Nếu muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng cách dọn ngăn nắp giường của bạn

16/07/2016 11:14 AM | Sống

Tại Mỹ Lan, tập đoàn công nghệ cao tại Trà Vinh, công việc đào tạo nhân sự được khởi đầu bằng cách dạy nhân viên cách... đi vệ sinh.

Thuyết cửa sổ vỡ và lập lại trật tự cho New York

Người dân New York chưa bao giờ trải qua thời kỳ đen tối như những năm 1980 khi cả thành phố ngập chìm trong đại dịch tội phạm với 2.000 vụ giết người và 600.000 tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mỗi năm. Tiếng súng vang lên đâu đó mỗi ngày và những vụ trật đường ray xảy ra mỗi tuần.

Thế nhưng tới đầu thập niên 1990, tỷ lệ tội phạm giảm nhanh theo chiều dốc đứng. Các vụ giết người giảm xuống 2/3. Số tội phạm nghiêm trọng giảm xuống 1/2. Các chuyên gia lao vào các cuộc phân tích lý giải cho hiện tượng chuyển biến kỳ lạ này.

Một loạt nguyên nhân tiềm năng bị bác bỏ: Nền kinh tế vẫn trì trệ; dân nghèo bị cắt giảm trợ cấp; đại dịch ma túy giảm trước khi làn sóng tội phạm có dấu hiệu khả quan; số người trẻ (thường chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm người phạm tội) gia tăng.

Vậy đâu là nguyên nhân chính?

Câu trả lời thuyết phục nhất chính là thuyết “cửa sổ vỡ”, do hai nhà tội phạm học James Wilson và George Kelling đưa ra. Hai ông cho rằng: “Nếu một chiếc cửa sổ bị vỡ vụn, cứ để vậy không sửa thì những người đi ngang qua sẽ kết luận rằng không ai quan tâm và chịu trách nhiệm tới việc này. Rồi không lâu sau, những chiếc cửa sổ khác cũng sẽ bị vỡ”.


Cuốn sách: Điểm bùng phát (The tipping point) , Tác giả: Malcom Gladwell

Cuốn sách: Điểm bùng phát (The tipping point) , Tác giả: Malcom Gladwell

New York khi đó có hai tín đồ của thuyết cửa sổ vỡ. Họ đã đưa ra giải pháp vá những chiếc cửa sổ vỡ để tạo lập trật tự cho thành phố.

Người đầu tiên là David Gunn, giám đốc mảng vận tải ngầm của New York, huyết mạch giao thông của 97% người dân thành phố. Khi mới được bổ nhiệm vào giữa những năm 1980, thay vì tập trung vào nạn tội phạm nghiêm trọng đang diễn ra trên toàn tuyến xe điện ngầm, Gunn chú ý tới những hình vẽ graffiti.

Điều này vô ích giống như cố cọ chùi bàn ghế trên tàu Titanic khi nó sắp đâm vào tảng băng vậy. Tuy thế, ông kiên quyết bảo vệ luận điểm của mình: “Chính những hình vẽ graffiti mới là dấu hiệu sự sụp đổ của hệ thống”. Và ông đã đúng.

Gunn cho sơn lại toàn bộ 6.000 chiếc tàu đã bị đám trẻ khoác cho đủ loại áo graffiti trước đó. Đám trẻ phản ứng lại ngay. Chúng tiếp tục sơn các đoàn tàu mỗi khi đêm về. Chúng mất 3 đêm để hoàn thành bức vẽ, nhưng đến sáng hôm sau đoàn tàu đã sạch trơn.

Gunn lạnh lùng thách thức chúng: “Nếu các cậu muốn mất tới 3 đêm để làm bẩn một chiếc xe, điều đó cũng được thôi. Nhưng không bao giờ những hình vẽ đó được thấy bình minh đâu”.

Bọn trẻ khóc mếu. Đòn đầu tiên đánh vào sự mất trật tự, vô tổ chức đã thành công.

Cùng thời điểm đó, người thứ hai, William Barton xuất hiện với tư cách đội trưởng đội cảnh sát an ninh nhà ga. Ông tung ra đòn đánh thứ hai vào nạn trốn lậu vé. Có đến 170.000 người đi lậu vé mỗi ngày và mức phạt chỉ là 1,25 đô la.

Barton chọn ra các nhà ga có nạn trốn vé trầm trọng nhất, cử 10 nhân viên an ninh mặc thường phục ở các vòng xoay. Họ tóm gọn mọi trường hợp trốn lậu vé, còng tay, bắt tập trung vào phòng để khám xét và lập biên bản.

Thật bất ngờ, cứ 7 người khám xét thì có 1 người có lệnh bắt giữ tội phạm từ trước đó; cứ 20 người thì có 1 người mang theo vũ khí.

Như vậy, cửa soát vé đã chặn đứng nhiều nguy cơ tiềm tàng cho các vụ tội phạm trên tàu điện ngầm. Barton đã biến lực lượng an ninh vận tải ngầm thành một tổ chức chỉ chuyên xử lý các vụ phạm tội nhỏ nhất, nhưng với thái độ sát sao nhất.

Đầu những năm 1990, Barton được bổ nhiệm làm giám đốc Sở cảnh sát New York. Ông lại một lần nữa ứng dụng thuyết cửa sổ vỡ. Ông phân tích: “Chúng tôi tăng cường những điều luật cấm xay sỉn, tiểu tiện nơi công cộng, bắt giữ những kẻ phá rối, trong đó có những kẻ vứt bừa chai lọ ra đường...Nếu tiểu tiện bậy ra ngoài đường, anh sẽ bị bỏ tù”.

Như vậy, chỉ bằng việc kiên quyết vá những chiếc cửa sổ nhỏ nhất với quyết tâm cao nhất, hai tín đồ của thuyết cửa sổ vỡ đã góp phần mang lại những ngày bình yên cho thành phố New York.

Muốn làm chuyện lớn hãy bắt đầu từ vá những chiếc cửa sổ vỡ nhỏ

Những ngày gần đây, có khá nhiều diễn biến hỗn loạn. Trên bàn thời sự quốc tế là vấn đề Brexit ở Anh hay hiện tượng Donald Trump ở Mỹ.

Tâm lý hỗn loạn trên mọi lĩnh vực ngày càng tăng cao khi các thông tin tiêu cực xuất hiện với tốc độ chóng mặt và áp đảo trên các phương tiện truyền thông. Vậy đâu là phương án cho sự hỗn loạn trên quy mô lớn này?

Hãy bình tĩnh nhìn lại tình trạng mất kiểm soát thập niên 1980 tại New York như một tham chiếu.

Lời giải có lẽ không phải một chính sách đao to búa lớn nhiều dòng nhiều chữ, mà chỉ là hành động vá những chiếc cửa sổ vỡ nhỏ, thật nhỏ, nhưng với quyết tâm cao nhất và bền bỉ nhất.

Đã có những quốc gia, đã có những tổ chức làm như vậy.

Ở Singapore, thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng kẹo cao su là nguyên nhân của những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất vệ sinh trên đường phố, các nơi công cộng.

Năm 1992, ông ban hành đạo luật phạt tới 100.000 đô la cho bất kỳ người nào mang lậu kẹo cao su vào Singapore, án tù có thể lên tới 2 năm. Người dân ăn kẹo cao su ngoài đường bị phạt 1.000 đô la lần đầu tiên và 10.000 đô la nếu tái phạm lần thứ ba. Nhờ đó mà ngày nay Singapore được thế giới biết tới là một trong những quốc gia sạch nhất.

Tại Mỹ Lan, tập đoàn công nghệ cao tại Trà Vinh, công việc đào tạo nhân sự được khởi đầu bằng cách dạy nhân viên cách...đi vệ sinh. Mọi người đều được dạy từ cách ngồi toa lét, lau sạch bồn rửa mặt sau khi sử dụng để toa lét lúc nào cũng sạch sẽ và khô ráo.

Chọn vá những chiếc cửa sổ vỡ nhỏ từ khu vệ sinh, giờ đây Mỹ Lan được nhiều đối tác quốc tế đánh giá là một nhà máy xanh và sạch đến lạ kỳ ở Việt Nam. Lạ kỳ vì không ít người đến đây từng lầm tưởng đang lạc vào một khu resort 5 sao.

Ở SEAL, lực lượng tinh nhuệ nhất của hải quân Hoa Kỳ, những chiếc giường không gọn gàng được coi là những chiếc cửa sổ vỡ. Mổi buổi sáng, các huấn luyện viên sẽ đến các doanh trại và điều đầu tiên là họ sẽ kiểm tra giường của các học viên. Học viên phải dọn giường của mình một cách hoàn hảo.

Đô đốc William McRaven, người đứng đầu SEAL kể lại: “Chuyện này có vẻ hơi ngây ngô vào thời điểm đó, nhất là dưới ánh sáng của một thực tế hiển nhiên là các học viên đang ước vọng trở thành những chiến binh SEAL thực sự, được tham dự những trận chiến khó khăn đầy chông gai - nhưng, sự "trí tuệ" của hành động tưởng như đơn giản này đã được minh chứng với tôi nhiều lần”.

Gần đây, nhiều nhân vật thành công nhanh chóng từ công nghệ đã tạo cảm hứng mạnh mẽ cho lớp người lao vào cuộc chơi khởi nghiệp với khát khao thay đổi thế giới. Khi nhiều đoàn tàu khởi nghiệp bắt đầu một hành trình mới, có lẽ hãy cân nhắc lời khuyên của đô đốc William McRaven:

Nếu các bạn không thể làm tốt những việc nhỏ nhặt, các bạn sẽ không bao giờ làm tốt được những điều lớn. Nếu các bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng cách dọn dẹp ngăn nắp giường của các bạn.

Tôi biết ít nhất một người bạn đã từng làm điều đó. Anh ta bắt đầu thay đổi bằng việc đặt mục tiêu dậy 5 giờ sáng mỗi ngày. Mỗi lần anh ta làm vỡ cửa sổ này, anh tự nguyện đóng góp một khoản tiền cho một quỹ thiện nguyện.

CATA – Sách và Hành động

Cùng chuyên mục
XEM