Muốn mình đầy tính sáng tạo, đừng nghe "người ta nói": Bởi riêng bạn đã chính là một nhân tố bí ẩn cần khám phá rồi!
Những điều do con người tưởng tượng ra mới mê hoặc làm sao. Chỉ cần niềm tin của bạn đủ lớn, nó sẽ trở thành “chân lý”. Nhưng trong thực tế, nó vẫn chỉ là một hiểu lầm. Không ít người trong chúng ta vẫn có những hiểu lầm về sự sáng tạo. Những suy nghĩ sai lầm này sẽ khiến bạn rơi vào cảnh bế tắc vì không nghĩ ra ý tưởng nào.
Bạn có đang theo đuổi sự đổi mới một cách sáng tạo? Hay những hiểu lầm về sáng tạo đang kìm chân bạn? Hãy đọc tiếp tục đọc và tự "soi" lại suy nghĩ của chính mình về sự sáng tạo:
Phút đột nhiên lĩnh ngộ
Đôi khi có vẻ như những ý tưởng mới xuất hiện trong một phút xuất thần lĩnh ngộ. Nhưng các nhà nghiên cứu đã cho thấy sự lĩnh ngộ đó thật ra chính là điểm hoàn tất của quá trình giải quyết vấn đề trong một khoảng thời gian. Ai cũng nhớ tới chuyến bay thành công đầu tiên của anh em nhà Wright, chứ không phải ba năm thử nghiệm và thất bại trước đó. Chúng ta ghi nhớ thứ nào có hiệu quả, thứ nào không và tiếp tục phát triển từ đó.
Steve Jobs từng nói: Sự sáng tạo chỉ là việc kết nối mọi thứ lại. Khi bạn hỏi những người sáng tạo cách họ làm được một việc gì đó, họ sẽ cảm thấy phần nào có lỗi bởi họ không thật sự làm nó – họ chỉ thấy được một thứ gì đó thôi. Sau một thời gian, nó trở nên thật rõ ràng trước mắt họ. Đó là bởi họ có thể kết nối những kinh nghiệm có được và tổng hợp nên những điều mới mẻ.
Gen sáng tạo
Có biết bao người tin rằng khả năng sáng tạo là một đặc điểm vốn có trong ADN hoặc gen một người. Và thật ra nếu bố mẹ hay người thân của bạn là những nhà thiết kế hay nghệ sĩ đầy sáng tạo, bạn cũng sẽ sáng tạo thôi.
Song bằng chứng lại không đứng về phía quan niệm này. Năm 2009, các nhà nghiên cứu đã công bố một nghiên cứu trên tờ Havard Business Review với kết luận rằng sự sáng tạo có 20% do yếu tố di truyền và 80% là hành vi học được.
Những người tự tin và bỏ nhiều công sức giải quyết một vấn đề nhất chính là những người có khả năng nghĩ ra giải pháp sáng tạo và đổi mới nhất. Bạn có chắc chắn là một người có bố mẹ từng làm luật sư và nhà truyền giáo phi lợi nhuận sẽ sáng tạo không? Nếu anh ấy chỉ biết lập trình máy tính thì sao? Thế Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, có sáng tạo không? Khỏi phải bàn!
Ý tưởng độc đáo
Theo sách được viết vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, "vạn vật hôm nay đều vốn có từ hôm qua". Mặc dù vài vị luật sư sở hữu trí tuệ có thể tranh cãi rằng điều đó là không đúng và một người có thể sở hữu ý tưởng sáng tạo, nhưng lịch sử và các nghiên cứu thực hiện lại chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy những ý tưởng mới thực chất là sự kết hợp của những ý tưởng cũ và việc chia sẻ những ý tưởng ấy giúp tạo ra thêm nhiều đổi mới.
"Có đứng trên vai những người khổng lồ mới mong nhìn được xa hơn". Issac Newton đã viết như vậy trong lá thư gửi cho nhà khoa học Robert Hooke. Vậy nên có bao nhiêu ý tưởng xin bạn cứ chia sẻ và hiện thực hóa chúng, để xem mọi thứ sẽ đi tới đâu. Đừng băn khoăn cố gắng nghĩ ra một điều chưa từng có. Thay vì vậy, hãy tạo ra thứ gì đó tuyệt vời.
Chuyên gia đổi mới
Không khó để tìm được các công ty vẫn trông cậy vào một chuyên gia hoặc đội ngũ các chuyên gia trong ngành để tạo ra luồng ý tưởng sáng tạo. Các chuyên gia sẽ đáp ứng lòng mong mỏi với những câu trả lời dựa trên kinh nghiệm vốn có. Những người có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu nhất thường ưa thích những phương pháp từng đem lại cho họ thành công trong quá khứ và bỏ qua những cách tiếp cận mới bản thân chưa từng thử qua.
Ngược lại, nghiên cứu cho thấy những vấn đề đặc biệt hóc búa lại thường đòi hỏi góc nhìn đa dạng của những người ngoại đạo hoặc không bị giới hạn bởi thứ nhận thức rằng có lý do để không thể làm được một việc gì đó.
Phần thưởng thúc đẩy sự sáng tạo
Một sai lầm chuyên môn thường dẫn tới một hiểu lầm khác cho rằng phần thưởng càng lớn sẽ càng gia tăng động lực và do đó gia tăng đổi mới. Phần thưởng cũng có thể giúp ích, song thường hại nhiều hơn lợi, khi người ta học được cách mưu lợi cho mình. Sự sáng tạo và đổi mới, như bạn thấy đấy, bản thân chúng đã là phần thưởng.
Nhà phát minh cô độc
Những nhân vật vĩ đại trong lịch sử không một mình tạo nên lịch sử, những nhà đổi mới cũng không một tay dựng nên thành quả của mình. Sự sáng tạo là nỗ lực của cả một đội ngũ. Nghiên cứu mới đây về cách thức kết hợp sự sáng tạo và văn hóa công ty có thể giúp những nhà lãnh đạo hoặc khởi nghiệp tập hợp được những đội ngũ tuyệt vời.
Nhất định phải tư duy tập thể
Biết bao vị giám đốc công ty ngày nay rao giảng tác dụng của tư duy tập thể, xem đó là cách để bật ra những ý tưởng sáng tạo có thể thu về các sản phẩm hoặc dịch vụ cách tân. Không may là hiếm có buổi họp nhóm ý tưởng nào tôi từng tham dự tạo ra được thứ gì ngoài cảm giác thất vọng khi đã phí hoài thời gian. Điều đặc biệt ở việc tư duy tập thể không phải số ý tưởng liệt kê ra trong một khoảng thời gian ngắn; thay vào đó là sự kết hợp đa dạng những ý tưởng có thể mở rộng khi mọi người cùng chia sẻ suy nghĩ riêng – điều sẽ không bao giờ có được nếu thiếu đi sự tương tác.
Công ty vui vẻ
Những người tin vào hiểu lầm này muốn tất cả mọi người thật hòa hợp, bởi họ cho rằng chính môi trường "vui vẻ" ấy sẽ nuôi dưỡng đổi mới. Nhưng sự đột phá để dẫn đến đổi mới lại xuất phát từ bất đồng sáng tạo. Phải chấp nhận rằng thế giới đang thay đổi và bạn cần thích nghi, sáng tạo và đổi mới.
Thêm nguồn lực = Thêm sáng tạo
Một quan điểm thường thấy khác là những trở ngại sẽ cản bước sáng tạo và những người có nguồn lực "vô hạn" mới đem lại được các sản phẩm đổi mới nhất.
Thế nhưng theo nghiên cứu, sự sáng tạo lại thích mê những trở ngại. Chính ở công ty mình, chúng tôi có được phong độ tốt nhất khi bị hạn chế về mặt thời gian cũng như nguồn lực từ khách hàng. Bạn phải sáng tạo hơn chỉ để khiến mọi thứ liên tục hoạt động.
*Bài viết được trích từ cuốn sách "Sáng tư duy, tạo ý tưởng".