Một 'sai lầm ngớ ngẩn' đã vô tình làm tăng hiệu quả của một loại vắc xin COVID-19
Các nhà nghiên cứu đã mắc một sai lầm nghiêm trọng trong quá trình phát triển và thử nghiệm vắc-xin coronavirus ở Oxford, dẫn đến một kết quả ngoài mong đợi.
Hãng dược phẩm AstraZeneca và đại học Oxford (Anh) mới đây đã công bố dữ liệu tạm thời về giai đoạn thử nghiệm thứ 3 cho vắc-xin coronavirus của chính mình, tiết lộ rằng loại thuốc này có hiệu quả trung bình là 70%. Trước đó các hãng dược Pfizer và Moderna đều báo cáo hiệu quả tương tự, thậm chí còn tốt hơn kết quả của Oxford. Ở mức 95%, vắc-xin Pfizer và Moderna có vẻ phù hợp hơn trong việc bảo vệ người được tiêm chống lại việc nhiễm trùng coronavirus so với thuốc của Oxford. Tuy nhiên, sản phẩm của Oxford lại có hai lợi thế quan trọng hơn so với các loại thuốc khác.
Đầu tiên, chúng rẻ hơn để sản xuất hàng loạt và sẽ có giá cả phải chăng hơn đáng kể khi mua sắm trên quy mô lớn đối với các chính phủ. Thứ hai, thuốc của Oxford cũng có thể tồn tại ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, có nghĩa là nó có thể được vận chuyển và phân phối dễ dàng hơn những loại khác. Nhưng, trong một bước ngoặt bất ngờ, có vẻ như vắc-xin của Oxford có thể đạt tới 90% hiệu quả. Và tất cả là nhờ một "sai lầm ngỡ ngẩn" mà các nhà nghiên cứu tham gia thử nghiệm đã mắc phải trong việc tiêm chủng, khi nó cho ra kết quả thực sự hứa hẹn.
Cụ thể, một nhóm thử nghiệm của Oxford cho thấy họ đã đạt hiệu quả tới 90%. Họ bao gồm một nhóm khoảng 3.000 người được tiêm hai liều thuốc, giống như những tình nguyện viên khác. Tuy nhiên, điều khác biệt là nồng độ của những liều tiêm đó. Trong khi các nhóm thử nghiệm khác nhận được cả hai liều tiêm đầy đủ cách nhau vài tuần thì nhóm 3.000 người này ban đầu chỉ được nhận một nửa liều, tiếp đó là một liều đầy đủ sau đó vài tuần.
"Lý do chúng tôi đưa một nửa liều là do tình cờ", Mene Pangalos, phó chủ tịch điều hành nghiên cứu và phát triển dược phẩm sinh học của AstraZeneca, cho biết.
Khi các nhà nghiên cứu phân phối vắc-xin vào cuối tháng 4, họ nhận thấy các tác dụng phụ nhẹ hơn dự kiến - bao gồm mệt mỏi, đau đầu hoặc đau nhức cánh tay. Do đó, các nhà khoa học đã kiếm tra lại và nhận thấy hóa ra liều lượng vắc-xin đã giảm xuống một nửa.
Nhưng thay vì bắt đầu lại thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã quyết định tiếp tục tiến hành và tiêm liều tăng cường đầy đủ sau đó 4 tuần, theo đúng thời gian dự kiến. Kết quả là phác đồ điều trị này mang lại hiệu quả tới 90%. Theo dữ liệu tạm thời, các nhóm được tiêm đủ hai liều cách nhau 4 tuần chỉ đạt hiệu quả 62%.
Các nhà khoa học không thể giải thích sự khác biệt nổi bật giữa hai phác đồ, nhưng có kế hoạch sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề và xem liệu phản ứng miễn dịch trong nhóm 3.000 người nói trên có thỏa đáng hay không. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là hai phác đồ khác nhau đã kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau ở những người tình nguyện.
"Có thể là bằng cách tiêm một lượng nhỏ vắc-xin để bắt đầu và sau đó là một lượng lớn, đó chính là cách tốt hơn để khởi động hệ thống miễn dịch và cho chúng ta phản ứng miễn dịch mạnh nhất cũng như hiệu quả nhất", Giáo sư đại học Oxford Sarah Gilbert nói.
"Điều chúng tôi không biết vào lúc này là liệu sự khác biệt đó là vấn đề về chất lượng hay số lượng phản ứng miễn dịch. Và đó là điều mà chúng tôi sẽ nghiên cứu trong những tuần tới", giáo sư Andrew Pollard, giám đốc Nhóm vắc xin Oxford, nói thêm.
Theo kế hoạch, loại vắc-xin này phải được các cơ quan quản lý chấp thuận trước khi có thể được sử dụng rộng rãi. Hãng dược phẩm AstraZeneca đã ký hợp đồng cho 3 tỷ liều vắc xin. Không rõ công chúng sẽ sử dụng phác đồ chủng ngừa nào sau khi vắc xin được phê duyệt. Nhóm 3.000 người giới hạn ở trên chỉ là một phần nhỏ của thử nghiệm. Oxford sẽ phải đưa ra kết quả cho ít nhất 30.000 tình nguyện viên để được chấp thuận ở Mỹ.