Bác sỹ BV Đại học Y Hà Nội chỉ ra 3 tác nhân dẫn tới những vết loét trên chân của bệnh nhân đái tháo đường

28/02/2022 09:17 AM | Sống

Bệnh nhân đái tháo đường nên thường xuyên quan sát chân của mình để có thể kịp thời phát hiện vết thương dù là nhỏ nhất.

Bệnh nhân tiểu đường thường gặp phải rất nhiều biến chứng nguy hiểm như ở mắt, tim mạch, thần kinh, thận.... Trong đó, không thể kể đến biến chứng bàn chân loét, thậm chí phải cắt cụt chi.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, BV Đại học Y Hà Nội chỉ ra 3 yếu tố tác nhân hàng đầu. Thứ nhất, do đường huyết cao sẽ dẫn đến vữa sơ mạch và làm cho hẹp tắc các động mạch ngoại vi và dòng máu. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng, ít máu nuôi dưỡng bàn chân sẽ làm cho bàn chân khó lành vết thương.

Thứ hai, các biến chứng thần kinh ngoại vi làm cho người bệnh đái tháo đường ít cảm nhận được. Vì vậy những chấn động, chấn thương, va chạm  do chúng ta đi giày dép không đúng cách hoặc là chúng ta bị những chấn thương bên ngoài vào sẽ dẫn đến những vết thương vết loét đó.

Yếu tố thứ 3 là ngay khi có vết thương vết loét thì các con vi khuẩn, nấm lại là những tác nhân làm tình trạng viêm nhiễm thêm phần nặng hơn và khi có vết thương thì nó sẽ khó lành.

Biến chứng bàn chân loét ở bệnh nhân đái tháo đường

Để chăm sóc bàn chân đái tháo đường, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh khuyên mọi người nên thường xuyên quan sát chân của mình để nếu có vết thương dù nhỏ nhất cũng được phát hiện kịp thời.

"Chẳng hạn việc cắt móng chân cũng rất quan trọng đặc biệt là các bạn nữ hay làm đẹp. Chúng ta hay có đoạn cắt khóe móng tức là lấy cái kìm bấm móng chân cho sâu vào trong cạnh của móng chân như vậy sẽ không tốt. Chúng tôi khuyên không được cắt sát vào móng chân và cách ra khoảng 1,2mm để có thể bảo vệ được mép chân. Nếu như có những vết chai chân thì chúng ta nên có sự tư vấn từ bác sĩ để có thể làm mềm vết chai và cắt dần vết chai .

Tuyệt đối không đường dùng những dụng cụ không được vô trùng, không được làm sạch cắt trên vết chai. Bởi những dụng cụ đó có thể dẫn đến những viêm nhiễm bàn chân", PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh cho hay.

Cuối cùng, những bệnh nhân đái tháo đường cần đặc biệt lưu ý, nếu như phát hiện ở chân có vết loét và vết thương thì nên rửa sạch, để khô. Nếu sau một vài ngày thấy vết thương chưa lành thì chúng ta phải đến bác sĩ để tham khảo kịp thời.

Bác sỹ BV Đại học Y Hà Nội chỉ ra 3 tác nhân dẫn tới những vết loét trên chân của bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 2.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM