New York Times: Liệu Tổng thống Donald Trump có đang đánh đổi tương lai nước Mỹ chỉ vì “một núi đậu nành”?
Bản phác thảo thỏa thuận thương mại với Trung Quốc lại một lần nữa cho thấy, ông Trump dường như vẫn đang chấp nhận những lợi ích ngắn hạn, thay vì lâu dài cho Hoa Kỳ.
Bán đậu nành cho Trung Quốc thì rất dễ, vì Trung Quốc luôn có hứng thú với các loại nguyên liệu thô. Vốn dĩ đã có một dòng chảy nguyên liệu đậu nành từ miền Trung và Tây nước Mỹ về Trung Quốc. Vì vậy, chẳng có gì là đáng ăn mừng nếu như cam kết của Trung Quốc trong thỏa thuận thương mại lần này là mua đậu nành từ Mỹ.
Giới phê bình và các nhà kinh tế học đang lo ngại rằng: chính quyền ông Trump có thể sẽ đánh đổi lợi ích dài hạn để đạt được cho một chiến thắng chóng vánh.
Thời điểm này đang là cơ hội có một không hai để thúc đẩy quan hệ kinh tế Trung – Mỹ. Nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Trung Quốc vẫn cần công nghệ của Mỹ. Và mặc dù ông Trump không thích chủ nghĩa đa phương, phần lớn các quốc gia khác cũng lo ngại về các chính sách kinh tế và thực tiễn thương mại của Trung Quốc như ông.
Ngài Tổng thống quyết định đơn phương thỏa thuận, thay vì thảo luận với các đồng minh thân cận. Và có lẽ là ông không nên làm thế. Cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng của ông đã gây ra tổn thất đáng kể: nông dân và các nhà xuất khẩu Mỹ mất một thị trường quan trọng; người tiêu dùng Mỹ phải mua đắt rất nhiều hàng hóa.
Nhưng có một điều ông Trump đã đúng: Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh. Câu hỏi là liệu ông có thể giành được những nhượng bộ đáng kể từ phía ông Tập hay không.
Cho dù ông chủ Nhà Trắng muốn thỏa thuận theo cách nào, thì cái đích vẫn là đạt được mục tiêu đã đề ra khi ông bắt đầu cuộc chiến thương mại này: thuyết phục Trung Quốc hạn chế sử dụng trợ cấp nhà nước, các quy định và các hình thức can thiệp không chính thức để thiên vị các công ty Trung Quốc, cản trở công ty Mỹ. Ngược lại, ông sẽ giúp các công ty Trung Quốc bán hàng hóa tại Hoa Kỳ.
Theo tính toán của Brad Setser, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, lượng nhập khẩu sản phẩm Mỹ của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2000. Trung Quốc đang trợ cấp cho các công ty trong nước để thực hiện "thay thế nhập khẩu". Ví dụ, Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc, đang phát triển một máy bay chở khách một lối đi, C919. Chiếc máy bay này nhằm giảm chi tiêu của Trung Quốc cho Boeing 737 - và tạo ra một đối thủ mới cho Boeing trên thị trường toàn cầu.
Robert Lighthizer, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của ông Trump, cho biết chính quyền dự kiến sẽ đạt được tiến bộ đáng kể trong thỏa thuận lần này. Hoa Kỳ tập trung yêu cầu của mình vào việc làm cho các công ty Mỹ dễ dàng hoạt động ở Trung Quốc hơn, bao gồm các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ. Trung Quốc cũng đã có những động thái nhất định để bày tỏ thiện chí, bao gồm lệnh cấm cho việc yêu cầu các công ty nước ngoài chia sẻ công nghệ độc quyền với Trung Quốc.
"Mở rộng công ty Mỹ ở Trung Quốc sẽ có lợi cho các lãnh đạo cấp cao,nhưng không tạo ra việc làm cho công nhân Mỹ", ông Trump nói.
Hơn nữa, bất kỳ lời hứa nào từ Trung Quốc đều cần một cơ chế giám sát thực thi hiệu quả. Hoa Kỳ đã từng thất bại trong việc yêu cầu Trung Quốc thực hiện cam kết thông qua WTO và các cuộc đàm phán song phương.
Hoa Kỳ cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận ngăn chặn thao túng tỷ giá hối đoái. Ngân hàng trung ương Trung Quốc giữ phần lớn USD khiến đồng USD tăng giá, và ngược lại, đồng CNY mất giá, làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn một cách tương đối so với hàng Mỹ - một cách thức cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, rủi ro là ông Trump có thể sẽ chấp nhận một thỏa thuận cho phép ông đạt được một chiến thắng hời hợt, mà không buộc Trung Quốc phải thực hiện những thay đổi lâu dài.
Đặc biệt, Hoa Kỳ nên từ chối mọi đề nghị của Trung Quốc trong việc đảm bảo mua các sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn của Mỹ như đậu nành hoặc các sản phẩm năng lượng như khí đốt tự nhiên. Mà thật ra là bất kỳ loại hàng hóa nào thì cũng đừng nên chấp thuận.
Những thỏa thuận như vậy có thể phục vụ mong muốn của ông Trump, nhằm giảm thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ với Trung Quốc. Nhưng nếu như thế thì tất cả những gì Mỹ đạt được chỉ là hình thức. Sự cân bằng cán cân thương mại đa phương là rất quan trọng, nhưng song phương thì không quan trọng đến thế.
Các chính quyền trong quá khứ đã từ chối các đề nghị tương tự từ Trung Quốc, vì họ quan tâm đến mục tiêu lâu dài của Mỹ. Đó là giảm bớt sự can thiệp thô bạo của chính phủ Trung Quốc đối với nền kinh tế.
Thỏa thuận này cũng sẽ ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ. Nếu Trung Quốc mua nhiều đậu nành từ Bắc Dakota, họ sẽ mua ít hơn từ Brazil. Duy trì một mặt trận thống nhất giữa Mỹ và các đồng minh sẽ giúp đảm bảo rằng Trung Quốc tôn trọng các cam kết của mình hơn. Nếu Mỹ chỉ quan tâm đến việc giành lấy thị phần khó có thể tiếp tục điều đó.
Ông Lighthizer đã lập luận rằng: thỏa thuận với Trung Quốc sẽ là một quá trình trường kỳ, Mỹ không nên ký kết một thỏa thuận làm suy yếu các mục tiêu dài hạn, chỉ để đổi lấy lợi ích phù du.