Ngân hàng Thế giới cảnh báo việc tăng thuế có thể kéo lùi thế giới về thời điểm trước 2008
Việc tăng tốc độ và phạm vi thuế quan có thể đặt thế giới trở lại năm 2008 về mặt mức độ thương mại toàn cầu, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã có một dự báo tồi tệ cho cả thị trường mới nổi và phát triển trong trường hợp các tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa các nền kinh tế lớn ngày càng leo thang.
"Một sự gia tăng rộng rãi về thuế quan trên toàn thế giới sẽ gây ra những hậu quả bất lợi lớn cho thương mại toàn cầu", báo cáo cho biết. "Việc leo thang thuế quan lên mức cao nhất có thể về mặt pháp lý có thể khiến dòng chảy thương mại toàn cầu sụt giảm tới 9%, tương tự như mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008-2009."
Canada, Mexico và EU đang tính tới những động thái trả đũa Mỹ để đáp lại tuyên bố của chính quyền Donald Trump vào thứ Năm tuần trước rằng các nền kinh tế đó sẽ không được miễn thuế thép và nhôm toàn cầu do Washington áp đặt.
Vấn đề này tiếp nối theo sau những lời đe dọa giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Nhà Trắng là bên khởi xướng với cáo buộc Bắc Kinh có những hoạt động thương mại không công bằng và có thặng dư thương mại với Mỹ quá lớn.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán để sửa đổi lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã thất bại trong việc đưa ra các thỏa thuận toàn diện, và đẩy thỏa thuận đó cũng như thực trạng thương mại cởi mở đã được thiết lập trong 24 năm qua đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trường hợp tăng cường chủ nghĩa bảo hộ sẽ là các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, Ngân hàng Thế giới cho biết, với các lĩnh vực như nông nghiệp và chế biến thực phẩm sẽ những ngành sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn nhất.
Và bất kỳ trở ngại nào đối với hoạt động thương mại ở Trung Quốc hay Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ dẫn đến sự lan toả tiêu cực đáng kể cho phần còn lại của thế giới thông qua các kênh thương mại, tài chính và hàng hóa.
Nỗi lo sợ bị thổi phồng?
Những cuộc chiến tranh thương mại, sự không chắc chắn xuất phát từ nguy cơ các nền kinh tế lớn thay đổi các chính sách kinh tế quan trọng sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính và hoạt động thương mại trên toàn thế giới. Ngân hàng lưu ý rằng xu hướng tự do hóa thương mại đã bị chậm lại trong một thời gian, với số lượng thỏa thuận thương mại mới trong năm 2017 ở mức thấp nhất trong 18 năm trở lại đây.
Những cảnh báo lặp lại dự báo của S&P Ratings và Ngân hàng Trung ương châu Âu, cả hai dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 1% nếu thuế quan thương mại được mở rộng. Sự đồng thuận rộng rãi trong dự báo của các tổ chức tài chính và cho vay quốc tế cho thấy chiến tranh thương mại có hại hơn là có lợi, thậm chí nguy cơ chiến tranh thương mại cũng sẽ gây ra không ít tổn hại.
Chính quyền Trump đã bảo vệ các quyết định của mình, viện dẫn lý do vì an ninh quốc gia, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với nhiều nước đối tác, và cần phải hành động để cho các nền kinh tế khác "chơi công bằng" khi nói đến thương mại. Đối với Trung Quốc, Mỹ cũng chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường không bình đẳng và chính phủ Trung Quốc bảo hộ quá mức các ngành công nghiệp của mình.
Một số nhà phân tích thị trường đã dự đoán sự khởi đầu của một cuộc suy thoái khác ở Mỹ trong vòng hai năm tới, với nợ nhiều hơn, lãi suất tăng, các yếu tố chu kỳ và căng thẳng thương mại ngày càng được nhấn mạnh như là nguyên nhân gây suy thoái. Giám đốc điều hành J.P. Morgan Chase, Jamie Dimon, gần đây nhận định chính sách thương mại của chính quyền Trump có thể là một trong những yếu tố kết thúc đà phục hồi của kinh tế Mỹ.
Nhưng một số nhà kinh tế duy trì quan điểm rằng thế giới không hướng đến một cuộc chiến thương mại toàn diện, họ cho rằng những nỗi sợ hãi như vậy đã bị thổi phồng.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang đi vào một cuộc chiến thương mại toàn diện. Đây là những chiến thuật thương lượng", Julien Lafargue, nhà chiến lược vốn chủ sở hữu của châu Âu tại J.P. Morgan Private Bank, nói với CNBC "Squawk Box Europe" hôm thứ Tư.
Và trưởng phòng chiến lược ngoại hối của HSBC, David Bloom, nói trên cùng một chương trình hôm thứ Ba, đã gạt bỏ những gì ông cho là phản ứng quá mức.
"Đó là một chút của thứ gọi là trả đũa bình thường nhưng tôi sẽ không gọi nó là một cuộc chiến thương mại," ông nói. "Những điều này xảy ra. Chúng tôi đã thấy nó dưới thời Bush, tôi nghĩ mọi người đang nhận được một chút báo động về nó."
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush ban hành thuế thép vào năm 2002 như một biện pháp chống bán phá giá, nhưng đã hủy bỏ chúng vào cuối năm 2003. Nhiều nghiên cứu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) và các nhóm khác chỉ ra rằng các chi phí mà thuế quan gây ra vượt quá lợi ích mà chúng đem lại, vì chúng làm tổn thương tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng số việc làm cho người dân Mỹ.