Mỹ gặp 'đại khủng hoảng' thịt vì Covid-19
Công nhân mắc Covid-19, nhà máy phải đóng cửa, cung thiếu hụt mà cầu cao khiến nước Mỹ lâm vào "đại khủng hoảng" thịt.
Đại dịch Covid-19 đang tàn phá nhiều ngành kinh doanh trên thế giới, từ nông nghiệp, sản xuất ô tô cho đến những nhà bán lẻ. Tuy nhiên tại Mỹ thời gian gần đây, giới truyền thông lại chú ý nhiều hơn đến ngành thịt bởi mảng này đang trong cơn đại khủng hoảng.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng nền kinh tế số 1 thế giới với hệ thống chăn nuôi, thực phẩm có tiêu chuẩn hàng đầu quốc tế lại đang gặp khó trong sản xuất thịt. Vài tuần trở lại đây, một số hãng cung ứng thịt lớn tại Mỹ đã buộc phải đóng cửa do có công nhân nhiễm Sars nCov2. Liên đoàn lao động thực phẩm và thương mại quốc tế (UFCWIU) dự đoán khoảng 20 lao động làm việc trong các nhà máy thịt tại Mỹ đã thiệt mạng.
Mỹ đang gặp khủng hoảng về thịt?
Thậm chí, một số giám đốc trong ngành cảnh báo tình hình có thể còn tồi tệ hơn và nguồn cung thịt tại Mỹ sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Chủ tịch John Tyson của hãng TSN cảnh báo nguồn cung thịt sẽ bị giới hạn nếu các nhà máy tiếp tục bị đóng cửa như hiện nay.
Đồng quan điểm, Giáo sư Jeff Sindelar của trường đại học Wisconsin cũng cho rằng nếu các nhà máy thịt tiếp tục phải đóng cửa như hiện nay thì những mặt hàng liên quan đến thịt đương nhiên sẽ phải tăng giá do thiếu cung.
Vậy tại sao ngành thịt của Mỹ lại chịu ảnh hưởng nặng đến như vậy trong khi lao động của nhiều mảng kinh doanh khác cũng bị nhiễm dịch?
Ngành kinh doanh không dành cho giãn cách xã hội
Trong nhiều năm, các nhà sản xuất thịt lớn tại Mỹ đã cố gắng giảm chi phí cũng như nâng cao năng suất nhằm tăng lợi nhuận. Chính điều này đã làm giảm tiêu chuẩn lao động trong các xưởng thịt của Mỹ ngay cả trước khi dịch Covid-19 diễn ra.
Theo Cơ quan quản lý an toàn và sức khỏe nghề tại Mỹ (OSHA), ngành thịt tại Mỹ có rất nhiều vấn đề về an toàn lao động. Từ tiêu chuẩn tiếng ồn, trang thiết bị cũ kỹ nguy hiểm, sàn nhà trơn trượt, mất vệ sinh cho đến việc nhiễm những hóa chất độc hại đều đã xuất hiện.
Giám đốc Ben Lilliston cu8ar Viện chính sách nông nghiệp thương mại Mỹ (IATP) cho biết ngành thịt trong nhiều năm qua đã bất chấp các tiêu chuẩn để gia tăng sản lượng thịt đưa ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Mỹ.
Thói quen ăn uống khiến lượng tiêu thụ thịt tại Mỹ khá cao
Văn hóa ăn uống chuộng thịt nướng, xúc xích hay các đồ giàu chất đạm khiến nhu cầu tiêu thụ thịt của người Mỹ cao hơn nhiều so với những quốc gia Châu Á. Hậu quả là các phân xưởng sản xuất đứng đầy lao động sát nhau dù chúng vi phạm tiêu chuẩn làm việc trong ngành.
Mặc dù những nhân công trong ngành có đồ bảo hộ cũng như không tiếp xúc trực tiếp với thịt mà qua máy móc nhưng môi trường lây nhiễm là rất cao. Đặc biệt với những dịch bệnh dễ lây như Covid-19, việc các nhân công đứng gần nhau là điều vô cùng nguy hiểm.
Theo chuyên gia kinh tế Steve Meyer của hãng tư vấn Kerns and Associates, hầu như chẳng có quan chức nào tại Mỹ đặt câu hỏi về việc tại sao lao động trong ngành thịt lại đứng gần nhau hơn bất cứ ngành nào khác, chỉ vào khoảng 3-4 feet (0.9-1,2m) mỗi người.
Quy định tại Mỹ yêu cầu các lao động phải đứng giãn cách tối thiểu 6 feet (1,8m) nhằm tránh lây lan những dịch bệnh như Covid-19.
Một số hãng thịt lớn tại Mỹ như Smithfield, Tyson đang cố gắng để cân bằng giữa quy định chống dịch Covid-19 với việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Những biện pháp như kiểm tra nhiệt độ hay đeo thêm đồ bảo hộ đã được tiến hành. Tuy nhiên việc giãn cách lao động lại là vấn đề khó bởi nếu muốn duy trì nhân lực cùng năng suất, họ buộc phải mở rộng diện tích nhà máy cũng như thiết bị, vốn tốn nhiều chi phí.
Trong một thông cáo vào tuần trước, hãng thịt Smithfield cho biết ngành sản xuất này vốn được thiết kế để tập trung lao động cho mỗi dây truyền sản xuất và không thích hợp cho những biện pháp giãn cách xã hội hiện nay. Công ty cho biết mình đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ nhân công nhưng việc giãn cách xã hội là một điều kiện không thực tế trong ngành thịt hiện nay.
Không gian là tiền bạc
Trên thực tế, các nhà máy thịt có thể nới rộng khoảng cách giữa các lao động nhưng điều này lại tốn thêm chi phí, qua đó vi phạm mục tiêu hạ chi tiêu tăng năng suất để kiếm lợi nhuận.
"Không gian là tiền bạc", chuyên gia kinh tế Steve Meyer nhận định về ngành thịt tại Mỹ.
Những nhà máy thịt lớn tại Mỹ như Tyson đã phải đóng cửa vài phân xưởng vì dịch Covid-19
Với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tạo không gian cho lao động trong dây truyền thịt đang là vấn đề mấu chốt. Việc giảm lao động vì giãn cách sẽ khiến năng suất cả dây truyền đi xuống, qua đó hạ sản lượng và làm tăng giá thịt trên thị trường.
Hiện nay, thuê nhân lực vẫn là biện pháp được các nhà máy thịt ưu tiên bởi chúng tiết kiệm chi phí. Nghe có vẻ trớ trêu nhưng dù một số nhà máy đã thực hiện tự động hóa nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả và chi phí như mong muốn. Nhân lực vẫn là lựa chọn hàng đầu của các nhà máy bởi họ có thể xử lý những công đoạn phức tạp và sửa lỗi ngay tại dây truyền.
Thậm chí, nhiều nhà máy tự động hóa vẫn cần nhân lực cho việc mổ thịt động vật, vốn là công đoạn chưa thể thay thế.
Bên cạnh đó, việc các trang trại tại Mỹ lao đao vì nhiều nhà máy thịt đóng cửa cũng tạo nên mối nguy hiểm tiềm tàng cho thị trường. Việc nhiều trang trại phá sản hoặc vứt bỏ nông sản sẽ khiến ngành nông nghiệp Mỹ khó kiếm nguyên liệu sau khi biện pháp giãn cách chấm dứt và nhà máy mở cửa trở lại.