Nếu hút hết nước khỏi biển, Trái Đất sẽ trông như thế nào?
Dãy núi dài nhất thế giới có đến 90% bộ phận nằm dưới biển, những cầu nối liên kết các lục địa,... đều được bật mí trong đoạn video của NASA này.
Biển bao bọc phần lớn bề mặt của Trái Đất, bao gồm cả dãy núi dài nhất thế giới và những cầu nối cổ xưa mà loài người đã sử dụng để du hành khắp các lục địa. Dựng lại đoạn video từ hồi 2008 của NASA, nhà khoa học hành tinh James O'Donoghue đã cho chúng ta thấy Trái Đất sẽ trông như thế nào nếu lượng nước đó mất đi và để lộ ra phần còn lại của hành tinh.
O'Donoghue hiện đang làm việc tại JAXA, một cơ quan không gian Nhật, và đã từng làm việc tại NASA. Anh đã chỉnh sửa đoạn video do nhà vật lý kiêm sản xuất phim hoạt ảnh Horace Mitchell tạo ra vào năm 2008. Anh làm chậm lại tốc độ video và thêm trình biểu thị lượng nước đã bị rút đi trong xuyên suốt thời lượng của đoạn video.
"Tôi đã làm chậm phân đoạn đầu bởi vì, khá ngạc nhiên, có rất nhiều phong cảnh dưới biển được lộ ra chỉ trong mười mét đầu tiên", O'Donoghue phát biểu.
Các thềm lục địa bao gồm những cầu nối mà loài người ngày xưa đã dùng để di cư từ lục địa sang lục địa. Vài vạn năm về trước, tổ tiên của chúng ta có thể di chuyển từ Châu Âu đến Vương Quốc Anh, từ Nga đến Mỹ và từ Úc đến các hòn đảo xung quanh.
"Khi kỷ băng hà cuối cùng xảy ra, rất nhiều nước biển bị đọng lại trong băng, tương tự với các tảng băng lớn ở hai cực. Đó là lý do các cầu nối lục địa tồn tại", O'Donoghue nói. "Mỗi cầu nối này cho phép loài người di cư và khi kỷ băng hà trôi qua, nước biển lấp những con đường này lại".
Bằng cách loại bỏ đi lượng nước đó, đoạn video cho chúng ta chứng kiến một cái nhìn thoáng qua về thế giới xưa cũ của tổ tiên loài người.
Đồng thời nó cũng chỉ ra dãy núi dài nhất của Trái Đất, xuất hiện sau khi mực nước biển giảm từ 2.000 đến 3.000 mét. Đó là dãy núi nằm giữa đại đương, dài hơn 60.000 km và trải khắp địa cầu. Hơn 90% bộ phận của nó nằm dưới biển.
Các ngọn núi lửa mọc lên tại các vỉa, nơi các mảng kiến tạo của Trái Đất chỉ cách nhau vài cm, từ đó tạo ra đáy đại dương mới khi đá nóng chảy trồi lên từ bên dưới lớp vỏ thực vật.
Một khi hoạt ảnh đã rút đi hơn 6.000 mét, phần lớn lượng nước biển đã biến mất. Nhưng phải cần đến 5.000 mét nữa mới rút cạn vực sâu nhất của rãnh Mariana.
"Tôi rất thích việc hoạt ảnh này tiết lộ rằng đáy đại dương cũng mang đặc tính địa lý đầy phong phú và thú vị như các lục địa", O'Donoghue nói.
Anh nói thêm rằng việc rút cạn nước biện không chỉ khám phá "đáy đại dương, mà còn cả lịch sử cổ xưa của loài người".