Mỹ và 3 "ông lớn" Nga-Trung-Ấn: Cuộc chơi đẳng cấp của Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và sắp tới có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị G20.
Tổng thống Trump với Trung Quốc-Ấn Độ-Nga
Thời điểm có thể ngẫu nhiên nhưng cũng có thể được chủ ý lựa chọn, nhưng dù thế nào thì thời điểm cũng giúp đưa tại hiệu ứng cộng hưởng cho các bên liên quan là Mỹ, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, cũng như cho cá nhân lãnh đạo bốn nước này là các ông Donald Trump, Narendra Modi, Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Sự kiện được đề cập đến là cuộc gặp lần đầu tiên giữa ông Trump và ông Modi ở Mỹ, giữa ông Trump và ông Putin cùng với việc ông Trump và ông Tập Cận Bình lại gặp nhau ở bên lề hội nghị cấp cao sắp tới của nhóm G20 tại thành phố Hamburg của Đức.
Theo những phát biểu trước báo chí của Tổng thống Trump sau cuộc hội ngộ Thủ tướng Modi ở Mỹ thì quan hệ Mỹ-Ấn Độ hiện như thể không tốt đẹp hơn được nữa. Ông Trump coi đó là bằng chứng về việc thực hiện cam kết tranh cử tổng thống là thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác của Mỹ với Ấn Độ.
Liên quan đến Nga, nhiều cộng sự và chính khách ở Mỹ hiện không muốn và ngăn cản ông Trump gặp ông Putin trong mấy ngày tới, cho rằng cuộc gặp này chỉ lợi bất cập hại đối với cá nhân tổng thống. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, ông Trump không những vẫn duy trì ý định gặp ông Putin mà còn chủ trương biến nó thành cuộc gặp gỡ làm việc thực sự, muốn thực chất chứ không hình thức.
Ông Trump gặp ông Modi và ông Putin lần đầu tiên kể từ khi chính thức nhậm chức tổng thống ở Mỹ trong khi sẽ gặp ông Tập Cận Bình lần thứ 2 sau thời gian ngắn. Có thể thấy được qua đó ông Trump coi trọng như thế nào mối quan hệ của Mỹ với ba đối tác này và mối quan hệ cá nhân của mình với lãnh đạo hiện tại của ba đối tác này.
Không phải Canada hay Mexico là những nước láng giềng có chung biên giới với Mỹ, cũng không phải EU hay NATO vốn là những đối tác chiến lược và đồng minh quân sự truyền thống, không phải đối tác nào đó ở Mỹ Latinh và lại càng không thấy có ai ở châu Phi mà hiện chỉ có 3 đối tác này buộc ông Trump phải lưu tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác và chấp nhận trả giá không hề rẻ để có được những kết quả mà ông muốn có và cần phải có trong nhiệm kỳ này.
Cuộc chơi đẳng cấp riêng
Cái gì cũng có nguyên do của nó. Ông chủ Nhà Trắng từng tuyên chiến với những đối tác xuất siêu trong quan hệ trao đổi thương mại với Mỹ. Ấn Độ xuất siêu sang Mỹ năm ngoái 30 tỷ USD, Trung Quốc còn gấp nhiều hơn thế mười mấy lần - nhưng thực tế này không cản ông Trump thân thiện và hợp tác chứ không thù ghét và đối đầu với hai đối tác này.
Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, bị chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ cùng EU trừng phạt vì sáp nhập Crimea và cáo buộc ảnh hưởng ở Ukraine. Người tiền nhiệm Barack Obama đã làm cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga sa sút trầm trọng - không có chuyến thăm chính thức nào giữa hai nước mà chỉ có mỗi cuộc gặp ở bên ngoài nước Mỹ năm 2015, tức là một năm trước khi ông Obama kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống.
Từ góc độ chính trị nội bộ hiện tại ở Mỹ mà nhìn nhận thì càng vội vã và mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác Nga-Mỹ vào thời điểm hiện tại thì càng bất lợi, thậm chí cả nguy hiểm nữa đối với ông Trump. Vậy mà cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin vẫn được thu xếp.
Nếu những dàn xếp ngoại giao này được thực hiện thì có thể nói không phải 2 cuộc gặp song phương này diễn ra bên lề hội nghị cấp cao nhóm G20 mà ngược lại thì đúng với thực chất hơn.
Ông Trump cầm quyền không như những người tiền nhiệm, quyết đoán chứ không lệ thuộc vào tư vấn từ bên ngoài. Nhiều khi, ông còn chủ định dùng việc biểu hiện không nghe theo tư vấn để chứng tỏ quyền lực. Nhưng sâu xa ở đằng sau và quyết định nhất là cách tiếp cận thực dụng mà có thể hiểu nôm na rằng "nguyên tắc là không nguyên tắc" và "nguyên tắc là thực dụng".
Ông Trump cần Trung Quốc để xử lý vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nên đã sẵn sàng bỏ qua, nhưng chắc chỉ nhất thời thôi, mọi dự định hành động quyết liệt đối với Trung Quốc.
Trung Quốc xuất siêu lớn đến thế với Mỹ mà ông Trump còn làm ngơ thì mức độ xuất siêu của Ấn Độ có đáng là gì trong khi Mỹ lại bán được máy bay cho Ấn Độ trị giá 365 triệu USD và cung ứng máy bay không người lái cho Ấn Độ trị giá 2 tỷ USD. Còn bất đồng quan điểm về bảo vệ khí hậu trái đất đâu phải là đặc thù cho bất đồng quan điểm trong quan hệ hợp tác song phương.
Tổng thống Trump biết rằng chỉ khi hợp tác với Nga chứ không phải bằng cách đối đầu Nga thì Mỹ mới có thể đạt được những mục tiêu chiến lược theo đuổi lâu nay, mà ông sắp xếp lại ưu tiên ở Afghanistan, Iraq và Syria cũng như trong vấn đề chống khủng bố, tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nói chung và đối phó Iran. Thực dụng ở đây là mục đích thần thánh hoá công cụ.
Từ góc độ địa chiến lược và địa chính trị, ba đối tác kia hùng cứ ở những khu vực quan trọng trên thế giới và đồng thời cũng quan trọng nhất đối với Mỹ. Rõ ràng là ông Trump đang gây dựng cuộc chơi đẳng cấp riêng và muốn có những "chốt riêng cho Mỹ" ở những khu vực này để xử lý lợi ích của Mỹ: Với Trung Quốc là chuyện Triều Tiên và an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương, với Ấn Độ là chuyện ở Nam Á và Ấn Độ Dương, với Nga là chuyện ở Ukraine, Syria và Iran.
Vấn đề ở đây không phải là thiết kế trật trự thế giới mới mà là cơ chế mới để xử lý những vấn đề chính trị thời sự của thế giới mà 4 nước này cho rằng cuộc chơi đẳng cấp này là cách tốt nhất giúp họ thực hiện được mục tiêu chiến lược đề ra.