Ngâm chân tốt cho sức khoẻ, vì sao thành hại thân? 5 đối tượng ngâm chân dễ phản tác dụng

11/02/2022 21:55 PM | Sống

Ngâm chân nước nóng tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng thích hợp ngâm chân nước nóng. Đừng tự cắt ngắn tuổi thọ bằng việc ngâm chân nước nóng nếu bạn thuộc đối tượng sau.

Tử vong sau khi ngâm chân nước nóng

Bà Trương 70 tuổi ở Trung Quốc trong lúc đi mua hàng không cẩn thận bị ngã dẫn đến gãy xương. Trong quá trình điều trị, bà còn mắc thuyên tắc phổi mạn tính, nhưng sau một thời gian trị liệu, bà Trương đã bình phục và xuất viện. Khi xuất viện, bác sĩ nhiều lần căn dặn bà Trương phải uống thuốc chống đông máu đúng giờ.

Nhưng sau khi xuất viện, bà Trương nghĩ mình đã khỏi bệnh nên tự ý ngưng thuốc vì cho rằng uống thuốc chỉ thêm phí tiền. Sau đó, bà lại sợ máu không thể lưu thông nên đã nghĩ đến việc ngâm chân nước nóng để cải thiện.

Tuy nhiên, trong một lần sau khi ngâm chân xong, bà Trương đột nhiên cảm thấy rất khó chịu, khó thở, hụt hơi, người thân trong gia đình thấy bà có biểu hiện bất thường nên đã lập tức đưa bà đi khám. Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, bà Trương được chẩn đoán mắc thuyên tắc phổi. Dù đã được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng cuối cùng bà Trương vẫn không qua khỏi.

Một trường hợp khác là cô Tiết (bút danh), 46 tuổi, ở Hán Khẩu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sau khi tan ca vào tối muộn, cô về nhà ngâm chân và đột ngột ngất xỉu. Sau khi được cấp cứu tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện cô Tiết bị vỡ túi phình động mạch não nguyên nhân do ngâm chân nước nóng vào đêm khuya. Cuối cùng, cô Tiết tử vong do cấp cứu không hiệu quả.

Hai trường hợp tử vong do ngâm chân khiến nhiều người tỏ ra khó hiểu: “Rõ ràng ngâm chân tốt cho sức khỏe, tại sao lại biến thành “hại thân” thế này?

Lợi ích khi ngâm chân nước nóng

1. Giúp cơ thể thư thái, dễ chịu

Những người thường xuyên ngâm chân bằng nước nóng cho biết họ cảm thấy thư thái mỗi khi được ngâm chân.

Điều này là do các mạch máu được phân bố dày đặc ở lòng bàn chân và chân. Vì vậy, khi ngâm chân bằng nước nóng,độ ấm của nước sẽ khiến các động mạch và mao mạch trên bề mặt da giãn ra, khiến lưu lượng máu tăng lên, từ đó đem lại cảm giác thoải mái thư giãn.

2. Giúp an thần, dễ ngủ

Bởi vì lòng bàn chân chứa hệ thống mao mạch và dây thần kinh dày đặc. Ngâm chân bằng nước nóng có tác động tích cực đến hệ thần kinh, kích thích tuần hoàn máu, điều hoà khí huyết và cân bằng cơ thể, từ đó có tác dụng an thần và giúp mọi người dễ dàng tiến vào giấc ngủ sâu.

3. Giảm đau

Ngâm chân trong nước nóng không chỉ có thể thúc đẩy lưu thông máu mà còn giảm căng cơ của bàn chân, giảm đau thắt lưng và đau nhức xương.

Có thể thấy, ngâm chân không chỉ tạo cảm giác dễ chịu mà còn mang lại nhiều lợi ích cho con người, là cách giữ gìn sức khỏe vô cùng tiết kiệm chi phí.

Đối tượng ngâm chân nước nóng cực hại thân

Tuy nhiên, đối với một số nhóm người đặc biệt sẽ không thích hợp ngâm chân nước nóng mà còn phản tác dụng, gây hại cho sức khoẻ.

1. Bệnh nhân tiểu đường

Da bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường tương đối mỏng manh, hầu hết các dây thần kinh ngoại biên ở bàn chân có vấn đề nên không thể cảm nhận nhiệt độ bên ngoài một cách bình thường. Nếu nhiệt độ nước ngâm chân quá cao, họ sẽ rất khó để phát hiện kịp thời và dễ bị bỏng. Nếu bị thương ở chân và không có biện pháp can thiệp kịp thời người bệnh tiểu đường sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, lở loét, hoại tử thậm chí, trường hợp nặng còn phải cắt cụt chi dưới.

 Ngâm chân tốt cho sức khoẻ, vì sao thành hại thân? 5 đối tượng ngâm chân dễ phản tác dụng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Người bị tiểu đường không nên ngâm chân bằng nước nóng

2. Bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch

Suy tĩnh mạch mạn là bệnh lý thường gây phù nề, khó chịu ở chi dưới do tăng áp lực tĩnh mạch chi dưới. Bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch ngâm chân nước nóng sẽ làm tăng lưu lượng máu cục bộ, làm tăng gánh nặng lên tĩnh mạch khiến bệnh tình trầm trọng.

3. Bệnh nhân nấm da chân

Người bị nấm da chân ngâm chân nước nóng không những không có tác dụng diệt khuẩn mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa ngáy, khó chịu. Đặc biệt, nếu ở chân đang có vết thương hở thì ngâm chân nước nóng còn có thể gây ra tình trạng bội nhiễm vi khuẩn.

4. Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch

Những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có chức năng tim yếu, khả năng cung cấp máu kém. Vì vậy, ngâm chân có thể làm giãn mạch máu, khiến máu dồn nhiều xuống phần chi dưới, gây thiếu máu cục bộ và thiếu oxy ở các cơ quan quan trọng như tim và não, gây tức ngực, khó thở và chóng mặt. Ngoài ra, việc ngâm chân bằng nước nóng còn có thể làm tăng nguy cơ ngất, đột tử ở những người mắc bệnh tim mạch.

5. Trẻ em

Trẻ em không nên ngâm chân nước nóng vì chúng đang ở tuổi phát triển, nếu ngâm chân nước nóng sẽ làm cho dây chằng chân trở nên lỏng lẻo, không có lợi cho việc hình thành và duy trì sự phát triển của chân.

Có thể thấy, không phải ai cũng phù hợp để ngâm chân bằng nước nóng. Vì vậy, trước khi ngâm chân mọi người nên tìm hiểu rõ ràng, tránh hại sức khoẻ và gây ra những hậu quả không đáng có.

4 lưu ý cần ghi nhớ khi ngâm chân nước nóng

1. Chậu ngâm chân

Ngâm chân bằng chậu làm từ gỗ là tốt nhất. Đặc biệt, khi ngâm chân bằng nước nóng pha cùng dược liệu thì mọi người cần tránh sử dụng chậu kim loại.

 Ngâm chân tốt cho sức khoẻ, vì sao thành hại thân? 5 đối tượng ngâm chân dễ phản tác dụng - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Nên sử dụng chậu gỗ để ngâm chân

2. Lượng nước

Khi ngâm chân, nếu muốn đạt hiệu quả cao thì lượng nước ngâm chân phải đủ nhiều mới có thể kích thích được toàn bộ huyệt vị nằm trên chân. Mực nước thích hợp để ngâm chân nên nằm dưới mắt cá chân.

3. Nhiệt độ nước

Nhiệt độ cơ thể con người khoảng 36℃ ~ 37℃, nếu muốn ngâm chân đạt công dụng tối đa thì nhiệt độ của nước phải cao hơn thân nhiệt. Nhiệt độ nước thích hợp để ngâm chân nên từ 40-45℃.

4. Thời gian ngâm chân

Chỉ nên ngâm chân khoảng từ 15 - 20 phút và tuyệt đối không ngâm chân quá 30 phút. Bởi vì ngâm chân đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu và làm tăng nhịp tim nên nếu ngâm chân quá lâu dễ làm tăng gánh nặng cho tim. Sau khi ngâm chân, bạn có thể dành 3-5 phút để xoa bóp lòng bàn chân sẽ giúp kích hoạt tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp cải thiện giấc ngủ.

Theo Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM