Nam thanh niên rối loạn tâm thần vì... sắp cưới vợ
Theo chuyên gia người có tính cách cầu toàn, cẩn thận, kỹ tính… rất dễ bị mắc rối loạn về tâm thần.
Cầu toàn quá nên mắc bệnh
Mới đây, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân tính quá cầu toàn mắc rối loạn stress tới điều trị.
Bệnh nhân nữ 38 tuổi làm nghề kế toán bị đau đầu đã 4 năm nay nhưng đi khắp nơi không tìm ra nguyên nhân.
Theo như bệnh nhân chia sẻ, bệnh nhân lấy chồng từ năm 26 tuổi, cuộc sống gia đình ổn định mức trung bình. Sau một thời gian lấy nhau vợ chồng bệnh nhân đã quyết định xây nhà, khi xây phải vay mượn thêm khoảng ¼ số tiền xây dựng.
Trong quá trình xây nhà, chồng bệnh nhân thường đi làm xa, ít về nên gần như không giúp đỡ trong việc chăm con cũng như việc xây nhà.
Điều này khiến cho bệnh nhân phải lo nghĩ nhiều việc, xuất hiện biểu hiện hay căng thẳng lo lắng, đau đầu 2 bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, đêm bệnh nhân khó vào giấc chỉ ngủ được 1-2h/đêm.
Bệnh nhân đã đi khám khắp nơi kết quả bình thường, về nhà uống thuốc nhưng bệnh nhân thấy không đỡ nên lại đi khám bệnh ở cơ sở khác.
Tại Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) được chẩn đoán bị rối loạn stress dạng cơ thể do quá cầu toàn và lo âu.
TS.BS Dương Minh Tâm, chia sẻ về ca bệnh bị rối loạn stress.
Còn trường hợp bệnh nhân nam (28 tuổi làm nghề lái xe) bệnh nhân lo lắng quá mức về việc đám cưới của mình, lo cưới tốn kém không đủ tiền, kèm theo lo lan man nhiều chủ đề như kinh tế, sức khỏe, việc sau cưới có hợp nhau không.
Mặc dù đám cưới đã diễn ra cách đây 5 tháng nhưng bệnh nhân vẫn lo lắng lan man về cưới xin. Ngoài ra, bệnh nhân còn lo sợ sẽ có điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình, như là lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra ngoài đường..
Quan thăm khám bác sĩ phát hiện bệnh nhân là người có tính cách cầu toàn, lo âu, bệnh nhân được chẩn đoán bị stress rối loạn lo âu lan tỏa
Số bệnh nhân đang ngày một tăng
TS.BS Dương Minh Tâm, Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, mối ngày Viện tiếp nhận khám cho khoảng 200 trường hợp nghi ngờ có rối loạn stress. Rối loạn stress hiện nay đang tăng ở Việt Nam và mọi nhóm tuổi đều có nguy cơ mắc.
Stress là một sang chấn tâm lý, xảy ra đột ngột cấp tính như thảm họa, mất mát, đánh nhau, tai nạn, ly hôn… Cũng có thể là sang chấn nhẹ lặp đi lặp lại nhiều lần gây xung đột nội tâm như mâu thuẫn, nợ nần kinh tế, mắc bệnh mãn tính.
Stress không phải là xấu hoàn toàn, vì đôi khi stress là sự đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý. Nói cách khác, phản ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể thích nghi.
Stress gây hại khi, không thích hợp và cơ thể không tạo ra được một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, hành vi sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài.
Ngoài ra, stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh
Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh,
"Stress thường xảy ra với những người hay lo lắng suy nghĩ, dễ xúc động, khó làm chủ được bản thân, tính các cầu toàn, cẩn thận, kỹ tính. Một nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, bệnh chậm hồi phục", TS. Tâm khuyến cáo.
Nguy cơ bùng phát stress còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường, sức khỏe của cá nhân đó.
Các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể:
F40: Các rối loạn lo âu ám ảnh sợ
F41: Các rối loạn lo âu khác: RL hoảng sợ, RL lo âu lan toả, RL hỗn hợp lo âu và trầm cảm…
F42: Rối loạn ám ảnh nghi thức
F43: Phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng
F44: Các rối loạn phân ly
F45: Các rối loạn dạng cơ thể
F48: Các rối loạn tâm căn khác