Mua lại mỏ kim loại Việt Nam đang lỗ nặng, công ty nước ngoài hi vọng "ăn đậm" cả tỉ USD

29/12/2021 19:50 PM | Xã hội

Mỏ kim loại quý ở Việt Nam ước tính sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ do nhu cầu ngày càng tăng trên thế giới.

Mỏ niken giá trị cao ở Việt Nam

Niken là một kim loại màu trắng bạc, bề mặt bóng láng có đặc điểm chính là cứng, dễ dát mỏng, dễ uốn, dễ kéo sợi. Do có tính chất đặc biệt, nên niken hiếm khi được sử dụng ở dạng tinh khiết mà chủ yếu được sử dụng như một thành phần hợp kim, nhất là các hợp kim chống ăn mòn, hợp kim từ, hợp kim chịu nhiệt, hợp kim có tính chất đặc biệt.

Theo các nguồn tin, cả nước hiện chỉ có Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc (Công ty Bản Phúc) được cấp phép khai thác và chế biến quặng tinh niken, các khu vực mỏ niken khác chỉ dừng lại ở khâu tìm kiếm, thăm dò và chuẩn bị đầu tư.

Cuối tháng 5/2019, công ty BlackStone (Australia) thông báo mua lại 90% dự án khai thác mỏ niken Tạ Khoa, xã Bản Phúc, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La từ tay AMR Nickel Limited với giá mua không được tiết lộ, 10% còn lại thuộc CTCP Cơ khí Sơn La. Công ty khoáng sản đến từ Australia thời điểm đó tự tin rằng dự án sẽ là nguồn cung cấp khoáng sản mới trong tương lai.

 Mua lại mỏ kim loại Việt Nam đang lỗ nặng, công ty nước ngoài hi vọng ăn đậm cả tỉ USD - Ảnh 1.

Niken là kim loại cần thiết cho sản xuất pin.

Ngày 23/12 vừa qua, công ty khoáng sản Blackstone cho biết dự đoán trữ lượng khoáng sản nhóm niken, đồng và bạch kim ở khu mỏ Tạ Khoa - nằm cách Hà Nội khoảng 160 km về phía tây - cao hơn ước đoán trước đó 73%. Theo đó, 4 mỏ đang được khai thác có trữ lượng khoảng 130 triệu tấn với loại 0,37% hàm lượng niken - tương đương 485.000 tấn quặng chứa niken.

Được biết, các mũi khoan thăm dò của Blackstone tới độ sâu 374,7m đã thu được nhiều kết quả tích cực. Ở độ sâu 2m dưới bề mặt, hàm lượng niken trong quặng là 0,30%, độ sâu 10,3m có quặng niken 1,13% và độ sâu 169m có 0,43% niken.

Tổng cộng, ước lượng có 58,6 triệu tấn quặng rắn với tỉ lệ niken khoảng 0,48%. Công ty cho biết các khu mỏ ở vùng này chứa hơn 280.000 tấn niken (chưa kể coban, đồng và PGE - khoáng sản nhóm platinum) sẽ tạo thành nguồn lợi lớn cho hoạt động đầu tư và phát triển ở mỏ niken Tạ Khoa.

"Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn kể từ khi mua lại Dự án Niken-Đồng-PGE Tạ Khoa, Blackstone đã có thể xác định một mỏ lớn, việc này càng khẳng định thêm nguồn cung khoáng sản và lợi nhuận của công ty," công ty nói.

Dự án khai thác niken bị lỗ nặng

Được biết trước khi được mua lại, công ty Niken Bản Phúc đã bắt đầu khai thác mỏ vào năm 2013. Tuy nhiên, công ty đã quyết định tạm dừng hoạt động khai thác, chế biến quặng sulfur đặc xít (gồm nikel, đồng, coban) tại khu vực mỏ Nikel Bản Phúc, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến hết tháng 9/2018 vì doanh thu từ Dự án không đủ bù đắp chi phí hoạt động.

Lý giải câu chuyện này, năm 2017, ông Stephen John Ennor, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc cho hay, giá nikel và đồng trên thị trường thế giới ở mức thấp, khiến hoạt động khai thác và chế biến quặng sulfur đặc xít tại khu vực mỏ này không thể duy trì ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, nhiều loại thuế, phí áp dụng cho Dự án ở mức cao khiến cho chi phí hoạt động của Dự án tăng cao. Tính tới tháng 8/2017, Dự án Mỏ Nikel Bản Phúc đã lỗ lũy kế 129 triệu USD.

 Mua lại mỏ kim loại Việt Nam đang lỗ nặng, công ty nước ngoài hi vọng ăn đậm cả tỉ USD - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Dự án niken-đồng-PGE của Blackstone triển khai tại Tạ Khoa - nằm cách thủ đô Hà Nội 160km. Dự án chiếm vị trí chiến lược trên một trong những địa hình giàu niken nhất Châu Á và kéo dài hơn 15 km tại Tạ Khoa. Việc thăm dò cho thấy địa hình có hơn 25 địa điểm khai thác niken riêng biệt giàu triển vọng.

Nghiên cứu xác định phạm vi năm 2020 của công ty dự kiến một hoạt động khai thác quy mô lớn tại Tạ Khoa, với vòng đời khai thác ban đầu là 8,5 năm, sản xuất khoảng 12.700 tấn niken mỗi năm. Nghiên cứu cũng kết luận nguồn lợi kinh tế lớn, ước tính giá trị hiện tại ròng trước thuế của dự án là hơn 1 tỉ USD, với dòng tiền ước tính trong suốt thời gian hoạt động của dự án là 1,7 tỉ USD.

Tình hình khai thác niken thế giới

Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Đào Công Vũ trên Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Luyện kim, thế giới đang ngày càng ưa chuộng pin sản xuất từ niken vì hiệu quả, tuổi thọ cao và giảm chi phí. Việc này dẫn đến nhu cầu sử dụng niken trong sản xuất pin dự báo sẽ tăng trong giai đoạn sắp tới do lượng niken sử dụng trong công nghệ pin tăng lên và quy mô sản xuất pin được mở rộng.

Hiện tại, tỷ lệ niken được sử dụng trong sản xuất chiếm khoảng 4% tổng sản lượng niken thế giới. Indonesia là nước có trữ lượng niken và cũng là quốc gia khai thác quặng niken lớn nhất thế giới, đã khởi công dự án sản xuất niken vào năm 2019 để sử dụng cho pin. Tới nay, nhiều dự án đang bị tạm dừng đã hoạt động trở lại với dự báo nhu cầu niken sẽ ngày càng tăng đối với ngành công nghiệp pin xe điện.

Dù vậy, chuỗi cung cầu thị trường quặng tinh niken thế giới sẽ liên tục thay đổi và diễn biến khó lường do nhiều sự kiện liên quan ảnh hưởng, bao gồm việc Indonesia cấm xuất khẩu quặng niken để giữ lại nguồn quặng cho ngành công nghiệp chế biến niken trong nước hay đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng tới nhu cầu sản xuất và phát triển xe điện.

 Mua lại mỏ kim loại Việt Nam đang lỗ nặng, công ty nước ngoài hi vọng ăn đậm cả tỉ USD - Ảnh 3.

Tại Trung Quốc, sản xuất niken tinh chế đã giảm vào đầu năm 2020, một phần bị hạn chế bởi các tác động của COVID-19. Các nhà máy thép hợp kim niken ở tỉnh Hồ Bắc không sản xuất do chuỗi cung ứng đầu vào bị gián đoạn làm gián đoạn sản xuất. Theo dự đoán, sản xuất niken tăng trung bình 2,4% trong giai đoạn sắp tới và đạt 2,7 triệu tấn vào năm 2025.

Định hướng sản phẩm của Việt Nam

Nhu cầu sử dụng kim loại niken trên thế giới đang ngày càng gia tăng, đồng thời giá kim loại niken giao dịch trên thị trường dự báo ngày càng cao. Do vậy, công tác nâng cao hiệu suất thu hồi kim loại niken và các kim loại có ích đi kèm trong mỏ niken có hàm lượng thấp sẽ ngày càng được chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng.

Theo nghiên cứu, niken của Việt Nam không nhiều. Cụ thể, tổng trữ lượng và tài nguyên ước tính khoảng 3,6 triệu tấn niken kim loại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa (3 triệu tấn), Sơn La (420 nghìn tấn), Cao Bằng (133 nghìn tấn). Trong đó phần lớn tài nguyên niken tồn tại ở dạng khoáng vật.

Chuyên gia ngành kim loại cho rằng, thị trường sử dụng niken làm nguyên liệu sản xuất pin trên thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị gia tăng cao.

Do vậy, định hướng phát triển công nghệ chế biến sâu niken phù hợp nhất hiện nay là: sản xuất các chế phẩm muối niken và tiến tới hợp tác với các Doanh nghiệp có công nghệ nguồn để sản xuất pin từ nguồn quặng niken trong nước. Mục tiêu đó sẽ vừa đáp ứng nhu cầu cho việc phát triển công nghiệp xe điện, năng lượng tái tạo, vừa phát huy được hiệu quả nguồn tài nguyên quý của Việt Nam.

Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM