Na Uy phát hiện phóng xạ rò rỉ từ tàu ngầm Nga
Các nhà nghiên cứu Na Uy tuyên bố đã phát hiện phóng xạ rò rỉ từ xác tàu ngầm hạt nhân Komsomolets của Liên Xô. Tàu Komsomolets chìm năm 1989, khiến 42 thủy thủ thiệt mạng.
Theo NRK, chiều 8/7, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu nước từ ống thông gió của xác tàu Komsomolets để kiểm tra nồng độ phóng xạ.
Kết quả cho thấy 2 trong số 3 mẫu nước được xác định an toàn. Mẫu còn lại cho kết quả mức độ phóng xạ cao hơn 100.000 lần so với nước biển thông thường.
“Kết quả này chỉ là sơ bộ. Chúng tôi sẽ kiểm tra các mẫu kỹ lưỡng hơn khi về đất liền. Mức phóng xạ chúng tôi xác định được ở đây là 100 bq/lít”, nhà nghiên cứu Hilde Elise Heldal (Viện Nghiên cứu biển Na Uy) nói.
Dự án chung giữa Nga và Na Uy nhằm đo phóng xạ rò rỉ từ tàu Komsomolets bắt đầu được tiến hành vào thứ Bảy, 6/7, khi tàu nghiên cứu G.O. Sars khởi hành từ một bến cảng ở Tromsø (Na Uy).
Vì Komsomolets nằm khá sâu dưới đáy biển, nên việc thu thập các mẫu nước biển được coi là một thách thức.
Các nhà nghiên cứu buộc phải sử dụng tàu ngầm mini điều khiển từ xa Ægir 6000 của Na Uy để chụp ảnh hiện trường và lấy mẫu vật.
Nhà nghiên cứu Heldal cho biết bà không ngạc nhiên với phát hiện này. Vì các cuộc khảo sát trước đây của Nga và Na Uy cũng đã cho thấy nống độ chất phóng xạ Caesium-137 tăng cao quanh khu vực xác tàu trong giai đoạn năm 1991-1993.
Tàu ngầm hạt nhân Komsomolets của Liên Xô chìm vào ngày 7/4/1989 sau một đám cháy bùng phát trong phòng máy. Tàu gặp nạn ở phía tây nam đảo Bjørnøya (Na Uy). 42 trong số 69 thủy thủ thủy thủ trên tàu đã thiệt mạng. Những người còn lại được thuyền đánh cá cứu sau vài giờ ngâm mình dưới làn nước lạnh như băng.
Hiện tàu Komsomolets nằm ở độ sâu 1.700 mét với một lò phản ứng hạt nhân và hai ngư lôi.