Ngành công nghiệp mỹ phẩm từ ốc sên: Trị giá trăm triệu USD, chất nhờn còn quý hơn vàng, nông dân hưởng lợi lớn
Các trang trại nuôi và sản xuất chất nhờn ốc sên đang gia tăng ở cả châu Âu và một số nước châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, biến những con ốc sên từ kẻ phá hoại mùa màng thành nguồn thu nhập lớn cho nông dân.
Nếu như trước kia, ốc sên bị coi là tại họa, là kẻ thù đối với mùa màng vì chúng ăn chồi của những cây trồng mới thì giờ đây, loài sinh vật bé nhỏ này lại đang được người nông dân chăm nuôi kỹ lưỡng với chế độ dinh dưỡng riêng.
Chủ của một trang trại nuôi ốc sên tại Thái Lan, Phatinisiri Thangkeaw chia sẻ: "Trước kia, nông dân thường ném ốc sên ra đường hoặc xuống sông. Nhưng bây giờ họ bán chúng cho tôi để kiếm thêm tiền."
Tất cả là nhờ sự bùng nổ nhu cầu đối với chất nhờn mà ốc sên tiết ra, thành phần đang được ưa chuộng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm toàn cầu.
Chất nhờn ốc sên có tác dụng gì?
Theo Thời báo New York, ốc sên được sử dụng lần đầu từ thời Hy Lạp cổ đại như một phương pháp điều trị tại chỗ để giảm viêm và bắt đầu được sản xuất thành kem và thuốc tiên ở Nam Mỹ sau khi những nông dân nhận thấy bàn tay của mình trông trẻ, mịn màng hơn nếu ốc sên bò qua.
Về mặt kỹ thuật, ốc sên tạo ra chất nhờn để bao phủ cơ thể và ngăn chặn các mô bị khô đi. Chất nhờ này vừa có tính kết dính giúp chúng bám lại trên bề mặt cũng như trơn trượt giúp chống lại sự mài mòn, vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng khác khi ốc sên di chuyển qua các môi trường khác nhau.
Các nghiên cứu cho thấy chất nhờn có khả năng thúc đẩy sản xuất elastin và collagen trên da của người dùng, từ đó giúp làm mờ nếp nhăn, ngăn chặn mụn trứng cá thậm chí là chữa lành vết thương.
Quý hơn vàng, nông dân hưởng lợi
Aden, nhà sản xuất chất nhờn ốc sên duy nhất ở Thái Lan, mới bắt đầu hoạt động kinh doanh từ ba năm trước. Chất nhờn được công ty này sản xuất thành serum nhãn hiệu Acha đồng thời cũng cung cấp cho các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc và Mỹ dưới dạng bột khô với giá 1,8 triệu baht (58.200 USD) mỗi kg. Chúng còn đắt hơn cả vàng khi kim loại quý này hiện có giá khoảng 46.300 USD/kg.
Còn tại Trung Quốc, chất nhờn được thu hoạch hằng ngày thay vì ba lần một tuần như ở Thái Lan, có giá khoảng 80.000 baht (2.600 USD) mỗi kg. Ốc sên sẽ không bị giết mà được cho vào các "spa", nơi xử lý bằng hơi nước giúp chúng tiết ra dịch một cách tự nhiên.
Người sáng lập Aden chia sẻ: "Những con ốc sên của chúng tôi ăn mọi thứ, bao gồm rau, ngũ cốc và thậm chí cả nấm nên tạo ra chất nhờn chất lượng tốt".
Nhu cầu tăng mạnh, các trang trại nuôi ốc sên mọc lên ngày càng nhiều ở Thái Lan và cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Với số lượng 1000 con, một người có thể thu được từ 320 USD đến 650 USD.
Tại Italia, cơn sốt mang tên chất nhờn ốc sên đã khiến hoạt động nuôi loài động vật này tăng 325% trong 2 thập kỷ qua, với số lượng các nhà sản xuất hiện tại đã lên tới 4.000. Hiệp hội nông nghiệp Coldiretti ước tính 44.000 tấn ốc sống và được bảo quản được sản xuất hàng năm tại Ý, tạo nên ngành công nghiệp trị giá 180 triệu bảng.
Ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD
Trước Thái Lan, chất nhờn của ốc sên đã được các nước có ngành công nghiệp mỹ phẩm phát triển tiến hành nghiên cứu và khai thác từ lâu.
Hàn Quốc có công mở đường cho các sản phẩm từ ốc sên, sau đó lan rộng ra Mỹ, châu Âu. Những mặt hàng phổ biến nhất bao gồm serum, kem dưỡng da, mặt nạ và nhiều hơn nữa. Một số nơi ở Thái Lan, Châu Á và Châu Âu thậm chí còn cung cấp dịch vụ chăm sóc da mặt bằng ốc sên, nơi các sinh vật này bò trực tiếp lên khuôn mặt khách hàng.
Theo Coherent Market Insights, thị trường sản phẩm làm đẹp từ ốc sên toàn cầu được định giá khoảng 314,2 triệu USD vào năm 2016 và sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm là 11,22% trong giai đoạn 2018-2025. Châu Á Thái Bình Dương chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường này.
Trong số các dòng sản phẩm, phân khúc kem chống lão hóa chiếm thị phần lớn nhất (năm 2016) và được dự đoán sẽ duy trì sự thống trị của mình trong thời gian tới.