Ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc gặp "đại hạn" ngay trước thềm năm Kỷ Hợi

15/01/2019 09:36 AM | Xã hội

Tình trạng khó khăn xảy ra trên khắp các tỉnh miền bắc và đông bắc Trung Quốc - nơi tập trung số lượng lớn các trang trại của ngành công nghiệp thịt lợn nước này.

Những ngày giáp Tết thường là thời điểm chủ trang trại Fu Haisheng bắt đầu nhập thêm lợn giống về để bắt đầu đợt chăn nuôi mới.

Mọi năm, trước thềm Tết Âm lịch, những người nông dân ở tỉnh Hắc Long Giang luôn xuất chuồng hàng loạt các đàn lợn để đáp ứng nhu cầu thịt lợn tăng đột biến trong 15 ngày lễ tết.

Tuy nhiên, năm nay không phải là một năm thuận lợi đối với Trung Quốc - quốc gia nằm trong top tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới với khoảng 700 triệu con lợn được giết mổ hàng năm. Lệnh hạn chế trong nỗ lực kìm hãm dịch cúm lợn Châu Phi đồng nghĩa với việc trang trại của ông Fu không thể bán được đàn lợn 20.000 con của mình.

Tình trạng khó khăn xảy ra trên khắp các tỉnh miền bắc và đông bắc Trung Quốc - nơi tập trung số lượng lớn các trang trại của ngành công nghiệp thịt lợn nước này.

Theo ước tính, với số lượng khoảng 20% các trang trại không bán ra hoặc nhập thêm lợn, Trung Quốc sẽ cần phải nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài. Đây không phải là tin tốt lành đối với nền công nghiệp trị giá 128 tỉ USD của Trung Quốc ngay trước thềm Tết Kỷ Hợi.

Ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc gặp đại hạn ngay trước thềm năm Kỷ Hợi - Ảnh 1.

Nền công nghiệp trị giá 128 tỉ USD của Trung Quốc đứng trước khó khăn trước thềm năm mới. Ảnh: AP


"Hiện nguy cơ bệnh dịch vẫn rất cao khi nhập thêm lợn giống giữa bối cảnh cúm lợn Châu Phi vẫn chưa được dập tắt. Lợn của chúng tôi thường được bán xuống vùng phía nam. Hiện tại, không một con lợn nào được bán ra ngoài khu vực."

Theo Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực hết sức để kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm. Được biết, cúm lợn Châu Phi đã bắt đầu lây lan từ tháng 8/2018 và hiện tại đã xuất hiện tại ít nhất 23 tỉnh. Mới đây nhất, các nhân viên y tế đã phát hiện được lợn mắc bệnh tại tỉnh Quảng Đông. Trên khắp Trung Quốc, hơn 600.000 con lợn đã bị tiêu hủy.

Hạn chế di chuyển

Mặc dù căn bệnh chưa có dấu hiệu gây nguy hiểm đối với người, cúm lợn Châu Phi có thể khiến lợn chết chỉ trong vòng vài ngày. Bắc Kinh đã cố gắng hạn chế việc di chuyển lợn ra khỏi các vùng bệnh dịch và kiểm soát một vài giống lợn nhất định.

Tỉnh Hắc Long Giang đã đóng góp 3% sản lượng lợn trong năm 2017 của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào hồi tuần trước, một trang trại 73.000 con lợn ở tỉnh này đã trở thành một ổ dịch cúm lợn. Lệnh "nội bất xuất" cũng được áp dụng cho các tỉnh chăn nuôi lợn quy mô lớn như Liêu Ninh và Hà Nam của Trung Quốc.

Ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc gặp đại hạn ngay trước thềm năm Kỷ Hợi - Ảnh 2.

Bắc Kinh đã cố gắng hạn chế việc di chuyển lợn ra khỏi các vùng bệnh dịch và kiểm soát một vài giống lợn nhất định. Ảnh minh họa: Getty Images


Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông Fu không thể đem đàn lợn tới những khu vực có nhu cầu tiêu thụ cao ở phía nam đất nước. Trong khi đó, các lò mổ địa phương không thể đáp ứng được trong tình cảnh tất cả các trang trại đều đưa lợn tới giết mổ trước khi bị nhiễm bệnh. Ông Fu cho hay, một lựa chọn khác là bán lỗ đàn lợn và chịu nguy cơ phá sản.

Theo Rabobank - ngân hàng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, các nông dân Trung Quốc có thể sẽ giảm quy mô chăn nuôi trong năm 2019 xuống ít hơn 140 triệu con lợn so với năm 2017.

Tổn thất khổng lồ

"Vì gặp tổn thất khổng lồ, một số trang trại không thể tiếp tục cho lợn sinh sản trong khi một số khác bắt đầu tiêu hủy lợn giống," Pan Chenjin - một nhà phân tích cấp cao của Rabobank tại Hong Kong - trả lời trong cuộc phỏng vấn. Không chỉ các trang trại nhỏ chịu áp lực, mà các trang trại lớn cũng phải cắt giảm quy mô chăn nuôi - ông Pan cho hay.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi các nông trại tăng cường giết mổ hàng loạt để tránh bị nhiễm bệnh, đẩy nguồn cung lên đỉnh điểm. Trong tuần đầu tháng 1, giá thịt lợn ở các tỉnh đông bắc Trung Quốc đã giảm 34% so với các năm trước đó và giảm 16% so với vùng phía đông, theo số liệu được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố mới đây.

Công ty Muyuan Foodstuff tại tỉnh Hà Nam Trung Quốc, một trong những doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến lợn lớn nhất cả nước, thông báo lợi nhuận ròng trong năm 2018 có thể giảm tới 79% do không thể vận chuyển thịt lợn ra khỏi các trung tâm chăn nuôi lớn.

Một doanh nghiệp khác có tên Wens Foodstuffs Group cũng cho biết lợi nhuận từ chăn nuôi lợn có thể sẽ giảm 41% trong thời kì này.

Tuy nhiên, ông Zhu Zengyong, nhà nghiên cứu tại Viện Thông tin Nông nghiệp của Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, giá thịt lợn có thể nhanh chóng tăng trở lại trong nửa năm sau của năm 2019 do nguồn cung dần trở nên khan hiếm.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể sẽ phải tăng cường mua thêm thịt lợn từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Gao Guan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thịt Trung Quốc, đồng ý với nhận định của các chuyên gia. Hoạt động nhập khẩu có thể sẽ đạt mốc kỉ lục trong năm nay giữa bối cảnh nông dân Trung Quốc không nhập thêm lợn giống và giữ quy mô chăn nuôi ở mức thấp.

"Rất nhiều trang trại không dám nhập thêm lợn giống và một số nông dân còn không có đủ tiền để mua thêm lợn vì giá thịt lợn thấp đã ảnh hưởng tới lợi nhuận," Shen Yunxiang, quản lí của công ty tư vấn nông nghiệp ở Trương Gia Cảng, chia sẻ.

Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM