'Nếu chúng ta không đầu tư, 50 năm nữa Việt Nam mới có thể đạt chiều cao trung bình 1m72 của thanh niên Nhật Bản hiện tại'

09/06/2017 18:11 PM | Xã hội

Đó là nỗi trăn trở về nguồn nhân lực Việt Nam của Đại biểu Mùa A Vảng, đoàn Đại biểu tỉnh Điện Biên trong phiên thảo luận Quốc hội chiều ngày 9/6.

Năng suất lao động cũng như chất lượng nguồn nhân lực luôn là một yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế đất nước, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Đại biểu A Vảng cho biết: “Trong thời gian qua, năng suất lao động của nước ta đã có sự chuyển biến, cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu kinh tế xã hội mà đất nước ta đã đạt được.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động của nước ta còn thấp so với khu vực, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là khu vực miền núi, đồng báo dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn."

Nếu chúng ta không đầu tư, 50 năm nữa người Việt Nam mới cao bằng người Nhật Bản hiện tại - Ảnh 1.

Đại biểu Mùa A Vảng, đoàn Đại biểu tỉnh Điện Biên

Vị đại biểu đoàn Điện Biện đề cập đến thể chất của lao động Việt Nam như một vấn đề nhức nhối. Trong hơn 30 năm qua, thực tế cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm trên 4,5 cm, thấp hơn chuẩn quốc tế là 13 cm. Như vậy, trung bình mỗi năm, chiều cao chỉ tăng 0,15 cm.

Đặt trong một phép so sánh, ông Vảng nhắc đến trường hợp của đất nước Nhật Bản, với vị thế năm 1950 là một trong số những nước có tầm vóc hạn chế nhất thế giới, tuy nhiên đã cải thiện được chiều cao của người dân lên 10 cm trong liên tục trong 40 năm.

Giờ đây, thanh niên Nhật Bản đã ở mức chiều cao trung bình là 1m72 với nam và 1m57 đối với nữ, chỉ thua kém chiều cao trung bình thế giới có 5cm. Tất cả những điều này, theo vị Đại biểu, là “do có sự quan tâm và sự quyết tâm đầu tư cải thiện tầm vóc dân tộc của Chính phủ Nhật Bản”

“Nếu chúng ta không có sự quan tâm phù hợp thì sẽ mất khoảng 50 năm để phấn đấu, nghĩa là phải đến năm 2050, Việt Nam mới có thể đạt chiều cao trung bình 1m72 của thanh niên Nhật Bản hiện tại” – Đại biểu Mùa A Vảng nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, chất lượng yếu kém của lực lượng lao động cũng thể hiện rõ nét qua những con số thống kê mà ông Vảng đưa ra.

Theo đó, về chất lượng lao động thì theo số liệu thống kê đến năm 2015, cả nước có nếu trên 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên thì đã có tới 42 triệu lao động chưa qua đào tạo.

Đồng thời, tỷ trọng lao động giản đơn lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản là khá cao, chiếm 46% lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế nhưng lại chỉ tạo ra được 17% trong GDP. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chúng ta được chấm 3,79/10 điểm, chỉ xếp thứ 11 trong 12 nước châu Á tham gia xếp hạng.

“Hạn chế về thể chất, về kỹ năng sống, chất lượng làm việc đã khiến thanh niên Việt Nam thiệt thòi nhiều về cơ hội làm việc, đặc biệt với thanh niên nông thôn, dân tộc thiểu số, ở các vùng kinh tế, xã hội khó khăn. Họ chỉ được lao động giản đơn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và tất nhiên là có năng suất lao động rất thấp” – Đại biểu Mùa A Vảng lý giải.

Từ thực trạng trên, đồng thời trước bối cảnh của toàn cầu hóa và làn sóng 4.0 phía trước sẽ yêu cầu một lực lượng lao động có tầm vóc, trí tuệ, thể chất và khả năng thích ứng, không ai khác ngoài Nhà nước, Chính phủ phải là những người tạo ra sự thay đổi.

“Tôi kiến nghị Chính phủ Nhà nước đầu tư quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực” – Ông Vảng nói.

Từ lời kiến nghị này, vị Đại biểu nhấn mạnh đến vai trò chương trình sữa học đường. Mục tiêu cho đến năm 2020, chiều cao trung bình nam thanh niên Việt Nam là 1m67, còn nữ sẽ là 1m56.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM