Nếu bị khó thở, hụt hơi hậu Covid, học ngay 3 kỹ thuật tập thở và các tư thế giảm khó thở ngay tại nhà

04/03/2022 08:59 AM | Sống

Việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp người bệnh hậu Covid cải thiện thể lực; giảm khó thở và tăng sức mạnh cơ.

Rất nhiều người bệnh mắc Covid-19 sau khi xuất viện còn gặp các vấn đề sức khỏe kéo dài như khó thở, yếu cơ, hạn chế vận động và thể lực,… Nhằm giúp cải thiện các vấn đề đó, các bác sỹ tại Khoa hồi phục chức năng- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã đưa ra các bài tập chi tiết về kỹ thuật thở và các tư thế giảm khó thở ngay tại nhà.

1. Kỹ thuật kiểm soát hơi thở

Các kỹ thuật thở dưới đây sẽ giúp bạn thư giãn và kiểm soát hơi thở của mình:

- Ngồi tư thế thoải mái và có chỗ dựa;

- Đặt một tay lên ngực, tay còn lại đặt trên bụng;

- Nhắm mắt lại (nếu điều đó giúp bạn thư giãn còn không thì mở mắt) và tập trung vào hơi thở;

- Từ từ hít vào bằng mũi (hoặc bằng miệng nếu không thở được bằng mũi), sau đó thở ra bằng miệng;

- Khi thở, cố gắng để tay đặt ở bụng nhô ra nhiều hơn tay đặt trên ngực;

- Cố gắng sử dụng ít sức lực nhất có thể làm cho hơi thở của bạn chậm rãi và nhịp nhàng.

2. Cách thở theo nhịp vận động

Áp dụng khi phải thực hiện các hoạt động tiêu tốn nhiều sức lực hoặc làm bạn khó thở:

- Cố gắng chia nhỏ các hoạt động tiêu tốn nhiều sức lực ra thành những hoạt động nhỏ, thành từng bước;

- Hít vào sâu TRƯỚC KHI thực hiện hoạt động, thở ra TRONG KHI thực hiện hoạt động. Ví dụ: Hít vào sâu trước khi bước lên cầu thang và thở ra khi đang bước lên cầu thang;

- Nên hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng một cách nhịp nhàng.

3. Các tư thế giảm bớt khó thở

Các tư thế sau đây không phải tư thế nào cũng hoàn toàn phù hợp với bạn, hãy thử và xem tư thế nào có thể giúp bạn giảm bớt sự khó thở, có thể phối hợp các kỹ thuật thở ở trên khi thực hiện các tư thế này.

Nằm nghiêng đầu cao

Nếu bị khó thở, hụt hơi hậu Covid, học ngay 3 kỹ thuật tập thở và các tư thế giảm khó thở ngay tại nhà - Ảnh 1.

Hình 1

Chuẩn bị 2-3 chiếc gối, nằm nghiêng một bên, dùng gối nâng đỡ đầu và cổ, chân dưới duỗi thẳng, chân trên hơi gập gối, tay để thoải mái.

Ngồi ngả người về phía trước

Nếu bị khó thở, hụt hơi hậu Covid, học ngay 3 kỹ thuật tập thở và các tư thế giảm khó thở ngay tại nhà - Ảnh 2.

Hình 2

Ngồi ngả người về phía trước tựa vào bàn: chuẩn bị một chiếc bàn có độ cao vừa phải và một chiếc gối vuông, ngồi trước bàn, ngả người về phía trước từ phần thắt lưng, đầu cổ dựa vào gối và đặt tay thoải mái trên bàn, có thể ngồi với tư thế này mà không cần gối nếu bạn cảm thấy thoải mái (Hình 2a). Bạn cũng có thể ngồi ngả người về phía trước mà không cần bàn (Hình 2b).

Đứng ngả người về phía trước

Nếu bị khó thở, hụt hơi hậu Covid, học ngay 3 kỹ thuật tập thở và các tư thế giảm khó thở ngay tại nhà - Ảnh 3.

Hình 3,4

Đứng dựa tay vào ghế hoặc bệ cửa sổ hay những bề mặt vững chắc khác như tường, ngả người về phía trước (hình 3).

Đứng dựa lưng

Hai tay để thõng, chân hơi chụm và cách tường khoảng 1 bước chân, dựa lưng vào tường (Hình 4).

4. Nguyên tắc tập luyện

Việc tập luyện thường xuyên giúp người bệnh hậu Covid cải thiện thể lực; giảm khó thở; tăng sức mạnh cơ; cải thiện sự thăng bằng và phối hợp; cải thiện tư duy; giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng; tăng tự tin; tăng cường các hoạt động tích cực...

Về nguyên tắc tập luyện: Người bệnh nên khởi động kỹ trước khi tập, không được dừng tập đột ngột mà phải thực hiện các động tác điều hòa. Bên cạnh đó, nên mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, mang giày tập đầy đủ. Nếu mới ăn xong phải nghỉ ngơi ít nhất 1 tiếng trước khi tập và tránh tập luyện trong thời tiết quá nóng, còn khi quá lạnh hãy tập luyện trong nhà

Nếu trong lúc tập, mọi người cảm thấy buồn nôn hoặc nôn; chóng mặt, choáng váng; ra mồ hôi lạnh; khó thở dữ dội; tức ngực thì nên dừng tập ngay lập tức và ngồi nghỉ để điều hòa lại cơ thể.

Để biết mình có đang tập luyện ở mức độ phù hợp hay không, người bệnh hãy kiểm tra bằng cách nói một câu khoảng 5-7 từ khi tập. Nếu có thể nói hết câu mà không ngừng nghỉ và không khó thở, thì có thể tăng mức độ tập luyện. Ngược lại, không thể nói được hết câu, hoặc chỉ nói được vài từ và cảm thấy khó thở dữ dội thì bạn đang tập quá sức. Còn có thể nói được một câu, nghỉ từ 1-2 lần để lấy hơi và khó thở ở mức vừa đến nặng, thì bạn đang tập luyện ở mức độ phù hợp.

Các lưu ý khi tập luyện

- Hãy hỏi chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi tập nếu: Bạn bị hạn chế vận động do yếu liệt, gẫy xương, ngã… Trước đó hoặc có các bệnh lý mạn tính có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe khi tập luyện hoặc nếu bạn đang thở oxy;

- Cảm giác khó thở khi tập luyện là điều bình thường và nó không có hại hay nguy hiểm, tập luyện với mức độ tăng dần để giảm bớt khó thở;

- Khi tập nếu cảm thấy quá khó thở, hãy giảm tốc độ tập hoặc dừng tập từ từ và nghỉ ngơi đến khi bạn kiểm soát được nhịp thở, áp dụng các tư thế để giảm bớt khó thở như trên;

- Tuân thủ cách quy định về giữ khoảng cách ở nơi bạn tập luyện ngoài trời.

Nguồn: BV ĐH Y Hà Nội

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM