'Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lên'

08/05/2019 16:15 PM | Xã hội

Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng áp lực tỷ giá năm nay vẫn lớn và có vẻ có xu hướng tăng song cũng có một số yếu tố hỗ trợ. Khen Ngân hàng Nhà nước "thông minh" và "thông minh nhất" nhưng ông cũng đặt ra dấu hỏi kèm đề xuất "dần bỏ đi tín phiếu NHNN".

"Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thông minh lên và thông minh nhất. 3 điều NHNN cần làm là tăng sự chủ động, ổn định kỳ vọng kết hợp với sự khéo léo trong sử dụng các công cụ tiền tệ trơn tru, linh hoạt để ứng xử", ông Võ Trí Thàh, nghiên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2019 chủ đề "Để ngân hàng Việt vươn xa" tổ chức sáng nay (8/5) ở Hà Nội, ông Thành cho biết điểm sáng nhất của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ "thông minh, bơm hút tiền rất đúng, chuẩn, phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ nhuần nhuyễn hơn".

Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lên - Ảnh 1.

Chuyên gia Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: TBKTSG.


Về diễn biến tỷ giá năm 2019, theo ông Thành, áp lực vẫn lớn, có vẻ có xu hướng tăng khi cuộc chiến tiền tệ chưa tới hồi kết, địa chính trị... Kinh tế thế giới có thể giảm tốc nhưng giá dầu vẫn tăng và đây là nghịch lý.

Tuy nhiên, theo ông Thành, cũng có những yếu tố tích cực hỗ trợ công tác điều hành tỷ giá trong năm nay như dự trữ ngoại tệ tăng, cán cân thanh toán quốc tế dương do dòng vốn vào Việt Nam khá tích cực. Nhìn tổng thể, lạm phát khoảng 4%, cách ứng xử của NHNN linh hoạt trong sử dụng công cụ và cách điều hành tỷ giá trung tâm và những yếu tố tích cực.

“Tôi tin rằng tỷ giá năm nay biến động có thể có một số thời điểm khác nhưng chỉ khoảng 2%. Năm ngoái tôi đã đúng, mọi người nói 3-5% nhưng tôi nói chỉ 2% và tôi đã đúng”, ông Thành chia sẻ.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, về phía NHNN, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết những năm qua, NHNN có nhiều kịch bản khác nhau. Bước vào 2019, việc để ổn định thị trường cần là ổn định kỳ vọng, muốn ổn định được kỳ vọng cần thuyết phục thị trường.

“Đầu năm, một loạt thách thức đặt ra như kinh tế thế giới giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung... làm cho dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nền kinh tế vĩ mô không ổn định. Tuy nhiên trong bối cảnh đó thì Việt Nam vẫn có dòng vốn chảy vào do có kinh tế vĩ mô ổn định, có sự đánh giá rất tốt với thị trường, nhờ sự chủ động trong điều hành", ông nói.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cũng nhìn nhận những năm gần đây, NHNN đã linh hoạt và điều chỉnh thay vì giữ tỷ giá cố định như trước đây. Điều này tạo cho thị trường niềm tin.

Tranh luận về tín phiếu NHNN

Theo ông Võ Trí Thành, việc phối hợp chính sách tiền tệ, tài khoá đã tốt hơn nhưng có 3 thứ cần suy nghĩ lại cho cả hiện tại và tương lai.

Đầu tiên là khả năng bơm hút tiền của ngân hàng. Câu chuyện lớn nhất là tăng dự trữ ngoại tệ. Việc bơm hút ngoài OMO dựa vào phát hành tín phiếu và về dài hạn thì có 2 điểm tốt: NHNN chịu chi phí, hạn chế sự phát triển nhanh, tốt của thị trường trái phiếu, giấy tờ có giá. Theo ông, đây là cách làm tốt nhưng phát triển thị trường tài chính nói chung cần dần dần bỏ đi tín phiếu.

Thứ hai là việc phối hợp kế hoạch đầu tư trung hạn trong giải ngân và thực thi nên có những giai đoạn chi phí cơ hội của trái phiếu quá lớn, “vay 7% nhưng gửi đâu đó chỉ 2-3%/năm”.

Ngân hàng Nhà nước đang thông minh lên - Ảnh 2.

Các chuyên gia và khách mời thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Quốc Thuỵ.


Điểm cuối cùng là nhiều chuyên gia mong muốn việc phối hợp này tốt, nhưng cần nhìn nhận lại cơ chế để tổ chức Kho bạc Nhà nước gắn với các luồng tiền. Theo ông Thành, đây là yếu tố quan trọng và ông hy vọng có sự quyết liệt trong giải quyết.

Còn theo ông Cấn Văn Lực, chính sách tiền tệ đang “gánh quá nặng” so với chính sách tài khoá trong khi các nước khác không làm vậy. Bản chất các ngân hàng thương mại sinh ra là để cho vay ngắn hạn, nếu cứ cho vay trung, dài hạn là rủi ro. Ông cho rằng về lâu dài thì câu chuyện thể chế cần phải có sự thay đổi.

Phản biện ý kiến của ông Võ Trí Thành, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết khi NHNN mua ngoại tệ thì đồng nghĩa với việc cung ra thị trường lượng tiền đồng lớn. Việc hút tiền về, theo bà, là cả một nghệ thuật. Việc phát hành tín phiếu NHNN và NHNN phải trả chi phí lãi suất cũng là một vấn đề được cân nhắc kỹ.

Thời gian qua, dự trữ ngoại hối tăng lên. Trong khi độ mở của nền kinh tế lớn, hoạt động xuất nhập khẩu trên GDP đã trên 200%, nhập khẩu khoảng 100%, sản xuất trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hoá, máy móc, nguyên vật liệu thì việc tích luỹ ngoại tệ là cần thiết để ổn định chính sách tiền tệ. Thị trường ngoại hối, theo bà, không chỉ bị tác động bởi yếu tố kinh tế mà còn từ kỳ vọng của thị trường nên việc bơm, hút tiền có cân nhắc.

“Áp dụng dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng trong bối cảnh tái cơ cấu khó khả thi, nên chúng tôi áp dụng phát hành tín phiếu. Cách này linh hoạt vì qua đấu thầu. Ngân hàng mua ngoại tệ, bán lại cho NHNN là họ thấy có thanh khoản. Tín phiếu NHNN là công cụ đấu thầu cho các TCTD linh hoạt, vừa hút tiền về mà vẫn không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất”, Phó Thống đốc nói.

Trước ý kiến của ông Võ Trí Thành, bà Hồng cho rằng khi điều hành tiền tệ thì không đặt ra vấn đề chi phí hết bao nhiêu vì mục tiêu cuối cùng vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không có chi phí này thì có biến động về tỷ giá, kinh tế và chi phí đó “là không thể tính toán được”.

Tín phiếu NHNN là một trong những công cụ điều tiết lượng cung tiền của NHNN với cơ chế tương tự như công cụ trái phiếu Chính phủ. Thời hạn của tín phiếu dưới 1 năm tương tự tín phiếu Kho bạc Nhà nước.

Tín phiếu là công cụ chủ yếu để NHNN thực hiện hút bớt lượng tiền dư thừa từ hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát tiền tệ. Khối lượng, kỳ hạn, lãi suất phát hành tín phiếu NHNN phụ thuộc vào diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

NHNN phát hành tín phiếu để thu hút tiền về, giảm lượng tiền trên thị trường để thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc ngược lại mua vào tín phiếu để tăng lượng cung tiền, nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng khi nguy cơ lạm phát cao không còn/giảm.


Theo Quốc Thụy

Cùng chuyên mục
XEM