Muốn sáng tạo như người khác nhưng giữ mãi những ngộ nhân đóng khung sau thì muôn đời bạn không thể khá lên được

25/07/2018 10:26 AM | Sống

Ai cũng có khả năng sáng tạo. Thế nhưng, không ít người trong xã hội chúng ta vẫn tin rằng có những người bẩm sinh đã sáng tạo, số còn lại thì không. Sự thật hoàn toàn không phải vậy. Hãy cùng xem xét một vài hiểu lầm về sự sáng tạo thường thấy.

Phút đột nhiên lĩnh ngộ

Đôi khi có vẻ như những ý tưởng mới xuất hiện trong một phút xuất thần lĩnh ngộ. Nhưng các nghiên cứu đã cho thấy sự lĩnh ngộ đó thật ra chính là điểm hoàn tất của quá trình giải quyết vấn đề trong một khoảng thời gian. Ai cũng nhớ tới chuyến bay thành công đầu tiên của anh em nhà Wright, chứ không phải ba năm thử nghiệm và thất bại trước đó. 

Chúng ta ghi nhớ thứ nào có hiệu quả, thứ nào không và tiếp tục phát triển từ đó. Tiếp theo chúng ta lại từ từ ấp ủ suy nghĩ này trong tiềm thức, trong lúc kết nối các mạch ý cho tới khi ý tưởng xuất hiện như những sáng kiến mới mà ta vẫn nói "tôi vừa nảy ra ý này". Steve Jobs đã từng nói:

Sự sáng tạo chỉ là việc kết nối mọi thứ lại. Khi bạn hỏi những người sáng tạo cách họ làm được một việc gì đó, họ sẽ cảm thấy phần nào có lỗi bởi họ không thật sự làm nó – họ chỉ thấy được một thứ gì đó thôi. Sau một thời gian, nó trở nên thật rõ ràng trước mắt họ. Đó là bởi họ có thể kết nối những kinh nghiệm có được và tổng hợp nên những điều mới mẻ.

Gen sáng tạo

Có biết bao người tin rằng khả năng sáng tạo là một đặc điểm vốn có trong ADN hoặc gen một người. Và thật ra nếu bố mẹ hay người thân của bạn là những nhà thiết kế hay nghệ sĩ đầy sáng tạo, bạn cũng sẽ sáng tạo thôi. Song bằng chứng lại không đứng về phía quan niệm này. 

Năm 2009, các nhà nghiên cứu đã công bố một nghiên cứu trên tờ Havard Business Review với kết luận rằng sự sáng tạo có 20% do yếu tố di truyền và 80% là hành vi học được. Những người tự tin và bỏ nhiều công sức giải quyết một vấn đề nhất chính là những người có khả năng nghĩ ra giải pháp sáng tạo và đổi mới nhất. 

Bạn có chắc chắn là một người có bố mẹ từng làm luật sư và nhà truyền giáo phi lợi nhuận sẽ sáng tạo không? Nếu anh ấy chỉ biết lập trình máy tính thì sao? Thế Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, có sáng tạo không? Khỏi phải bàn.

Ý tưởng độc đáo

Theo Sách được viết vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, "vạn vật hôm nay đều vốn có từ hôm qua". Mặc dù vài vị luật sư sở hữu trí tuệ có thể tranh cãi rằng điều đó là không đúng và một người có thể sở hữu ý tưởng sáng tạo, nhưng lịch sử và các nghiên cứu thực nghiệm lại chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy những ý tưởng mới thực chất là sự kết hợp của những ý tưởng cũ và việc chia sẻ những ý tưởng ấy giúp tạo ra thêm nhiều đổi mới. 

Bài báo "Đổi mới và lặp lại: Đối tác không đối đầu" mà tác giả Scott Anthony viết trên tờ Havard Business Review đã minh họa chính xác cho luận điểm này. Anh đưa ra một loạt ví dụ về các sản phẩm mới của Thung lũng Silicon là biến thể của những sản phẩm lặp lại khác trước khi chúng đạt tới mức độ đổi mới. Chúng ta phải đi từ chỗ phát triển một chiếc điện thoại nắp gập đến điện thoại thông minh thì mới nghĩ ra được chiếc đồng hồ thông minh.

Chuyên gia đổi mới

Không khó để tìm được các công ty vẫn trông cậy vào một chuyên gia hoặc đội ngũ các chuyên gia trong ngành để tạo ra luồng ý tưởng sáng tạo. Lẽ dĩ nhiên, các vị chuyên gia sẽ đáp ứng lòng mong mỏi với những câu trả lời dựa trên kinh nghiệm vốn có. Đó mới chính là vấn đề. 

Những người có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu nhất thường ưa thích những phương pháp từng đem lại cho họ thành công trong quá khứ và bỏ qua những cách tiếp cận mới bản thân mà chưa từng thử qua. Ngược lại, nghiên cứu cho thấy những vấn đề đặc biệt hóc búa lại thường đòi hỏi góc nhìn đa dạng của người ngoại đạo hoặc không bị giới hạn bởi thứ nhận thức rằng có lý do để không thể làm được một việc gì đó. 

Tâm trí của những người tạm gọi là chập chững vào nghề ấy có thiên hướng tiếp cận mỗi tình huống một cách đầy cởi mở và ít thành kiến, dù trước đây đã từng gặp nó không ít lần. 

Phần thưởng thúc đẩy sự sáng tạo

Một sai lầm chuyên môn thường dẫn tới một hiểu lầm khác cho rằng phần thưởng càng lớn, dù là bằng tiền mặt hay cách khác, cũng sẽ gia tăng động lực và do đó gia tăng đổi mới. Phần thưởng cũng có thể giúp ích, song thường hại nhiều hơn lợi, khi người ta học được cách mưu lợi cho mình. 

Trong cuốn sách Drive (Động lực), Daniel Pink nhấn mạnh số lượng khá bất ngờ các nghiên cứu phản trực giác cho thấy đồng tiền thật sự có thể khiến con người ta bớt động lực để làm những công việc sáng tạo. Tức là một khi con người đạt tới mức sống thoải mái, việc sử dụng tiền bạc để khích lệ họ làm những công việc sáng tạo không chỉ vô ích, mà còn khiến họ làm việc kém hiệu quả hơn. Sự sáng tạo và đổi mới, như bạn thấy đấy, bản thân chúng đã là phần thưởng.

Muốn sáng tạo như người khác nhưng giữ mãi những ngộ nhân đóng khung sau thì muôn đời bạn không thể khá lên được - Ảnh 1.

Nhà phát minh cô độc

Những nhân vật vĩ đại trong lịch sử không một mình tạo nên lịch sử, những nhà đổi mới cũng không một tay dựng nên thành quả của mình. Thí dụ, phần lớn mọi người tin rằng Steve Jobs tạo ra Apple. Nhưng có cả một đội ngũ nòng cốt thực sự gây dựng nên và đưa Apple tiến bước nhanh hơn.

Trong đó phải kể tới hai nhân vật then chốt ‒ Steve Wozniak và Mike Markkula. Wozniak là chuyên gia công nghệ còn Markkula phụ trách marketing và bán hàng. Sự sáng tạo là nỗ lực của cả một đội ngũ. Nghiên cứu mới đây về cách thức kết hợp sự sáng tạo vào văn hóa công ty có thể giúp những nhà lãnh đạo hoặc khởi nghiệp tập hợp được những đội ngũ tuyệt vời.

Nhất định phải tư duy tập thể

Biết bao vị giám đốc công ty ngày nay rao giảng tác dụng của tư duy tập thể, xem đó là cách để bật ra những ý tưởng sáng tạo có thể thu về các sản phẩm hoặc dịch vụ cách tân. Không may là hiếm có buổi họp nhóm ý tưởng nào tạo ra được thứ gì ngoài cảm giác thất vọng khi đã phí hoài thời gian. 

Điều đặc biệt ở việc tư duy tập thể không phải số ý tưởng liệt kê ra trong một khoảng thời gian ngắn; thay vào đó là sự kết hợp đa dạng những ý tưởng có thể mở rộng khi mọi người cùng chia sẻ suy nghĩ riêng – điều sẽ không bao giờ có được nếu thiếu đi sự tương tác. 

Để khiến buổi tư duy tập thể thật sự hiệu quả, hãy sử dụng công cụ tư duy tập thể, một khung thời gian và nguyên tắc rõ ràng. Cố gắng "trò chuyện" và đưa ra thật nhiều ý tưởng. Khi mới bắt đầu, lượng luôn quan trọng hơn chất.

Công ty vui vẻ

Những người tin vào hiểu lầm này muốn tất cả mọi người thật hòa hợp, bởi họ cho rằng chính môi trường "vui vẻ" ấy sẽ nuôi dưỡng đổi mới. Bởi lẽ đó ta mới chứng kiến vô số công ty "sáng tạo" xây dựng nơi làm việc cho nhân viên chơi bi lắc và cùng nhau thưởng thức bữa trưa miễn phí. Nhưng sự đột phá để dẫn đến đổi mới lại xuất phát từ bất đồng sáng tạo. 

Quả thật, có không ít những công ty sáng tạo hàng đầu đã tìm cách sắp xếp bất đồng và xung đột trong môi trường công ty để thúc đẩy giới hạn sáng tạo của nhân viên hiệu quả hơn và tìm ra những khả năng mà không quan tâm tới các giải pháp trước đây hay hiện tại. Phải chấp nhận rằng thế giới đang thay đổi và bạn cần thích nghi, sáng tạo và đổi mới.

Thêm nguồn lực = Thêm sáng tạo

Một quan điểm thường thấy khác là những trở ngại sẽ cản bước sáng tạo và những người có nguồn lực "vô hạn" mới đem lại được các sản phẩm đổi mới nhất. Thế nhưng theo như nghiên cứu, sự sáng tạo lại thích mê những trở ngại. 

Ví dụ tại các công ty khởi nghiệp còn nòn trẻ sự sáng tạo bạn buộc phải thể hiện khi chỉ có trong tay 25.000 đô-la. Có lẽ các công ty nên làm điều ngược lại – chủ định áp đặt các giới hạn để thúc đẩy tiềm năng sáng tạo ở nhân viên.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM