Trung Quốc quyết thay đổi thói quen để đẩy lùi tả lợn châu Phi

21/07/2019 16:18 PM | Xã hội

Đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy hàng chục triệu con lợn. Thảm kịch này phần nào giúp thay đổi thái độ và nhận thức của các cơ sở chăn nuôi trong vệ sinh chuồng trại.

Từ trang trại đến nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, từ cơ sở chuyên chở, đến người liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp sản xuất thịt lợn đều chia sẻ rằng các biện pháp phòng vệ sinh học tại Trung Quốc đã được thắt chặt hơn trước rất nhiều. Nhu cầu sản phẩm tẩy rửa cũng như dịch vụ vệ sinh xe tải bùng nổ là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi.

Ma, một chủ trang trại với hơn 4.000 đầu lợn, cho biết bà tiến hành vệ sinh cả bên trong lẫn bên ngoài khu vực chuồng trại mỗi ngày, thay vì 1 - 2 lần/tuần như trước.

Bà cũng dành tiền để mua một xe tải phục vụ việc vận chuyển lợn đến các lò mổ, cũng như vận chuyển thức ăn cho đàn lợn nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm.

“Chúng tôi không cho phép các xe tải khác ra vào khu trang trại. Sẽ an toàn hơn khi chúng tôi có xe riêng”, bà Ma chia sẻ. Bà cho biết thêm rằng người lạ cũng bị nghiêm cấm đến gần khu trang trại vì họ có thể mang theo mầm bệnh.

Trung Quốc quyết thay đổi thói quen để đẩy lùi tả lợn châu Phi. - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters.


Sự thay đổi trong nhận thức chỉ đến khi dịch tả lợn châu Phi - không nguy hiểm với con người nhưng giết chết gần như mọi lợn nhiễm bệnh - xuất hiện ở tất cả tỉnh thành của Trung Quốc. Vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin để phòng chống dịch bệnh này.

Dữ liệu công bố trong tháng 6 cho thấy đàn lợn của Trung Quốc- lớn nhất thế giới với hơn 400 triệu đầu lợn tính đến năm 2018 - đã giảm hơn 25%, nhiều nguồn tin trong ngành cho biết con số thực tế thậm chí có thể cao hơn.

Tiêu chuẩn vệ sinh trong các trang trại, trong đó phần lớn cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, có sự khác biệt rất lớn, theo các nguồn thạo tin. Những chiếc xe tải để vận chuyển lợn, thức ăn chăn nuôi cũng như những vật dụng cần thiết khác thường không được vệ sinh đúng cách giữa những chuyến đi.

Virus tả lợn châu Phi, chủ yếu lây truyền qua đường máu, chất thải và dịch nhầy, có thể tồn tại trong các trang trại cũng như bám vào các dụng cụ trong nhiều tháng nếu như chúng không được vệ sinh đúng cách.

“Chúng tôi nhận thấy một sự cải thiện rõ rệt trong các biện pháp phòng vệ sinh học. Mọi người giờ đây đã nhận thức tốt hơn về những gì họ cần làm”, theo Matthias Arnold, chuyên viên thuộc bộ phân nghiên cứu các sản phẩm vệ sinh của công ty hóa chất Lanxess đến từ Đức.

Doanh số tăng cao

Doanh số của glutaraldehyde, một chất hóa học giúp giết chết các loại virus đã tăng từ 3 đến 4 lần kể từ năm ngoái, theo Pan Yunping, giám đốc bán hàng của công ty Jangsu Kangbat Biotechnologies Engineering Co’Ltd, có trụ sở tại tỉnh Giang Tô.

Nhu cầu cho sản phẩm Cid20 của công ty CID Lines, trong đó cũng bao gồm hợp chất aldehyde, cũng tăng 2 lần so với năm 2018. Công ty không kịp sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng, theo Niu Yufeng, giám đốc bán hàng của công ty tại thị trường Trung Quốc.

Nhu cầu sử dụng các loại nước tẩy rửa cũng đang tăng lên, Niu cho biết. Các trang trại cần được vệ sinh toàn diện trước khi áp dụng các biện pháp khử trùng.

Các biện pháp thắt chặt an toàn vệ sinh cũng được áp dụng tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

“Nếu muốn ghé qua các địa điểm khác nhau trong nhà máy, bạn cần phải được khử trùng, thay quần áo cũng như phải hoàn thiện một số thủ tục bắt buộc”, theo Jonathan Wilson, giám đóc nhà máy tại Trung Quốc của Alltaech- công ty chuyên sản xuất phụ gia cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi.

“Tôi thậm chí không được chứng kiến những biện pháp thắt chặt như thế này ngay cả khi dịch cúm gia cầm bùng phát năm 2013. Đó là một sự thay đổi hết sức to lớn”, ông chia sẻ.

Trung Quốc quyết thay đổi thói quen để đẩy lùi tả lợn châu Phi. - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters.


Các trang trại lớn thậm chí còn trang bị thêm các thiết bị rửa xe có xuất xứ từ các công ty Đức như Karrcher và Mellber Cleantecs. Các máy làm khô cũng được lắp đặt phục vụ cho các xe tải đã được khử trùng.

Mellberg thậm chí còn thành lập cả một liên doanh tại Trung Quốc để bán các sản phẩm vệ sinh, khử trùng sản xuất bởi công ty Envisal của Đức, trong khi Decon Seven Systems của Mỹ cũng đang đăng ký bán sản phẩm chất khử trùng D7 tại thị trường đông dân nhất thế giới này.

Chi phí leo thang

Vẫn còn rất nhiều việc cần phải hoàn thành.

Chính phủ Trung Quốc cung cấp miễn phí chất khử trùng cho các trang trại nhỏ, nhưng những biện pháp thắt chặt vệ sinh này lại khiến chi phí chăn nuôi tăng lên trùng với thời điểm người chăn nuôi đang phải gồng mình chống chọi lại những mất mát do dịch bênh gây ra.

Các chuyên gia phân tích tại Huatai Futures cho biết chi phí tăng thêm vào khoảng từ 0,5 đến 1 nhân dân tệ cho mỗi 0,5 kg lợn hơi và có thể lên tới 220 nhân dân tệ cho cả một con lợn nếu như áp dụng hệ thống an toàn sinh học mới.

Để tiết kiệm tiền, các trang trại nhỏ đang sử dụng những sản phẩm rẻ tiền như vôi bột, không có hiệu quả cao trong việc giết chết virus tả lợn châu Phi, theo Edgar Wayne Johnson, bác sĩ thú y tại Enable Agricultural Technology Consulting.

Một số sản phẩm khác như chlorine có hiệu quả cao trong việc kháng khuẩn nhưng lại có nhược điểm dễ bay hơi.

“Nếu không thay đổi, bạn sẽ khó có thể trụ nổi trong ngành này”, Johnson cảnh báo. “Bạn sẽ phải chịu sự trừng phạt không chỉ một lần”.

Thói quen của người chăn nuôi đang dần thay đổi, theo Arnold đến từ Lanxess.

“Nếu như người dân đầu tư tiền vào những biện pháp an toàn sinh học đúng đắn, hiệu quả mang lại thậm chí còn lớn hơn gấp nhiều lần. Đó chính là cách tiết kiệm hiệu quả nhất. Thật vui khi sự nhận thức này đang dần được nâng lên trên thị trường”.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM