Mỹ - Trung lưỡng bại câu thương: Doanh nghiệp Mỹ lao đao, doanh nghiệp ngoại cũng mệt mỏi khi Trung Quốc không còn là "người châu Á điên tiền"?

29/05/2019 08:30 AM | Kinh doanh

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các chính sách áp thuế mới lên hàng hóa từ Bắc Kinh sẽ đem lại cho Mỹ hàng tỷ USD liệu chỉ đúng một nửa ? Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Mỹ được cảnh báo rằng tình thế kinh doanh không chỉ khó khăn trên nước mình mà còn lao đao trên đất khách khi đời sống kinh tế Trung Quốc không còn xa xỉ như những điều mắt thấy trong bộ phim The Crazy Rich Asian - hiểu hài hước là người châu Á điên tiền.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ sẽ lao đao?

Thuế quan cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dĩ nhiên mang lại lợi ích nhất thời cho kinh tế Mỹ, tuy nhiên, các công ty Mỹ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các chính sách này. Họ phải tăng giá bán hàng hóa và người tiêu dùng Mỹ nhiều khả năng “nếm trái đắng” vì những tác động ngược.

Phó chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) David French cho rằng người Mỹ chính là những người chịu thiệt bởi các loại thuế quan trả đũa Trung Quốc. "Thuế nhập khẩu là các loại thuế do doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải trả, không phải là Trung Quốc", ông French lưu ý.

Theo hãng nghiên cứu Trade Partnership tính toán, việc áp mức thuế 25% lên hàng Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu hàng năm của một hộ gia đình 4 người lên khoảng 767 USD. Bên cạnh đó, quyết định này được cho sẽ ảnh hưởng đến 1 triệu việc làm.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Mỹ thực sự cũng dễ bị tổn thương giống như các doanh nghiệp SME tại Trung Quốc. Ví dụ, công ty xe đạp Brooklyn tại thành phố New York đang phải đối mặt với những khó khăn do việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc đem lại.

Ông Ryan Zagata, Chủ sở hữu Công ty xe đạp Brooklyn, cho biết: "Với mỗi 100 USD chi vào việc sản xuất xe đạp, chúng tôi trả 5,5 USD tiền thuế. Kể từ tháng 9/2018, chúng tôi trả thêm 10 USD, tổng cộng là 15,5 USD. Với mức thuế mới bổ sung trong mấy tháng đầu năm 2019, giờ là thêm 15 USD. Như vậy, chúng tôi bỏ ra 30,5 USD tiền thuế cho mỗi chiếc xe đạp có giá 100 USD".

Với ngành công nghiệp điện tử, các nhà phân tích dự đoán nhiều hãng kinh doanh hàng điện tử sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thuế quan mới. Best Buy từng cho biết khoảng 7% hàng hóa của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan.

Hãng Morgan Stanley ước tính, mẫu iPhone XS với giá khởi điểm 1.000 USD có thể tăng giá thành thêm 160 USD sau khi số hàng hóa 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc bị áp thuế 10% lên 25% hồi tháng 5.

Gã khổng lồ Apple có thể giải quyết vấn đề bằng hai cách, tăng giá bán hoặc chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn. Morgan Stanley nghiêng về khả năng Apple chọn giải pháp thứ hai. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa cổ phiếu của Apple có thể giảm khoảng 3 USD trong năm 2020.

Mỹ - Trung lưỡng bại câu thương: Doanh nghiệp Mỹ lao đao, doanh nghiệp ngoại cũng mệt mỏi khi Trung Quốc không còn là người châu Á điên tiền? - Ảnh 1.

Thuế quan cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc dĩ nhiên mang lại lợi ích nhất thời cho kinh tế Mỹ, tuy nhiên, các công ty Mỹ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các chính sách này. Họ phải tăng giá bán hàng hóa và người tiêu dùng Mỹ nhiều khả năng “nếm trái đắng” vì những tác động ngược


Doanh nghiệp ngoại mệt mỏi khi Trung Quốc không còn là "Người châu Á điên tiền"?

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm 2018 ước đạt hơn 12,2 nghìn tỷ USD, nếu tính theo sức mua tương đương (GDP PPP) đạt 27,3 nghìn tỷ USD - trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới.

Trung Quốc chiếm tỷ trọng 16,1% nền kinh tế toàn cầu và tăng trưởng ở Trung Quốc dự kiến đạt hơn 6% trong năm 2019.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc đang gánh một khoản nợ khổng lồ và khả năng trả nợ phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế nhằm tạo ra lợi nhuận và nguồn thu từ thuế.

Tăng trưởng chậm là thách thức đối với chính phủ Trung Quốc trong việc ngăn chặn tích tụ nợ công và nợ tư. Theo tính toán của Bloomberg Economics, mức nợ của Trung Quốc sẽ đạt hơn 300% GDP trong năm 2022.

Trong năm 2019, tập đoàn Apple lần đầu tiên cắt giảm doanh thu dự kiến sau gần 20 năm gia nhập thị trường này. Nguyên nhân là thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống và nhu cầu tiêu dùng giảm tốc tại Trung Quốc.

Starbucks từng rất thành công khi chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, hãng này cũng bắt đầu tăng trưởng chậm lại vào năm 2018. Jaguar Land Rover cũng phải đóng cửa một nhà máy ở Mỹ, do nhu cầu thấp ở Trung Quốc.

Những doanh nghiệp đại gia nói trên là điển hình cho hàng nghìn doanh nghiệp ngoại chịu ảnh hưởng khi nền kinh tế Trung Quốc lao dốc.

Người Trung Quốc tiêu dùng tới 1/3 sản lượng hàng hóa xa xỉ toàn cầu vào năm 2017, khiến các công ty như Louis Vuitton, Gucci và Hermès hốt bạc từ quốc gia này.

Du khách Trung Quốc tạo ra 1/5 doanh thu từ du lịch quốc tế, gần gấp đôi so với Mỹ. Kinh tế Trung Quốc khó khăn, nguy cơ phá giá tiền tệ, việc xuất nhập cảnh khó khăn sẽ làm cho tương lai thị trường du lịch toàn cầu ảm đạm.

Khi thuế quan vào Mỹ gia tăng, các công ty xuất khẩu Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại từ 75 đến hơn 100 tỷ USD. Mạng lưới sản xuất của Trung Quốc có thể bị thương tổn khá lớn vì các công ty phải cố hạ giá thành sản xuất, cạnh tranh gay gắt lẫn nhau để tiếp cận thị trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân Dân Tệ hơn 7,5% để giảm thiểu tác hại từ hàng rào thuế quan mới của Mỹ. Nhưng việc này không kéo dài được lâu. Một khi đồng Nhân Dân Tệ quá yếu sẽ khiến sức mạnh lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc bị thương tổn và dẫn đến việc mất lòng tin của nhà đầu tư.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM