Một nửa CEO ra đi không phải tự nguyện. Họ bị đuổi!
Khi các công ty thông báo Tổng Giám đốc (CEO) của họ nghỉ việc, nhiều lý do được đưa ra nhưng hiếm khi nào họ nói CEO đó bị đuổi hoặc giải thích chính xác nguyên nhân.
Ảnh minh họa |
Theo một nghiên cứu, trong 2 năm qua, 52% các CEO trong danh sách Russell 3000 Index (3.000 công ty lớn nhất Mỹ), nghỉ việc có khả năng là do bị đuổi. Trong đó, có nhiều người nói họ từ chức, cảm thấy đã đến lúc ra đi hoặc đột nhiên muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Daniel Schauber, nhà sáng lập Exechange, dịch vụ theo dõi các giám đốc thôi việc, cho biết nhiều CEO phải chịu áp lực cao dẫn tới nghỉ việc. Trong thang điểm từ 0 tới 10, điểm 0 gợi ý CEO nghỉ là do tự nguyện, còn điểm 10 có thể là bị cưỡng ép. Điểm cao hơn 5 ám chỉ có lý do để tin rằng CEO bị đuổi.
Điểm số phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ CEO nghỉ việc nhanh thế nào, độ tuổi, thời gian quản lý, giá cổ phiếu, từ ngữ dùng để mô tả trong thông cáo báo chí. Chẳng hạn, một CEO trên dưới 50 bị điểm cao khi nghỉ việc chỉ trong thời gian ngắn mà không có giải thích, giá cổ phiếu không ổn định, kế hoạch kế nhiệm mù mờ và ban giám đốc dùng lời khen khiêm tốn.
Một nghiên cứu khác theo The Conference Board lại ước tính từ năm 2001 đến 2017, 24% CEO nghỉ việc là bị đuổi vì làm việc không hiệu quả. Tổ chức này chỉ tính đến tình trạng cổ phiếu và tuổi của CEO.
Theo Matteo Tonello, một giám đốc của The Conference Board, CEO còn có thể bị đuổi vì nhiều lý do khác. Dựa trên phỏng vấn với 73 CEO bị sa thải, các chuyên gia của dự án CEO Genome phát hiện nguyên nhân hàng đầu là hiệu quả kinh doanh nghèo nàn (30%); có vấn đề với Ban giám đốc (26%); thiếu bộ kỹ năng quan trọng (22%) và xa lánh Ban quản trị (12%). Ngoài ra, phải kể đến các vụ bị đuổi vì cáo buộc phạm tội và vi phạm đạo đức.
Vì sao công ty phải giữ bí mật việc sa thải CEO? Đó là vì để bảo vệ công ty, uy tín riêng cũng như tránh các xung đột pháp lý hay đổ lỗi cho nhau. Công ty cũng phải nhìn nhận lại bản thân vì chính họ là người tuyển dụng.
Bên cạnh đó, Ban giám đốc cũng muốn tránh thiệt hại cho danh tiếng của CEO vì có điều khoản không làm mất uy tín của nhau. Khi tiết lộ đuổi việc CEO, công ty cũng khó tìm được người thay thế.
Đối với CEO bị đuổi, ngay cả khi cảm thấy không công bằng, họ thường không phàn nàn công khai vì có nhiều điều để mất. Vì vậy, họ sẽ giữ im lặng.
Tương lai của những CEO bị sa thải không giống nhau. Có người nhanh chóng phục hồi, viết nên câu chuyện thành công của riêng mình. Họ chịu trách nhiệm về việc làm khiến mình bị đuổi và tìm cách giải quyết nó. Ngược lại, có người quá đau buồn và xấu hổ khi cố gắng tìm kiếm công việc mới và sụp đổ.