Một trường đại học ở Mỹ kiếm 6 triệu USD mỗi ngày nhờ dầu mỏ

29/08/2022 16:44 PM | Kinh doanh

Đại học Texas đang giàu lên nhanh chóng và có thể vượt qua đại học Harvard để trở thành ngôi trường “hoàng gia” bậc nhất nhờ dầu mỏ.

Theo Bloomberg, mỗi ngày, hệ thống Đại học Texas (University of Texas System) kiếm được khoảng 6 triệu USD từ việc quản lý khu đất khoáng sản tại mỏ dầu lớn nhất nước Mỹ. Điều này khiến Texas giàu lên nhanh chóng và đang trên đà vượt qua đại học Harvard để trở thành ngôi trường “hoàng gia” bậc nhất.

Đại học Texas hiện đang quản lý 2,1 triệu mẫu Anh ở Permian, tương đương diện tích của Delaware và Rhode Island cộng lại. Thay vì chủ trương dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch như những trường đại học khác, Texas cho phép nhiều công ty, bao gồm ConocoPhillips, Continental Resource và gần 250 nhà khai thác khác thuê đất. Doanh thu trong năm 2022 đạt con số kỷ lục nhất từ trước đến nay, một phần do giá dầu thô tăng vọt và chạm mốc 120 USD/thùng hồi đầu năm nay. Điều này được cho là sẽ thu hẹp khoảng cách về độ giàu có giữa đại học Texas và Harvard với tổng tài sản lần lượt đạt 42,9 tỷ USD và 53,2 tỷ USD, tính đến tháng 6/2021.

Theo William Goetzmann, Giáo sư nghiên cứu tài chính và quản lý tại Trường Quản lý của Đại học Yale, đại học Texas đang đứng trước thách thức về cuộc khủng hoảng tiền mặt khi điều chỉnh danh mục đầu tư theo các mối quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, doanh thu từ dầu khí sẽ giúp ngôi trường này tránh được các rủi ro về tính thanh khoản, từ đó giúp giới đầu tư tìm kiếm lợi nhuận trong một thị trường đi xuống. Ngay cả khi lợi nhuận đầu tư của Texas về âm, doanh thu trong mảng dầu mỏ vẫn có thể giúp ngôi trường này bảo vệ giá trị tài sản.

Trong khi đó, nguồn thu của Harvard lại giảm. Lợi nhuận trong 10 năm của trường tính đến tháng 6/2021 thuộc hàng thấp nhất trong nhóm Ivy League. Từ năm 2018, đại học Texas đã vượt Yale với tư cách là ngôi trường giàu thứ hai nước Mỹ nhờ giá dầu tăng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang hiện thực hóa mục tiêu Net Zero và áp dụng các nguồn năng lượng sạch hơn để giảm thiểu hệ lụy của biến đổi khí hậu, nhiều câu hỏi đang được đặt ra, rằng liệu đại học Texas có thể trông chờ vào dòng tiền đó trong bao lâu.

Một trường đại học ở Mỹ kiếm 6 triệu USD mỗi ngày nhờ dầu mỏ - Ảnh 1.

Mỗi ngày, hệ thống Đại học Texas (University of Texas System) kiếm được khoảng 6 triệu USD từ việc quản lý khu đất khoáng sản tại mỏ dầu lớn nhất nước Mỹ.

Tại Texas, năng lượng là một trong những ngành công nghiệp lớn gây tàn phá môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh hoạt động đốt khí tự nhiên dư thừa, bang này còn được mệnh danh là “thủ phủ động đất” tại Mỹ do việc xử lý quá mức nước thải từ các mỏ dầu.

“Chúng tôi nhận thấy đây là một nguồn doanh thu khổng lồ cho đại học Texas và giáo dục đại học là điều cần thiết, nhưng cái giá phải trả là gì?”, Luke Metzger, giám đốc điều hành của nhóm vận động Môi trường Texas cho biết. “Chúng tôi đang sống tại Texas và phải trải qua những tác động tồi tệ nhất từ sự nóng lên toàn cầu, cháy rừng và hạn hán”.

Tuy nhiên, đại học Texas lại được hoạt động dựa trên cơ chế có sẵn, đó là đất ở khu vực này được dành riêng cho các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời. William R. Murphy, giám đốc điều hành của University Lands thuộc đại học Texas cho biết: “Những vùng đất này có khả năng tạo ra năng lượng mặt trời và gió, vì vậy, ngôi trường đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng đáng kể trong các lĩnh vực này và năng lượng mới nổi”.

Tại Mỹ, một số trường đại học đều có tài sản riêng, chẳng hạn như đại học Emory nắm giữ cổ phiếu Coca Cola hay đại học George Washington sở hữu rất nhiều bất động sản. Harvard, ngôi trường lâu đời nhất nước Mỹ nổi tiếng với hoạt động quản lý đầu tư và gây quỹ dài hạn, thì thu về ít nhất 1 tỷ USD/năm kể từ năm tài khóa 2014. Với đại học Texas, dầu mỏ được coi là cơ duyên. Vào những năm 1800, bang Texas đã dành đất để tài trợ cho hoạt động giáo dục công lập, sau đó tận dụng chúng để kiếm nguồn thu từ việc chăn thả gia súc.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5/2923, thời điểm dầu mỏ bắt đầu được khai thác, mọi thứ đã thay đổi.

“Trong sáu năm qua, University Lands đã thu hút các nhóm kỹ sư, nhà địa chất, địa vật lý và một số các chuyên gia khác để việc khai thác dầu diễn ra hiệu quả nhất có thể’’, ông Murphy nói.

Texas sau đó bắt đầu tính phí khai thác, với mức thuế trung bình 22,3% mỗi thùng. Theo công ty dữ liệu năng lượng Enverus, khu vực này sản xuất khoảng 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 1/5 sản lượng dầu Exxon Mobil cung cấp trên toàn thế giới.

Một trường đại học ở Mỹ kiếm 6 triệu USD mỗi ngày nhờ dầu mỏ - Ảnh 2.

Trong 6 năm qua, University Lands đã thu hút các nhóm kỹ sư, nhà địa chất, địa vật lý và một số các chuyên gia khác để việc khai thác dầu diễn ra hiệu quả nhất có thể.

Doanh thu từ dầu và khí đốt của trường chảy vào Quỹ Đại học Thường trực (PUF). Số tiền đó từ năm 1996 đã được quản lý bởi Công ty Quản lý Đầu tư A&M của Đại học Texas hay còn được gọi là UTIMCO. ⅔ số tiền được dành cho hệ thống đại học Texas và ⅓ còn lại dành cho hệ thống đại học Texas A&M, hỗ trợ tổng hợp 27 tổ chức và gần 350.000 sinh viên.

Hiến pháp tiểu bang cho phép các quỹ khoáng sản “giải ngân’’ cho hoạt động xây dựng lớp học, bệnh viện và phòng thí nghiệm. Đối với hầu hết các trường, quỹ này không dùng để chi trả cho các hoạt động hàng ngày hoặc hỗ trợ học phí và học bổng.

Theo dữ liệu từ College Board, khoản chi dành cho học phí đại học từ năm 2021 đến 2022 tại UT-Austin là 11.752 USD.

Ông Murphy cho rằng đà tăng của giá dầu đang tạo ra những lợi thế lớn, tuy nhiên, chu kỳ bùng nổ và phá sản của ngành công nghiệp này vẫn là một mối lo. Khủng hoảng dầu hồi năm 1986 là một ví dụ.

Theo Kenneth Medlock, một nhà kinh tế và giám đốc cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng tại Đại học Rice ở Houston, hầu hết đều lo ngại rằng dầu sẽ sớm bị gạt sang một bên khi thế giới hướng đến những nguồn năng lượng sạch hơn. Tuy nhiên, trong ít nhất 30 năm nữa, nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ là nguồn tài nguyên không thể thiếu.

Hiện nhu cầu dầu ngày nay ở mức 100 triệu thùng/ngày trên toàn cầu, trong đó riêng ở Mỹ là khoảng 20 triệu. University Lands ước tính lượng dầu và khí đốt tự nhiên của họ tương đương 326 triệu thùng dầu thô. Quy mô này ngang bằng với một số công ty dầu khí đang niêm yết như Laredo Petroleum và Matador Resources, theo Bloomberg Intelligence.

Hiện trường Texas đã xác định được 25.000 điểm khoan giếng dầu, từ đó tiếp cận khoảng 1,7 tỷ thùng (không tính đến những cải tiến trong công nghệ khoan dầu tương lai). Tuy nhiên, do một số công ty khai thác lớn đều đang cam kết đưa lượng phát thải khí nhà kính xuống mức 0 trong 3 thập kỷ tới, các chuyên gia cho rằng hệ thống các trường đại học cần bổ sung một số điều kiện chặt chẽ hơn trong việc thuê đất thuộc sở hữu nhà nước.

Một trường đại học ở Mỹ kiếm 6 triệu USD mỗi ngày nhờ dầu mỏ - Ảnh 3.

Với quỹ đất của mình, đại học Texas cho biết sẽ tìm kiếm các nguồn thu mới khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn.

“Tôi nghĩ rằng nhiều sinh viên và giảng viên không biết tiền ở đâu ra. Khi họ biết được câu trả lời, tôi nghĩ họ sẽ sốc và phản đối đó’’, Metzger của Environment Texas cho biết.

Trước áp lực dư luận, University Lands sau đó đã lắp đặt một camera hồng ngoại phát hiện rò rỉ khí metan để cải thiện việc kiểm tra và nâng cấp thiết bị khai thác, từ đó giảm lượng khí thải.

"Chúng tôi đang tích cực giảm lượng khí thải metan và tiến hành hàng trăm cuộc kiểm tra khí thải hàng năm. Chúng tôi cũng đã đầu tư các nguồn lực đáng kể vào chiến lược bảo tồn nước ngầm", ông Murphy cho biết.

Ngoài ra, với quỹ đất của mình, đại học Texas cho biết sẽ tìm kiếm các nguồn thu mới khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn. Bang Texas vốn đứng số một về năng lượng gió và số hai về năng lượng mặt trời, theo báo cáo thường niên năm 2021 của Hiệp hội Điện sạch Mỹ.

University Lands hiện có 8 hợp đồng thuê và cho thuê trước năng lượng mặt trời với diện tích khoảng 9.700 ha và 7 hợp đồng thuê và cho thuê trước điện gió với diện tích gần 69.000 ha. Doanh thu từ năng lượng tái tạo dự kiến đạt 5,2 triệu USD trong năm tài chính này, tăng từ 281.000 USD từ một thập kỷ trước.

"Chúng tôi đang kinh doanh năng lượng và thành công trong suốt khoảng thời gian dài. Chúng tôi đang cố gắng để trở nên thông minh hơn với điện gió, mặt trời, địa nhiệt và hydro như những gì đã làm với dầu và khí đốt", ông Murphy nói.

Theo: Bloomberg 

Chọn ngược dòng để trở thành số một - hãng xe điện 'vô danh' này mới là 'cơn ác mộng' của Tesla

Huệ Anh

Từ khóa:  dầu
Cùng chuyên mục
XEM