Ngành hoạt hình Nhật Bản chao đảo vì đoạn phim 3 phút: Được làm bởi AI, loạt nghệ sĩ anime lão làng lo sắp mất việc

08/02/2023 11:09 AM | Kinh doanh

Trí thông minh nhân tạo đang đe dọa thay thế những nghệ sĩ trong ngành truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản.

Ngành hoạt hình Nhật Bản chao đảo vì đoạn phim 3 phút: Được làm bởi AI, loạt nghệ sĩ anime lão làng lo sắp mất việc - Ảnh 1.

Vào ngày 31/1/2023, Netflix đã tung một đoạn phim ngắn 3 phút mang tên “The Dog and the Boy”, nói về một chú chó robot bị chia cắt bởi chiến tranh với cậu chủ nhỏ rồi cuối cùng được đoàn viên khi về già.

Đoạn phim được đăng tải trên tài khoản Youtube của Netflix chi nhánh Nhật Bản này lại đang tạo nên tranh cãi cực kỳ gay gắt trong giới nghệ sĩ bởi phần phông nền của toàn bộ tác phẩm này được tạo bằng trí thông minh nhân tạo (AI).

Cụ thể hơn, chúng được các nhà sản xuất sử dụng những công cụ có tích hợp AI như Stable Diffusion hay Midjourney để hoàn thiện.

Theo Netflix, động thái này là để cố gắng tìm kiếm sự thay đổi trong bối cảnh ngành hoạt hình Nhật Bản (Anime) thiếu hụt lao động.

Tuyên bố này ngay lập tức tạo nên sự chỉ trích từ giới nghệ sĩ hoạt hình Nhật Bản khi cho rằng Netflix đang báng bổ công sức lao động của họ, không chịu tăng lương cho lao động mà dùng AI, trong khi nhiều người hâm mộ lo ngại các nghệ sĩ sẽ mất việc vì cuộc cách mạng AI.

Ngành hoạt hình Nhật Bản chao đảo vì đoạn phim 3 phút: Được làm bởi AI, loạt nghệ sĩ anime lão làng lo sắp mất việc - Ảnh 2.

Đã nghèo còn mất việc

“Rất nhiều nghệ sĩ làm hoạt hình đang lo sợ, và điều này cũng đáng để lo thật”, một nghệ sĩ với nghệ danh Zakuga Mignon nói với tờ Rest of World về vấn đề này.

Theo Mignon, từ khóa #SupportHumanArtists (Hỗ trợ những nghệ sĩ) đã xuất hiện từ tháng 12/2022 và đang trở nên ngày càng phổ biến trên mạng xã hội Nhật Bản kể từ sau khi Netflix tung ra đoạn phim 3 phút.

Ngành hoạt hình cũng như truyện tranh Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với cuộc cách mạng lớn khi các nghệ sĩ đang dần bị thay thế bởi những công cụ tự động. Nếu trước đây, những người làm nên các tác phẩm nổi tiếng phải mất nhiều thời gian sáng tác, chịu áp lực về thời hạn đăng tải của nhà xuất bản hay xưởng phim và mức lương thì bèo bọt thì giờ đây còn phải đối mặt nguy cơ thất nghiệp vì AI.

Tờ The Vice cho biết nhu cầu về truyện tranh hay phim hoạt hình tại Nhật Bản tăng mạnh những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người bị cách ly phải ở nhà. Thậm chí trong tuần ra mắt “Avatar 2”, bộ phim bom tấn của đạo diễn James Cameron còn thua doanh số bán vé so với tác phẩm hoạt hình “Đảo hải tặc” đã chiếu được vài tuần.

Tuy nhiên vấn đề áp lực công việc và mức lương thấp cũng là điều nhức nhối của ngành này. Năm 2017, một nghệ sĩ chết trong khi làm việc vì đau tim đã làm chấn động toàn ngành, thế nhưng mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi nhiều.

Tờ The Vice cho biết năm 2021, mức lương bình quân của một nghệ sĩ hoạt hình trình độ thường sẽ vào khoảng 200 USD/tháng, qua đó buộc nhiều người phải đi làm thêm nếu muốn duy trì đam mê với nghề.

Thậm chí ngay cả những nghệ sĩ hàng đầu có tiếng tăm cũng chỉ kiếm được khoảng 1.400-3.800 USD/tháng. Đây là con số đáng ngạc nhiên khi tổng doanh thu ngành hoạt hình Nhật Bản đạt mức kỷ lục 18,4 tỷ USD năm 2021.

Năm 2022, Netflix chi nhánh Nhật Bản đã bị phạt 300 triệu Yên, tương đương 2,3 triệu USD tiền thuế vì không khai báo 1,2 tỷ Yên, tương đương 9,3 triệu USD lợi nhuận trong vòng 3 năm tính đến năm 2019.

Những bước hoàn thiện bối cảnh bằng AI trong "The Dog and The Boy"

Lòng tham không đáy?

“Chúng tôi tự hào được là một phần của dự án thú vị này, hy vọng nó sẽ đóng góp vào việc nâng cao, cải thiện cũng như đem lại thêm sự tiện lợi cho công việc sáng tạo hoạt hình trong tương lai”, giám đốc sản xuất hoạt hình Taiji Sakura của Netflix Nhật Bản nói, đồng thời từ chối trả lời thêm các câu hỏi.

Kết thúc bộ phim ngắn, Netflix chỉ đăng tải người thiết kế là “AI + Human”, ám chỉ họ sử dụng cả nhân lực lẫn trí thông minh nhân tạo để hoàn thành công việc.

Thông thường, những nghệ sĩ hoàn thiện phần bối cảnh cho phim hoạt hình cũng như truyện tranh đều bị coi là “lao động phổ thông” hoặc kẻ vẽ thuê không có sáng tạo. Những tác phẩm hoạt hình hay truyện tranh sẽ được các tác giả hay một nghệ sĩ phác thảo nét chính về nội dung, sau đó những “kẻ vẽ thuê” sẽ hoàn thiện nốt phần bối cảnh.

Trên thực tế, các công cụ AI hiện nay chưa hoàn toàn có thể đảm nhận hết nhiệm vụ vẽ bối cảnh mà cần sự hướng dẫn của con người. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ tác phẩm AI của Netflix Nhật Bản sử dụng bao nhiêu phần trăm là nhân lực và bao nhiêu phần là công nghệ.

Đạo diễn Ryotaro Makihara của “The Dog and The Boy” thì nhận định công nghệ AI sẽ giúp người nghệ sĩ tập trung được vào những phần mà máy móc không làm được, qua đó gia tăng được hiệu quả cũng như chất lượng tác phẩm với cùng một nguồn lực.

Dẫu vậy, giới nghệ sĩ thì cho rằng cái cớ “thiếu nhân lực” của Netflix là nực cười bởi nhiều người bỏ nghề vì mức lương quá bèo bọt, công việc thì quá áp lực khi các nhà xuất bản, xưởng phim ép chạy theo số lượng và chỉ tiêu, trong khi công sức họ bỏ ra thì bị coi thường.

“Hãy thành thật đi Netflix. Có rất nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới đang tìm việc, chẳng có cái gọi là ‘thiếu nhân lực’ nào ở đây cả, chỉ có lòng tham không đáy của các doanh nghiệp mà thôi”, nghệ sĩ truyện tranh Pete Woods của Marvel đăng trên Twitter.

Vào tháng 1/2023, một nhóm nghệ sĩ đã đệ đơn kiện hàng loạt các công cụ AI như Stability AI, DeviantArt hay Midjourney vì cho rằng chúng đang vi phạm bản quyền sở hữu ngành hoạt hình lẫn truyện tranh.

*Nguồn: Vice, Rest of World, Netflix

Băng Băng

Từ khóa:  nhật bản
Cùng chuyên mục
XEM