Ngân hàng ồ ạt rao bán xe sang, lô đất trăm tỉ để thu hồi nợ
Hàng loạt lô bất động sản cả trăm tỉ đồng, xe sang được các ngân hàng thương mại tích cực rao bán để thu hồi nợ xấu.
Một trong những ngân hàng đang tích cực thu hồi nợ xấu thông qua phát mại, bán đấu giá tài sản là Sacombank, khi vừa thông báo bán đấu giá hàng loạt tài sản gồm bất động sản, ôtô các loại ở TP HCM và một số địa phương khác.
Cụ thể, Sacombank rao bán đấu giá 37 quyền sử dụng đất diện tích 7,2ha thuộc dự án Khu dân cư dịch vụ Phước Yên (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) với giá 343,4 tỉ đồng. Khu dân cư này gồm đất ở tại nông thôn sử dụng lâu dài và đất thương mại dịch vụ có thời gian sử dụng đất năm 2062 (43 năm).
Nhiều lô đất hàng chục tỉ ở các quận trung tâm TP HCM cũng được đem bán để thu hồi nợ như khu đất trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 diện tích 254m2 giá 63,9 tỉ đồng; bất động sản trên đường Điện Biên Phủ, quận 3 diện tích 270 m2 giá 58 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có khu nhà đất trên đường Nguyễn Biểu, quận 5 diện tích 1.774 m2 giá 195,2 tỉ đồng; dãy nhà đất diện tích lên tới 6.327 m2 ở đường Hòa Bình, quận Tân Phú giá hơn 392 tỉ đồng hay lô bất động sản trên đường D2, quận Bình Thạnh với diện tích 6.382 m2 giá 423,9 tỉ đồng…
Lô bất động sản trên đường Hòa Bình, quận Tân Phú giá khởi điểm 392,35 tỉ đồng được Sacombank rao bán
Trung tâm xử lý nợ của Sacombank cũng thanh lý hàng loạt ôtô con, xe tải các loại để thu hồi nợ. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết trong quý I đã xử lý được khoảng 5.000 tỉ đồng nợ xấu và dự kiến trong năm nay sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ từ 10.000 - 15.000 tỉ đồng để lãi dự thu nhiều hơn.
Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng tích cực bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, nhằm kéo giảm tỉ lệ nợ xấu.
Agribank liên tục thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm, lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm để xử lý nợ. Cụ thể, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn rao bán 2 tài sản thế chấp là 2 lô nhà đất ở đường Tôn Thất Đạm, quận 1 với giá 69 tỉ đồng.
Công ty xử lý nợ của Agribank đang bán đấu giá 18 quyền sử dụng đất ở tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với giá khởi điểm hơn 40 tỉ đồng. Đây là tài sản thế chấp của Công ty CP Du lịch Đất tại Agribank chi nhánh 10 theo hợp đồng tín dụng vay từ năm 2008, đến nay tổng dư nợ gốc và lãi tạm tính là hơn 49,4 tỉ đồng.
VietinBank cũng thông báo bán đấu giá công khai nhiều tài sản thế chấp của khách hàng để thu hồi nợ, nhiều tài sản trong số này đã được rao bán nhiều lần. Như VietinBank chi nhánh Sầm Sơn vừa thông báo bán đấu giá tài sản lần 7 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại đường Nguyễn Du (tỉnh Thanh Hóa) với giá khởi điểm trên 85,2 tỉ đồng.
Trong khi đó, VPBank rao bán hàng loạt xe sang, căn hộ cao cấp là tài sản thế chấp của các khách hàng nhằm thu hồi nợ. Cụ thể, ngân hàng rao bán 1 ôtô Audi A6 giá khởi điểm 1,15 tỉ đồng cùng nhiều xe con, xe tải, xe khách các loại. Hàng loạt căn hộ cao cấp giá từ 2,3 tỉ đồng đến 4,8 tỉ đồng cũng được ngân hàng này đem bán thanh lý để thu hồi nợ…
Trước đó, LienVietPostBank chi nhánh TP HCM đem bán đấu giá khoản nợ có tài sản bảo đảm là quyền thu phí phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP HCM - Trung Lương (giai đoạn 1), theo hình thức BOT và hiện đang trong quá trình thi công. Đây chính là dự án của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, do nữ đại gia 8X Vũ Thị Hoan làm giám đốc. Bà Hoan đã bị Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt tạm giam từ cuối tháng 11 năm ngoái.
Thông tin từ LienVietPostBank, tính đầu tháng 4-2019, khoản nợ tạm tính hơn 457 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 435 tỉ đồng và lãi quá hạn trên 21,9 tỉ đồng. Hiện ngân hàng đang khởi kiện khách hàng tại TAND quận 1, TP HCM để yêu cầu thanh toán khoản nợ.
Hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 1-2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 204.400 tỉ đồng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Năm 2018, hệ thống ngân hàng cũng đã xử lý được khoảng 113.400 tỉ đồng nợ xấu.
Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.