Một nhân vật đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế năm 17 tuổi, làm rạng danh Toán học Việt Nam, hiện là Giáo sư nổi tiếng
Vị Giáo sư này giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, công tác tại nhiều Viện nghiên cứu và ĐH trên thế giới.
Niềm tự hào của toán học Việt Nam
Sau 50 năm tham gia Olympic Toán học quốc tế (IMO), Việt Nam có 10 người đạt được số điểm tuyệt đối tại đấu trường quốc tế này. Trong đó có Lê Tự Quốc Thắng, người giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1982 tại Hungary với điểm số 42/42.
Lê Tự Quốc Thắng sinh năm 1965 ở Huế, trong một gia đình có truyền thống về toán. Cha anh, GS Lê Tự Hỷ từng là giảng viên Toán tại Đại học Huế, mẹ anh là giáo viên toán cấp 3 ở Huế còn anh trai từng là giảng viên chuyên ngành Toán - Tin tại Đại học Wroclaw (Ba Lan). Bản thân Lê Tự Quốc Thắng là người đam mê toán học, có năng khiếu từ nhỏ.
Anh từng theo học chuyên Toán của Quốc học Huế 1 năm sau đó chuyển sang lớp chuyên Toán của THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM. Năm 1981, Lê Tự Quốc Thắng từng lọt vào top 4 HSG QG môn Toán nhưng năm đó Việt Nam không tham gia IMO.
Với thành tích xuất sắc tại Olympic Toán quốc tế, anh được tuyển thẳng vào khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (Liên Xô cũ). Ngay từ năm nhất, Lê Tự Quốc Thắng thường học vượt kiến thức của những năm sau, nổi bật với khả năng giải toán không cần giấy.
Trong 8 năm học tập tại trường, anh đã 2 lần đạt giải Nhất nghiên cứu khoa học. Anh lấy bằng Tiến sĩ Toán chuyên ngành topo vào năm 1991, sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ nổi tiếng Sergei Novikov.
Sự nghiệp thành công, luôn hướng về quê hương
Lê Tự Quốc Thắng từng công tác và giảng dạy tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ Viện Toán học Steklov (Nga), Viện Toán học Max - Planck (Đức), Viện Vật lý Lý thuyết (Ý), ĐH Tokyo (Nhật Bản)...
Năm 1995, anh và 2 nhà toán học người Nhật là J.Murakami và T. Ohtsuki phát minh ra bất biến lượng tử mang tên Le - Murakami - Ohtsuki, mở ra một hướng mới cho ngành lý thuyết bất biến và đa tạp ba chiều, theo báo Tuổi trẻ. Nghiên cứu này kéo dài khoảng 3 năm, gây tiếng vang lớn trong giới toán học. Trước đó nhiều nhóm khác trên thế giới cũng lao vào tìm hiểu và nghiên cứu lĩnh vực này nhưng không thành công.
Năm 1996, anh sang Mỹ, là thành viên hậu Tiến sĩ của Viện nghiên cứu khoa học Toán tại Berkeley, California. Từ năm 1999-2003, Lê Tự Quốc Thắng trở thành PGS tại ĐH Buffalo (Mỹ). Từ năm 2004, anh là giáo sư của Học viện Công nghệ Georgia - ĐH công lập đào tạo về kỹ thuật hàng đầu tại Mỹ. Chuyên ngành của anh là topo vi phân, đa tạp chiều thấp và quasi-crystals.
Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng là một trong những tác giả được mời tham gia viết 1 trong 350 đề mục của quyển Bách khoa toàn thư về Toán Lý (Encyclopedia of Mathematical Physics) do nhà xuất bản Elsevier ấn hành đồng. Anh cũng là tác giả của hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí Toán học quốc tế, thành viên Ban biên tập nhiều tạp chí học thuật uy tín.
Nhận xét về anh, một chuyên gia toán học nói: “Lê Tự Quốc Thắng chính là một trong những chuyên gia về hình học topo giỏi nhất trong hàng ngũ thuộc thế hệ anh ấy”. Hiện Giáo sư là là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về topo vi phân, đa tạp 3 chiều, lý thuyết nút và quasicrystal.
Cùng với một số giáo sư Toán học khác, Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng tích cực kết nối giúp giới toán học Việt Nam có điều kiện giao lưu với nước ngoài để tiếp tục làm toán. Năm 2007, anh cùng với nhiều nhà toán học Việt Nam từng dự thi toán quốc tế dùng nguồn kinh phí riêng để về tham dự thành phần Ban giám khảo kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 48 tổ chức tại Việt Nam. Điều này góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn khi hội ngộ các cựu IMO Việt Nam, theo báo Tiền Phong.
Giáo sư thường giới thiệu, tuyển chọn một số sinh viên Việt Nam qua Mỹ học nghiên cứu sinh ngành Toán theo nguồn học bổng assistantship. Một trong những học trò của Giáo sư là TS Huỳnh Quang Vũ, Trưởng khoa Toán - Tin học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
Hàng năm anh đều về nước để tổ chức hội nghị hay giảng bài ở Viện Toán, Viện Toán cao cấp, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM, Trường đại học Sư phạm TPHCM…
Năm 2023, Giáo sư về nước tổ chức hội nghị Toán học chuyên ngành tại ĐH Khoa học Tự nhiên. Sau đó vào tháng 12/2023, Lê Tự Quốc Thắng dự hội nghị Toán học tổ chức tại TP Quy Nhơn (Bình Định) và có buổi nói chuyện, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với học sinh chuyên Toán của trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.