Năm 2016, tiền BHXH của người dân sẽ được mang đi những đâu?

05/05/2016 09:17 AM | Kinh tế vĩ mô

Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tư nhân sẽ được mang đi mua trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách Nhà nước vay, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 30 quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.

Theo đó, hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện thông qua 5 hình thức theo thứ tự ưu tiên:

1. Mua trái phiếu Chính phủ: Bao gồm các loại tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc và công trái xây dựng Tổ quốc do bộ Tài chính phát hành tại thị trường trong nước.

2. Cho ngân sách nhà nước vay: Mức cho vay do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định căn cứ vào nhu cầu vay của ngân sách nhà nước.

Thời hạn cho vay được tính kể từ ngày cho vay đến ngày thu nợ, thời hạn cho vay cụ thể của từng khoản vay do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Tài chính thỏa thuận nhưng không được quá 10 năm.

3. Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Mức gửi tiền tại các ngân hàng thương mại do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định căn cứ vào phương án đầu tư quỹ đã được Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua.

Thời hạn gửi tiền được tính kể từ ngày gửi đến ngày thu hồi. Thời hạn cụ thể do Bảo hiểm xã hội Việt Nam lựa chọn căn cứ vào từng loại kỳ hạn gửi tiền của ngân hàng thương mại nhưng tối đa không quá 3 năm.

Mức lãi suất gửi tiền thực hiện theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của ngân hàng thương mại nhưng phải đảm bảo không thấp hơn mức trung bình lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn tại thời điểm gửi tiền của 4 chi nhánh trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc 4 ngân hàng thương mại: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Việc lựa chọn 4 chi nhánh thuộc 4 ngân hàng thương mại tương ứng do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.

4. Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành;

5. Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc đầu tư vào hình thức 4 và hình thức 5 ở trên chỉ áp dụng đối với quỹ BHTN; số tiền đầu tư vào hai hình thức này không được vượt quá 20% số dư quỹ BHTN của năm trước liền kề.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về đầu tư của quỹ BHXH, tổng số dư nợ từ đầu tư của các quỹ BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2015 vào khoảng 435.129 tỉ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014.

Trong số này, tiền mua trái phiếu chính phủ là 45.500 tỉ đồng; cho ngân sách nhà nước vay 324.000 tỉ đồng; cho ngân hàng thương mại nhà nước vay 59.629 tỉ đồng; cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ 6.000 tỉ đồng.

Tổng số tiền lời thu được trong năm 2015 khoảng 31.900 tỉ đồng, tăng 6.259 tỉ đồng so với năm 2014; tỉ lệ tiền lãi thực thu tính trên số dư nợ đầu tư bình quân trong năm 2015 khoảng 8,6%.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM