"Nếu chúng ta không chữa được người bẩn thì sao chống được thực phẩm bẩn!"

22/08/2016 09:29 AM | Sống

"Tôi đã thấy ông ấy vạch quần ra đi tiểu vào chậu tiết dùng để đánh tiết canh rồi dùng tay ngoáy ngoáy... Ông ta bảo làm như vậy tiết nó mới hồng, không đông".

TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa 11 đã bắt đầu câu chuyện về thực phẩm bẩn - thực phẩm sạch với chúng tôi bằng những câu chuyện kinh hãi mà ông được chứng kiến.

Chuyện đi tiểu vào chậu tiết dùng để làm tiết canh và quả táo 6 tháng vẫn tươi

Là một người tiêu dùng, cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay?

TS Vũ Đức Khiển: Tôi kể lại một câu chuyện từ cách đây khá lâu về vấn đề an toàn thực phẩm, đó là vào những năm 1990, khi tôi còn ở Giảng Võ, trong lúc ra hồ Thành Công tập thể dục buổi sáng thì có gặp một người đàn ông đi xích lô, chở một con lợn rất bẩn.

Sau khi đi đến hồ, ông ấy lấy nước dội vào ức con lợn rồi chọc tiết, hứng vào thau, sau đó, ông ấy vạch quần ra đi tiểu vào chậu tiết đó rồi dùng tay ngoáy ngoáy.

Tôi có chạy đến hỏi, tại sao ông lại làm như thế thì ông ta nói tôi không biết gì và làm như vậy tiết nó mới hồng, không đông.

Câu chuyện này xảy ra đã lâu rồi và bây giờ có lẽ người ta đã dùng công nghệ cao hơn, hóa chất nhiều hơn chứ không làm thủ công như thế. Nhưng điều đó cho thấy, vấn đề thực phẩm bẩn diễn ra như thế nào.

Ở đây, vấn đề thực phẩm bẩn thì tôi nói một câu có tính chất kinh điển, đó là trước tiên phải chữa người bẩn đã. Người bẩn làm ra thực phẩm, sản phẩm bẩn đầu độc người khác. Bây giờ, nếu chúng ta không chữa được người bẩn thì sao chống được thực phẩm bẩn.

Người ta trồng hai mảnh rau, một mảnh rau phun thuốc, tưới xanh tốt để bán còn một mảnh rau không có phân bón gì thì để ăn. Người trồng rau như thế là người bẩn bởi người ta ăn rau sạch là tốt còn rau bẩn là không được nhưng người ta vẫn làm.

Tôi là người rất thích ăn táo nhưng không dám ăn, bởi tôi đã mua thử quả táo ở cửa hàng về để đến 6 tháng trời mà vỏ ngoài vẫn vàng ươm nhưng trong thì hỏng hết.

Có người bạn cho tôi mấy quả lê nhưng tôi cũng không dám ăn, tôi để thử thì bên ngoài vỏ vẫn có màu sắc rất đẹp, tuy nhiên, khi bổ ra bên trong thì hỏng hết cả rồi.

Biết là nguy quá nhưng mình không có phương tiện để xét nghiệm, thành ra giờ không dám ăn táo, ăn lê bán trong nước.

Thực sự, đến giờ, có bạn bè hay con cháu đi nước ngoài sang hỏi ông muốn mua gì không thì tôi chỉ bảo mua giúp cho mấy quả táo là quý rồi.

Trước thì tôi chỉ ăn chuối, bưởi nhưng giờ chuối họ cũng giấm bằng chất hóa học, cả một buồng chuối chín vàng ươm đồng loạt. Làm gì có buồng chuối nào chín vàng ươm tất cả cùng một lúc như thế?!

Với gia đình ông hiện nay, thì các loại thực phẩm được chọn dùng như thế nào?

TS Vũ Đức Khiển: Trong gia đình thì vợ tôi vẫn đi mua ngoài và theo như quảng cáo thì mua tại những chỗ cửa hàng rau sạch, thực phẩm sạch. Bây giờ người ta quảng cáo là sạch thì cho là như vậy chứ biết thế nào là sạch - bẩn.

Muốn biết là bẩn thì cần phải có kiểm nghiệm rõ ràng chứ như mình suy luận thì rất khó.

Cần quy rõ trách nhiệm

Vậy, chắc chắn gia đình ông cũng luôn mong muốn sử dụng các thực phẩm sạch được cung cấp từ các địa chỉ có nguồn gốc rõ ràng và đẩy mạnh việc sản xuất các thực phẩm sạch trên cả nước?

TS Vũ Đức Khiển: Gia đình nào cũng mong muốn sử dụng thực phẩm sạch và đẩy mạnh sản xuất thực phẩm, rau sạch.

Nhưng có làm được không thì lại là một vấn đề cũng cần đặt ra. Bởi hiện nay, thực tế, có một bộ phận đang tính toán theo kinh tế thị trường là sản xuất làm sao cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

Cho nên ở đây, tôi mong các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm rõ ràng hơn nữa trong việc quản lý thực phẩm, đảm bảo sạch, an toàn.

PV: Thực tế, việc sản xuất thực phẩm sạch theo nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra thì hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng tại sao ít người làm. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

TS Vũ Đức Khiển: Như báo chí phản ánh thì ngay trong siêu thị thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn có, như vậy thì nguy quá.

Ở đây, rõ ràng là vai trò quản lý của Nhà nước cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu thực phẩm trôi nổi ở thị trường thì phải hủy, xử lý người kinh doanh, buôn bán.

Nếu người mua phải thực phẩm bẩn thì cần yêu cầu người bán bồi thường. Cần phải quy tận gốc như vậy thì mới diệt được thực phẩm bẩn.

Còn đối với việc sản xuất thực phẩm sạch thì cơ chế, chính sách theo tôi cũng đã có nhưng dường như tôi thấy chưa thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Do vậy, muốn phát triển thực phẩm sạch cũng cần quy rõ trách nhiệm của cơ quan nào. Còn để thực phẩm bẩn xuất hiện trên mâm cơm của người dân thì nguy lắm rồi.

ĐĂNG KÝ THAM DỰ DIỄN ĐÀN: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH

Sáng 23.8.2016, tại khách sạn Melia Hà Nội, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH, với sự góp mặt của gần 400 đại biểu, nhà quản lý và những chuyên gia hàng đầu: Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển; TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; Doanh nhân Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH; GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam; Ca sĩ Mỹ Linh; TS. Hoàng Đình Chân, GĐ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt; Ông Nguyễn Đình Toàn. GĐ cao cấp ngành hàng Café – Masan Consumer; Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tich Ủy ban Mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công; Ông Đoàn Văn Vươn

Những người muốn tham dự hội thảo có thể đăng ký TẠI ĐÂY

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM