Nga-Trung Quốc đã bước vào cuộc chơi gián điệp ở thung lũng Silicon như thế nào?
Nhiều quan chức tình báo Mỹ cho rằng, chính là Trung Quốc, chứ không phải Nga mới đặt ra một mối đe dọa tương đương, nếu không nói là lớn hơn, dài hạn hơn…
Kỳ 1: Thung lũng Silicon đã trở thành ổ gián điệp như thế nào?
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Zach Dorfman, thành viên cao cấp của Hội đồng Đạo đức Carnegie, được đăng tải trên tờ Potilico.
Cuộc chiến gián điệp nóng hơn theo đà phát triển của Thung lũng Silicon
Khu vực vịnh San Francisco từng nổi tiếng lịch sử về chủ nghĩa tự do và bây giờ lại mang tiếng về chủ nghĩa tư bản nhưng chưa rõ khu vực này đã được chuẩn bị ra sao để xử lý những chiến thuật tình báo “xã hội hóa” kiểu mới đang leo thang này.
Các công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp thiếu nỗ lực quan tâm để báo cáo tình trạng gián điệp tràn lan đó cho các cấp chính quyền Mỹ, còn các doanh nghiệp và trường đại học thiếu kinh nghiệm thường không biết về hiểm họa gián điệp nên sẽ rất dễ cáo buộc những chính khách địa phương nhạy cảm về chính trị đã quá rập khuôn cứng nhắc nếu những người đó cố gắng thiết lập các biện pháp phòng ngừa và an ninh nghiêm ngặt hơn để đối phó thực trạng này.
Khi Thung lũng Silicon tiếp tục vươn thành tựu khoa học ra chiếm lĩnh thế giới, cuộc chiến gián điệp khu vực sẽ càng trở nên nóng hơn và hệ quả sẽ lan vượt xa Bắc California.
Với kiến thức trực tiếp, hoặc trải nghiệm về các hoạt động phản gíán của Mỹ từ đầu những năm 1970 đến giữa những năm 2000 trong Khu vực vịnh San Francisco, hơn nửa tá cựu quan chức cộng đồng tình báo yêu cầu giấu tên đã thảo luận về các vấn đề nhạy cảm này một cách công khai hơn, đều thống nhất nhận định San Francisco là một nơi tiên phong có những thay đổi trong phòng chống gián điệp nước ngoài.
Hội thảo này cho biết, tình báo Nga đã có một sự quan tâm sâu sắc ở San Francisco từ buổi đầu Chiến tranh Lạnh.
"Thời điểm đó, người Nga chủ yếu thu thập thông tin về các cơ sở quân sự khu vực, trong đó có Presidio, căn cứ quân sự chiến lược cũ nằm ở mũi phía bắc bán đảo San Francisco, nhìn ra cầu Cổng Vàng và từ đó, các hoạt động của Nga đã trở nên mạnh mẽ hơn, chỉ trừ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh dưới thời Gorbachev", Politico dẫn lời các cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết.
Tuy Mỹ vẫn loại được Nga ra khỏi cuộc chơi bởi dấu ấn hiện diện của Palo Alto -cơ quan an ninh mạng ở California tại thời điểm đó nhưng kể từ năm 2000 tình hình đã thay đổi.
Khi khu vực Vịnh tự biến đổi thành một trung tâm công nghệ, Nga đã nỗ lực thích ứng với tình hình mới và tăng cường cài cắm các điệp viên Nga tập trung vào việc thu thập thông tin về các công nghệ có giá trị, nhạy cảm hoặc có năng lực sử dụng kép trong ứng dụng dân sự lẫn quân sự được phát triển hoặc tài trợ bởi các công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại khu vực.
Các hoạt động gián điệp của Nga được cho vẫn theo truyền thống, tập trung tại Lãnh sự quán San Francisco cho đến khi bị chính quyền Tổng thống Trump đóng cửa vào đầu tháng 9 năm 2017.
Nhưng ngay cả khi lãnh sự quán đóng cửa, vẫn có những phương tiện thay thế cho việc thu thập tình báo Nga ở Thung lũng Silicon bởi cơ cấu tiềm năng của Rusnano USA, một công ty con duy nhất của Công ty mẹ Rusnano, là công ty đầu tư mạo hiểm thuộc sở hữu của chính phủ Nga chủ yếu tập trung vào công nghệ nano.
Công ty này được thành lập vào năm 2011 nằm ở Menlo Park, gần Đại học Stanford. Một số hoạt động thu thập tình báo tiềm năng mà Rusnano USA tham gia không chỉ liên quan đến việc mua lại công nghệ, mà còn đưa mọi người vào các nhóm đầu tư mạo hiểm trong xu hướng phát triển các mối quan hệ ở Silicon Valley ở mọi lĩnh vực.
Lợi ích thu hoạch của Rusnano nằm trong việc mở rộng công nghệ với cả các ứng dụng dân sự và quân sự tiềm năng. Tình báo Mỹ rất quan ngại về mối liên hệ giữa các nhân viên của Rusnano USA và các nghi phạm quan chức tình báo Nga đang nằm vùng tại Lãnh sự quán Nga ở San Francisco và các nơi khác.
Tuy nhiên, cho đến nay, công ty Rusnano USA và Đại sứ quán Nga tại Washington vẫn chưa trả lời các bình luận trên.
Nga cũng sử dụng các phương pháp cũ mang tính thực dụng địa phương. Cơ quan tình báo Mỹ đã nghi ngờ rằng các điệp viên Nga đã tranh thủ đội ngũ gái mại dâm cao cấp từ Nga và Đông Âu ở đây sử dụng chiêu thức “bẫy tình” cổ điển của Nga để thu thập thông tin về công nghệ và các lãnh đạo doanh nghiệp.
Một cựu quan chức khác cho biết. "Nếu tôi là một sĩ quan tình báo Nga, và tôi biết rằng những cô gái gọi cao cấp này đang kéo CEO của các công ty lớn về phòng của họ, tôi cũng sẽ trả tiền cho họ để biết thông tin. Đó là toàn bộ ý tưởng săn tin từ các vòng đồng tâm: Bạn không cần phải ở bên trong, bạn chỉ cần ai đó ở bên trong là bạn có thể truy cập."
Tuy nhiên, nếu nói chuyện với những cựu quan chức tình báo, nhiều người sẽ vẫn nói rằng chính là Trung Quốc, chứ không phải Nga mới đặt ra một mối đe dọa tương đương, nếu không nói là lớn hơn, dài hạn hơn…
Kathleen Puckett, người đã làm công tác phản gián trong khu vực Vịnh từ năm 1979 đến 2007 nói : “Họ có những nguồn lực rộng lớn. Họ có mặt mọi lúc trên thế giới với tất cả sự kiên nhẫn. Đó là những gì bạn cần nhiều hơn bất cứ thứ gì ”.
Thung lũng Silicon được cho là ưu tiên hàng đầu về gián đệp mạng và kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc đã vào cuộc chơi như thế nào ?
Bởi tầm quan trọng về kinh tế và chính trị của California cũng như do mức độ lớn rộng, sự hình thành vững chắc, độ ảnh hưởng lớn của những cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, Trung Quốc có điều kiện tập trung vào các hoạt động tình báo ở đây.
California là tiểu bang duy nhất của Mỹ mà Cục tình báo nước ngoài thuộc Tổng Cục An ninh Trung Quốc đã có một đơn vị chuyên trách, tập trung vào các hoạt động tình báo và ảnh hưởng chính trị.
Và nếu vị trí California được nâng cao trong lợi ích của Trung Quốc, San Francisco giống như “niết bàn” cho Bắc Kinh với mục tiêu tiềm năng là các nhà lãnh đạo cộng đồng và chính trị gia địa phương sau này có thể trở thành Thị trưởng, Thống đốc hoặc Nghị sĩ. Những nỗ lực của họ đang ngày càng trở thành một định hướng sâu sắc, tinh tế..
Tình báo Trung Quốc từ lâu đã tập trung giám sát, kiểm soát các công dân Trung Quốc đang du học. Việc sử dụng các Hiệp hội Du học sinh và Nghiên cứu sinh Trung Quốc tại các trường đại học làm cơ chế theo dõi hồ sơ, dẫn đến sự kết nối giữa Hiệp hội CSSA đó trong khuôn khổ riêng lẻ với các cơ sở ngoại giao Trung Quốc tại địa phương khác nhau.
Tuy nhiên mối liên kết giữa các nhóm sinh viên này và các quan chức Trung Quốc là kín đáo.
Nói riêng đến gián điệp kinh tế, tình báo Trung Quốc sử dụng một chiến lược phân tán diện rộng hơn Nga khi họ thu hút các cộng đồng dân số lớn hơn nhiều để đạt được mục tiêu của mình, sử dụng các doanh nhân thực dụng, những người theo chủ nghĩa dân tộc tích cực, sinh viên, du khách cũng như những người khác, cố gắng lấy công nghệ độc quyền từ các mục tiêu đích nhắm hoặc IP càng nhiều, càng nhanh, qua càng nhiều kênh càng tốt.
Tình báo Trung Quốc cũng thực hiện những nỗ lực tập trung tuyển dụng những nhân sự trong các tổ chức có công nghệ mà họ quan tâm. Họ rất giỏi trong việc tuyển dụng người một cách nhẹ nhàng và lợi dụng các lỗ hổng, kể cả bằng đe dọa và rất kiên nhẫn trong việc chắp nối các phần khác nhau lại như một bức tranh ghép hình.