Hòn đảo được tạo ra bằng tính mạng của 800 người đã chính thức biến mất, tồn tại vỏn vẹn 6 năm
Hòn đảo này như thế nào mà cướp đi sinh mạng của đến 800 người chỉ để tồn tại?
Ngoài khơi đất nước Pakistan tồn tại một hòn đảo hết sức đặc biệt. Nó nhỏ thôi, nhưng người ta bảo rằng nó được tạo ra sau khi đã cướp đi sinh mạng của hơn 800 người vô tội.
Hòn đảo có tên Zalzala Koh, nhưng khoan đừng vội phán xét vì chẳng có ai giết người khi xây đảo đâu.
Số là 6 năm trước, có một trận động đất với cường độ lên tới 7,7 độ richter xảy ra tại quận Baluchistan của Pakistan. Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 825 người, nhưng đồng thời kích hoạt núi lửa ở vùng biển xung quanh hoạt động. Kết quả, chúng ta có đảo Zalzala Koh ra đời.
Đảo Zalzala Koh - hòn đảo mọc lên sau khi cướp đi sinh mạng của hơn 800 người
Khi mới hình thành, Zalzala Koh kích cỡ cao 20m, rộng 90m và dài khoảng 40m. Hòn đảo trở thành một điểm thu hút rất nhiều khách du lịch, bất chấp việc trên đảo có hàng chục rãnh nhỏ xả ra khí gas cháy được, cùng khí độc từ núi lửa liên tục thải ra. Mà nhìn bề mặt đảo ở thời điểm đó, ai cũng nghĩ đây là một hòn đảo chết: la liệt xác cá và sinh vật biển, quện lại trong bùn, cát và đá sỏi.
Tuy nhiên vấn đề còn nằm chỗ hòn đảo liên tục bị nước biển xâm thực. Từng đợt thủy triều dâng lên mỗi ngày, từng chút một nhấn chìm hòn đảo xuống đáy đại dương. Để rồi mới đây, những bức hình mới nhất từ vệ sinh Observing-1 và Landsat 8 của NASA xác nhận rằng Zalzala Koh đã chính thức biến mất, sau 6 năm tồn tại.
"Hòn đảo thực sự là một đống hổ lốn của bùn đất dưới đáy biển được đẩy lên," - Bill Barnhart, chuyên gia địa chất học phát biểu vào năm 2013.
"Đây là khu vực hết sức phù hợp để câu chuyện này xảy ra. Chúng ta cần một lớp khí nén được chôn nông - có thể là methane, CO2... Và khi lớp này gặp sóng địa chất, lớp khí sẽ đẩy đá và bùn dưới đáy lên trên."
Hiện tượng này vốn rất phổ biến tại các nơi có hoạt động địa chất lớn, nơi giao nhau giữa các mảng địa chất làm tăng tỷ lệ va chạm, khiến động đất xảy ra.
Với trường hợp của Zalzala Koh, trận động đất năm 2013 đã khiến lớp địa chất bên dưới bị rung chuyển dữ dội, đẩy bùn và khí lên tạo thành bề mặt đảo.