốc tế, bạn có thể tham khảo một số trường Đại học tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh hoặc New Zealand,... Một số trường Đại học nổi tiếng bạn có thể cân nhắc lựa chọn: Đại học Yale (Mỹ), Đại học Glasgow (Anh), Đại học Auckland (New Zealand),...
Ở Việt Nam, nhiều trường Đại học khác cũng đưa ngành Kinh tế quốc tế vào chương trình học, chẳng hạn như: Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), Đại học Thương mại Hà Nội, Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM,...
Cơ hội nghề nghiệp của ngành Kinh tế quốc tế
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế có thể làm việc ở nhiều vị trí như:
1. Các Bộ, Ban, Ngành, Địa phương như: Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại, Hải quan, các sở Công thương, Kế hoạch và Đầu tư,…
2. Nhân viên tại Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp logistics và vận tải quốc tế, các trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư.
3. Chuyên viên hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách trong các lĩnh vực thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Trong tương lai, các chuyên viên có thể trở thành những chuyên gia phân tích, tư vấn chính sách trong các lĩnh vực này.
4. Chuyên viên lập kế hoạch, giám sát hoặc thực thi các hoạt động xuất - nhập khẩu, nghiên cứu, phát triển thị trường quốc tế; kinh doanh dịch vụ logistics; tư vấn đầu tư quốc tế; xúc tiến thương mại. Trong tương lai, các chuyên viên có triển vọng để trở thành những nhà quản lý hay doanh nhân trong các lĩnh vực thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế hoặc nhà quản trị logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu.
5. Trợ giảng tại các cơ sở giáo dục Đại học, các cơ sở nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực kinh tế quốc tế. Trong tương lai có thể trở thành những nghiên cứu viên hay giảng viên giảng dạy chuyên sâu trong các lĩnh vực như: Thương mại quốc tế, Đầu tư quốc tế, Tài chính quốc tế, Kinh doanh quốc tế, quản trị logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu.
6. Người tự khởi sự kinh doanh, tạo lập doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung và lĩnh vực kinh doanh quốc tế, giao nhận, vận tải và logistics nói riêng.
Đối với sinh viên mới ra trường, mức lương dao động khoảng 7 - 10 triệu đồng/ tháng. Sau khi đã thành thạo và có kinh nghiệm hơn, mức lương có thể lên tới 25 - 30 triệu/ tháng. Hơn nữa, nếu bạn có cơ hội làm việc trong các công ty đa quốc gia, công ty nước ngoài thì mức lương sẽ cao hơn rất nhiều.
Người làm trong ngành Kinh tế quốc tế cần có tố chất gì?
Để học tập tốt và thành công với ngành Kinh tế quốc tế, bạn cần sở hữu những tố chất nhất định, tiêu biểu như sau:
1. Thích học hỏi và tìm hiểu: Kinh tế quốc tế là một lĩnh vực rộng lớn và luôn thay đổi. Do đó, người học cần có tinh thần ham học hỏi và dành nhiều thời gian để tìm hiểu các kiến thức chuyên môn. Từ đó, người học có thể cập nhật thông tin mới và thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
2. Có khả năng tư duy logic và phân tích vấn đề: Khả năng tư duy logic và phân tích vấn đề vô cùng cần thiết đối với học viên. Điều này giúp người học có thể hiểu rõ các vấn đề Kinh tế quốc tế và đưa ra các giải pháp phù hợp.
3. Khả năng giao tiếp hiệu quả: Sinh viên ngành Kinh tế quốc tế cần có khả năng giao tiếp, đặc biệt cả về tiếng Việt và tiếng Anh.
4. Có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm: Điều này giúp người học có khả năng xử lý tình huống và hoàn thành các nhiệm vụ trong công việc.
5. Khả năng thích nghi và chịu được áp lực công việc: Công việc đòi hỏi người học cần có sự nhanh nhẹn, quyết đoán và chịu được áp lực cao.
Nhìn chung, về ưu điểm, ngành Kinh tế quốc tế có nhiều sự lựa chọn công việc, dễ xin việc ở Việt Nam. Đặc biệt, với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/ năm thì ngoại thương vẫn là lĩnh vực có nhiều cơ hội.
Thứ hai, đa số các trường đào tạo ngành Kinh tế quốc tế đều là những cái tên uy tín, đầu vào tốt, môi trường học tập cạnh tranh. Thứ 3, sinh viên theo học ngành nghề này được trang bị khá đầy đủ và hoàn chỉnh về các kiến thức liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế từ cơ bản cho đến nâng cao.
Tuy nhiên, để trúng tuyển vào ngành học này tương đối khó vì Kinh tế quốc tế là một ngành "hot" nên tỉ lệ đầu vào cạnh tranh cao. Tiếp đó, khi đi làm, áp lực công việc là không hề nhỏ, một số vị trí cũng không có nhiều cơ hội thăng tiến.
Tổng hợp