[Sách hay] The Great Escape: Sức khoẻ, Sự giàu có, và Nguồn gốc của Bất bình đẳng
The Great Escape trả lời cho câu hỏi làm sao để giảm thiểu khoảng cách bất bình đẳng sâu sắc hiện nay trên thế giới, phải chăng nên có biện pháp nâng cao sức khoẻ cho người nghèo bằng cách viện trợ y tế?
Nội dung nổi bật:
- Bất bình đẳng về thu nhập giữa nhóm quốc gia giàu và nghèo, hay giữa nhóm thượng lưu và người nghèo tại mỗi quốc gia chính là nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng về sức khoẻ dẫn tới khoảng cách bất bình đẳng ngày càng lớn hơn.
- Angus Deaton cho rằng sức khoẻ toàn dân tại các quốc gia kém phát triển chỉ có thể được cải thiện đáng kể đòi hỏi chính phủ tại quốc gia đó đứng ra chịu trách nhiệm hơn là dựa dẫm vào các nguồn viện trợ.
- Trong khi đó, biện pháp cải cách được Angus Deaton chỉ ra qua việc di cư và thương mại bình đẳng hơn có thể giúp hàng triệu người tham gia thoát khỏi cảnh nghèo đói và bệnh tật lại được các nhà nghiên cứu, học giả và đọc giả ủng hộ.
Thông tin sách:
Tên sách: The Great Escape - Health, Wealth, and the Origins of Inequality (tạm dịch: Đại thoái trào - Sức khoẻ, Sự giàu có, và Nguồn gốc của bất bình đẳng)
Tác giả: Angus Deaton
“The Great Escape” được xuất bản tháng 9 năm 2013 bởi Nhà xuất bản Đại học Princeton.
Giới thiệu nội dung:
Theo báo cáo "Toàn cảnh về nghị sự toàn cầu năm 2015" của Hội đồng Nghị sự Toàn cầu (Global Agenda Councils), thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), vấn đề y tế và chăm sóc sức khoẻ ở mỗi quốc gia là một trong những vấn đề nổi bật và được quan tâm của nền kinh tế thế giới trong năm 2015.
Giáo sư Angus Deaton tại Khoa Kinh tế tại Đại học Princeton với chuyên môn nghiên cứu về kinh tế học sức khoẻ, hạnh phúc và phát triển kinh tế đã chỉ ra rằng bất bình đẳng về thu nhập giữa nhóm quốc gia giàu và nghèo, hay giữa nhóm thượng lưu và người nghèo tại mỗi quốc gia chính là nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng về sức khoẻ dẫn tới khoảng cách bất bình đẳng ngày càng lớn hơn.
Tại các quốc gia phát triển như Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Australia hay trong các nhóm thượng lưu tại các quốc gia khác, các khoản thu nhập đã tăng lên, tuổi thọ trung bình tăng lên và tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nhiều so với thời gian trước đây.
Trong khi đó vẫn còn có những nhóm người không được tiếp cận các tiện ích cần thiết cho cuộc sống như giáo dục, nước sạch, sức khoẻ, và thuốc chữa bệnh. Vì vậy, cải thiện khoảng cách về bất bình đẳng được Angus Deaton tiếp cận dưới góc độ thịnh vượng hơn về của cải và tốt hơn về sức khoẻ phản ánh qua việc mọi người trở nên khoẻ mạnh hơn và tuổi thọ trung bình cao hơn.
Một câu hỏi đặt ra là để giảm thiểu khoảng cách bất bình đẳng sâu sắc hiện nay trên thế giới, phải chăng nên có biện pháp nâng cao sức khoẻ cho người nghèo bằng cách viện trợ y tế? Điều đáng ngạc nhiên và gây tranh cãi nhiều nhất từ khi “The Great Escape” được xuất bản chính là câu trả lời của Angus Deaton cho câu hỏi này.
Ông cho rằng ngoại trừ một số ít chương trình thì phần lớn các chương trình viện trợ thường có hại hơn lợi, Angus Deaton khẳng định rằng các nước không phát triển vì viện trợ. Lập luận của ông cho vấn đề này là việc nhận viện trợ làm cho chính phủ của các quốc gia nhận việc trợ trở nên không thật sự gắng kết với người dân mà thay vào đó chính phủ có xu hướng quan tâm hơn đến các quốc gia viện trợ.
Angus Deaton cho rằng sức khoẻ toàn dân tại các quốc gia kém phát triển chỉ có thể được cải thiện đáng kể đòi hỏi chính phủ tại quốc gia đó đứng ra chịu trách nhiệm hơn là dựa dẫm vào các nguồn viện trợ. Vấn đề mà các quốc gia này phải đối mặt là tìm kiếm vắc xin, nghiên cứu về dịch bệnh và biện pháp đẩy lùi nó chứ không phải là tìm cơ quan viện trợ thích hợp.
Ông cũng lưu ý rằng "viện trợ nước ngoài đã cứu hàng triệu sinh mạng ở các nước nghèo" đặc biệt bằng cách giảm tử vong ở trẻ em do bệnh truyền nhiễm. Nhưng vai trò của viện trợ sức khỏe bị hạn chế bởi thực tế rằng nó không giúp xây dựng hệ thống y tế cơ bản của quốc gia. Angus Deaton cho rằng một chính phủ chủ động đối phó với các dịch bệnh, chủ động với chính sách phát triển y tế riêng và có trách nhiệm với người dân mới thực sự tạo ra một sự phát triển bền vững.
Mặc dù kết luận này của Angus Deaton gặp phải nhiều tranh cãi (trong đó có ý kiến trái chiều của Bill Gates và IMF bằng thống kê từ năm 2004 đến năm 2010, tuổi thọ trung bình ở Afghanistan tăng từ 42 tuổi đến 62 tuổi chính là nhờ một phần không nhỏ của chương trình được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế (Agency for International Development) qua nhiều các cơ quan y tế đã cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho hơn 90% dân số Afghanistan) thì các biện pháp cải cách được Angus Deaton chỉ ra qua việc di cư và thương mại bình đẳng hơn có thể giúp hàng triệu người tham gia thoát khỏi cảnh nghèo đói và bệnh tật lại được các nhà nghiên cứu, học giả và đọc giả ủng hộ.
Giới thiệu tác giả:
Angus Deaton là Giáo sư Dwight D. Eisenhower về Kinh tế và các vấn đề Quốc tế tại Trường Nhà nước và các vấn đề Quốc tế Woodrow Wilson và Khoa Kinh tế tại Đại học Princeton. Lĩnh vực nghiên cứu hiện tại của ông là sức khỏe, hạnh phúc, và phát triển kinh tế.
Angus Deaton mang hai quốc tịch Hoa Kỳ và Anh. Ở Anh, ông giảng dạy tại Đại học Cambridge và Đại học Bristol và là nghiên cứu viên tại Học viện Anh Quốc, bên cạnh đó ông còn là một thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ và là thành viên của Hiệp hội kinh tế lượng Hoa Kỳ, năm 1978 Angus Deaton là người đầu tiên nhận Huân chương Frisch của Hội.
Măm 2009 Angus Deaton là Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ. Năm 2012 ông được vinh dự nhận Giải thưởng Thành tựu nền tảng cho Tri thức của BBVA. Angus Deaton được bổ nhiệm làm thành viên của Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ vào tháng 4/2014.
Nghiên cứu hiện tại của ông tập trung vào các yếu tố quyết định sức khỏe ở các nước giàu và nghèo, cũng như về các đo lường nghèo ở Ấn Độ và trên toàn thế giới.
>> [Sách hay] Trillion Dollar Economists: Nhà kinh tế học nghìn tỷ USD
Phương Huỳnh